Công nghiệp chế biến gỗ của Việt Nam đang "khát" nguyên liệu

Thứ Bảy, 27/05/2017, 18:01

Những năm gần đây, ngành công nghiệp chế biến gỗ của Việt Nam hiện đang đối mặt với thách thức lớn về nguồn nguyên liệu ngày càng cạn kiệt. Điều này làm cho Việt Nam phải lệ thuộc rất nhiều vào nguồn gỗ nhập khẩu từ các nước khác. 





Ngày 27-5, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Uỷ ban Khoa học- Công nghệ và Môi trường tổ chức hội thảo “Vai trò và sự tham gia của các tổ chức xã hội trong Hiệp định VPA/ FLEGT: Tiến trình đàm phán và định hướng kế hoạch tiếp theo".

Bà Nguyễn Tường Vân – Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, hiện Việt Nam vừa là quốc gia sản xuất vừa là quốc gia tiêu thụ gỗ, số lượng các hộ trồng rừng và doanh nghiệp chế biến xuất khẩu nhiều, chủ yếu qui mô vừa và nhỏ. 

Quy định về hồ sơ hợp pháp và kiểm tra trong lưu thông phụ thuộc vào nguồn gốc gỗ trong đó có rừng tự nhiên hay rừng trồng. Chính vì thế, trong hiệp định VPA, Việt Nam phải đảm bảo việc thực thi và giám sát Hiệp định một cách minh bạch, có sự tham gia của các bên liên quan gồm NGO, các Hội Lâm nghiệp, doanh nghiệp, cộng đồng địa phương và người dân sống gần hoặc trong rừng. Phải có cơ chế giám sát minh bạch có sự tham gia của các bên liên quan.



Tại hội thảo, các đại biểu đã đưa ra nhiều ý kiến như tham gia sâu hơn vào quá trình chuẩn bị thực thi VPA, cụ thể là đánh giá tác động; giám sát quá trình phân loại doanh nghiệp; theo dõi tiến trình xử lý khiếu nại; xây dựng các kênh phản hồi thông tin đến Ủy ban thực thi chung và cơ quan đánh giá độc lập.

Những năm gần đây, ngành công nghiệp chế biến gỗ của Việt Nam hiện đang đối mặt với thách thức lớn về nguồn nguyên liệu ngày càng cạn kiệt. Điều này làm cho Việt Nam phải lệ thuộc rất nhiều vào nguồn gỗ nhập khẩu từ các nước khác. Hiện có khoảng 500-600 doanh nghiệp gỗ của Việt Nam trực tiếp tham gia xuất khẩu sang các nước khác nhau bao gồm cả thị trường EU. 

Việc đáp ứng được những quy định có liên quan đến tính hợp pháp của nguồn gỗ sử dụng tạo ra sản phẩm, trong đó bao gồm sáng kiến FLEGT và quy chế về gỗ EU với mục tiêu loại bỏ gỗ bất hợp pháp ra khỏi thị trường này góp phần vào quản lý rừng bền vững tại các quốc gia có sản phẩm gỗ tiêu thụ tại đây vừa là thách thức, vừa mở ra chân trời mới cho sản phẩm gỗ Việt Nam thâm nhập sâu rộng hơn vào thị trường EU. Như vậy, FLEGT chính là giấy thông hành cho các doanh nghiệp. 

Lưu Hiệp
.
.
.