VN-Index vượt đỉnh lịch sử, khối ngoại mạnh tay rót tiền

Thứ Tư, 21/03/2018, 17:30
Phiên giao dịch sáng ngày 21-3, thị trường chứng khoán Việt Nam đã bùng nổ khi VN-Index vượt đỉnh lịch sử từ ngày đầu thành lập (1.170,67 điểm) và đứng ở mức 1.172,29 điểm.


Lực cầu dâng cao đã đẩy hàng loạt cổ phiếu vốn hóa lớn bứt phá và điều này giúp nới rộng sắc xanh của cả hai chỉ số, trong đó, ngân hàng tiếp tục là tâm điểm đầu phiên khi dòng tiền chảy vào các cổ phiếu đầu ngành như VCB, CTG, BID. 

Các “ông lớn” này đang thiết lập các vùng đỉnh mới trong thời gian gần đây tạo hiệu ứng tích cực cho toàn thị trường. Bất động sản cũng có sự tăng trưởng khi VIC đi lên trung hòa hiệu ứng tiêu cực từ đà giảm của ROS. Dòng tiền có xu hướng đi vào một số cố phiếu có biến động mạnh như FLC, HAR, SCR…

Tuy nhiên, đến cuối phiên sáng, áp lực bán có phần tăng cao ở một số cổ phiếu vốn hóa lớn và điều này khiến VN-Index tuột khỏi đỉnh lịch sử. Nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn khác là SAB, HDB, VRE… cũng đều giảm giá và làm ảnh hưởng khá lớn đến đà tăng của VN-Index, kéo HNX-Index giảm trở lại. Tạm dừng phiên sáng, VN-Index tăng 8,75 điểm (0,75%) lên 1.168,14 điểm.

2018 được nhận định là năm của thị trường chứng khoán

Bước sang phiên chiều, một lần nữa VN-Index muốn chinh phục mức điểm đóng cửa cao nhất lịch sử khi leo lại lên trên ngưỡng 1.172 điểm, thậm chí cao hơn mức đỉnh của phiên sáng khi VNM tăng mạnh trở lại, VCB cũng nới rộng đà tăng so với giá đóng cửa của phiên sáng. 

Song, đà tăng không giữ được lâu khi áp lực chốt lời diễn ra khá mạnh, nhất là tại VNM và VCB, cùng một số mã ngân hàng khác, khiến VN-Index bị đẩy ngược trở lại. Chốt phiên chiều 21-3, VN-Index tăng 9,97 điểm (+0,86%), lên 1.169,36 điểm với 149 mã tăng và 135 mã giảm.

Tổng khối lượng giao dịch đạt 237,67 triệu đơn vị, giá trị 7.321,79 tỷ đồng, tăng 11% về khối lượng và 15,85% về giá trị so với phiên 20-3. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 24,86 triệu đơn vị, giá trị 1.184 tỷ đồng. Đáng chú ý, trên sàn HOSE, khối ngoại mua vào hơn 22,92 triệu đơn vị, giá trị 1.307,03 tỷ đồng, gấp đôi cả về  khối lượng và giá trị so với phiên 20-3 (10,22 triệu đơn vị, giá trị hơn 648 tỷ đồng). Ngược lại, khối này bán ra gần 21,4 triệu đơn vị, giá trị 1.098,78 tỷ đồng, giảm 18% về khối lượng nhưng tăng 13% về giá trị so với phiên liền trước.

Đánh giá về việc tái lập đỉnh kỷ lục của thị trường chứng khoán, ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cho rằng nền kinh tế nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng được cải thiện đáng kể trong 2 năm qua, một trong nguyên nhân cơ bản là nhờ chính sách khi Chính phủ không huy động và phân bổ nguồn lực để cho các thành phần kinh tế chủ động huy động nguồn lực. 

"Năm 2018 là năm tốt nhất của thị trường chứng khoán kể từ khi thành lập đến nay. Nếu Chính phủ tiếp tục duy trì chính sách này thì sẽ là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế của đất nước trong những năm tiếp theo", ông Hưng nhận định. 

Trong báo cáo của mình, Trung tâm Nghiên cứu Công ty Chứng khoán MBS phân tích 4 động lực cho đà tăng trưởng của thị trường gồm thứ nhất, gồm kinh tế vĩ mô được dự báo tiếp tục ổn định, đóng vai trò nền tảng hỗ trợ cho thị trường chứng khoán phát triển. Thứ hai, năm 2018 là năm bản lề trong giai đoạn 2016 – 2019 thực hiện mục tiêu đưa thị trường chứng khoán Việt Nam thăng hạng lên nhóm thị trường chứng khoán mới nổi. 

Thứ ba, năm 2018, theo kế hoạch sẽ cổ phần hóa hơn 64 doanh nghiệp nhà nước, con số này cao hơn nhiều so với năm 2017 và đây được kỳ vọng là sự kiện sẽ tiếp tục giúp thị trường chứng khoán thu hút mạnh dòng vốn từ các thị trường quốc tế. Thứ tư, hệ thống doanh nghiệp có điều kiện thuận lợi để tăng trưởng mạnh về kết quả kinh doanh. “Những ngành như ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, bất động sản, xây dựng và vật liệu xây dựng… sẽ tiếp tục hưởng lợi từ chu kỳ hồi phục chung của nền kinh tế”- MBS nhận định.

H.A
.
.
.