Xu hướng kêu gọi đầu tư nước ngoài vào Việt Nam:

Ưu tiên làn sóng đầu tư chất lượng cao và công nghiệp phụ trợ

Thứ Năm, 12/09/2019, 08:24
Theo nhận định của các chuyên gia, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung chưa biết sẽ kết thúc khi nào. Nhưng đây là cuộc chiến thương mại của hai nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới, nên đã tác động đến kinh tế toàn cầu.


Ảnh hưởng tác động này, đã dấy lên một “làn sóng” dịch chuyển về thương mại, đầu tư, trong đó có Việt Nam. “Giả sử có sự dịch chuyển thật sự thì chúng ta cũng không phân biệt được đó là sự dịch chuyển về thương mại, đầu tư hay việc đầu tư vào Việt Nam để tránh thuế của các doanh nghiệp Trung Quốc.

Hiện nay, chúng ta chưa có thông tin cụ thể nhưng đây là vấn đề đáng chú ý”, ông Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Kinh tế thế giới - Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế xã hội quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhìn nhận.

Là tập đoàn lớn của Mỹ chuyên sản xuất và cung cấp các dịch vụ liên quan những lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm công nghiệp và tài chính, bà Lê Thị Hoa, Giám đốc quan hệ Chính phủ, Tập đoàn Cargill cho biết, Cargill đã vào Việt Nam đến nay 24 năm, đang có 11 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Hiện nay Cargill cũng đã nộp hồ sơ xin giấy phép đầu tư tại Đồng Nai nhà máy sản xuất vitamin và khoáng chất bổ sung, công suất 600 ngàn tấn/năm. Sản phẩm sản xuất không chỉ cung cấp thị trường Việt Nam mà còn xuất khẩu chủ yếu các nước Đông Nam Á, châu Á.

Thu hút đầu tư nước ngoài trong thời gian tới sẽ chú trọng vào ngành có hàm lượng công nghệ cao.

Một dự án đầu tư nữa, đó là Cargill đang làm một trại lợn giống tại Đắk Lắk khoảng 600 con nái để phục vụ giống tốt cho các khách hàng, bởi nguồn cung ổn định về giống của Việt Nam chưa được chú trọng.

Trong bối cảnh cuộc chiến  thương mại Mỹ - Trung, Cargill đã bị ảnh hưởng ngành hàng chuỗi cung ứng toàn cầu. Ngành hàng này của Cargill mỗi năm cung cấp khoảng 2 triệu tấn ngô, đậu nành, lúa mì cho các nhà máy thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam. Trước đây, khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung chưa xảy ra, thì Trung Quốc là thị trường nhập khẩu rất lớn các mặt hàng lúa mì và đậu tương của Mỹ. Nhưng nay, ảnh hưởng cuộc chiến thương mại, thì chuỗi cung ứng dịch chuyển và Cargill muốn tận dụng cơ hội này để tìm nhà cung cấp với giá cả cạnh tranh hơn.

“Tuy nhiên chúng tôi gặp vướng mắc một số chính sách nên cũng chưa tận dụng được cơ hội này. Ví dụ quy định về phía Bộ NN&PTNT về cỏ kế đồng trong lô hàng nhập khẩu từ Mỹ, Canada về Việt Nam. Chúng tôi rất mong các cơ quan quản lý có những chính sách phù hợp để làm sao chúng tôi tận dụng được nguồn cung từ Mỹ rất tốt như lúa mì, đậu tương...”, bà Hoa nói.

Chia sẻ tại “Diễn đàn thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ 2019” vừa diễn ra tại TP Hồ Chí Minh, bà Mary Tarnowka - Giám đốc Điều hành Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) cho rằng, xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu. Các DN của Mỹ tại Trung Quốc bị ảnh hưởng nhiều nhất. Điều đó khiến các DN Mỹ phải tìm kiếm nguồn cung tại Việt Nam nhiều hơn khi thiếu hụt nguồn cung từ Trung Quốc.

AmCham đang tích cực phối hợp, tăng cường thảo luận để tìm cách để giúp Việt Nam vượt qua những khó khăn về hạ tầng, minh bạch hóa trong đầu tư, để đưa Việt Nam trở thành điểm đầu tư hiệu quả cho DN Mỹ.

Theo đánh giá của các chuyên gia, Việt Nam là “điểm đến” của nhiều DN “ngoại” bởi có rất nhiều yếu tố hỗ trợ cho sự dịch chuyển như: kinh tế vĩ mô ổn định; lao động tương đối rẻ; thị trường nội địa tiềm năng với thu nhập tăng nhanh; nhiều Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam đã ký kết (FTA) có hiệu lực... Đấy cũng là những điều kiện thuận lợi, cơ hội để xuất khẩu.

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến nay, Việt Nam đã thu hút gần 30.000 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký 352 tỷ USD, tổng vốn thực hiện khoảng 202 tỷ USD (chiếm 56%). Trong đó, Hoa Kỳ đứng ở vị trí 6-7 trong số các quốc gia đầu tư lớn vào Việt Nam. Ngành mà Hoa Kỳ đầu tư lớn nhất vào Việt Nam là dịch vụ lưu trú và ăn uống, có một số dự án rất lớn đạt 2 - 4 tỷ USD đầu tư vào du lịch, resort, khu nghỉ dưỡng đạt.

Tuy nhiên, ngành thu hút DN Hoa Kỳ đầu tư nhiều nhất đó là công nghiệp chế biến, chế tạo (355 dự án). Tiếp theo là ngành Thông tin và truyền thông (173 dự án), ngành Khoa học và công nghệ (162 dự án)... “Hoa Kỳ đầu tư chủ yếu là khoa học công nghệ với hàm lượng cao so với nhà đầu tư các quốc gia khác. Hoa Kỳ đầu tư tại Việt Nam số lượng dự án ít, nhưng quy mô vốn lớn. Trong khi Trung Quốc đầu tư tại Việt Nam thì số dự án nhiều, nhưng quy mô vốn thấp”, ông Đỗ Văn Sử, Trưởng phòng Đầu tư nước ngoài – Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhận xét.

Ông Trần Toàn Thắng cho rằng, cơ hội dịch chuyển đầu tư của các DN nước ngoài vào Việt Nam do tác động cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ tương đối rõ ràng. Nhưng để biến nó thành thực tế thì cần nhiều việc khác nữa. Điều này thể hiện ở vốn đăng ký đầu tư nước ngoài vào Việt Nam lớn, nhưng vốn thực hiện không nhiều. “Vì vậy, cần rà soát ưu đãi đầu tư, chuẩn bị tốt hơn các điều kiện để tiếp nhận làn sóng đầu tư chất lượng cao và đầu tư vào công nghiệp phụ trợ”, ông Thắng nêu quan điểm.

Hiện nay, các FTA thế hệ mới có tác động rất lớn đến hoạt động thương mại và đầu tư của Việt Nam. Sắp tới Chính phủ sẽ triển khai các hoạt động để hoàn thiện thể chế, chính sách phù hợp theo xu hướng phát triển, để định hướng chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài.

Theo ông Đỗ Văn Sử, đây là lần đầu tiên Việt Nam có nghị quyết riêng về đầu tư nước ngoài để thực hiện thời gian tới. Theo đó, Việt Nam khẳng định vốn đầu tư nước ngoài là một bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế Việt Nam và lợi ích của nhà đầu tư tại Việt Nam sẽ được bảo vệ. Tuy nhiên, việc thu hút đầu tư không theo số lượng mà thu hút chất lượng. Trong đó, đưa ra tỷ lệ DN sử dụng công nghệ cao, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, nâng cao tỷ trọng lao động đã qua đào tạo.

“Bên cạnh giải pháp mang tính thu hút cạnh tranh để thu hút đầu tư nước ngoài, thì còn có giải pháp để chọn lọc thu hút dòng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu nhằm loại bỏ những dự án không tốt, không thân thiện môi trường, sử dụng công nghệ lạc hậu và thâm dụng lao động”, ông Sử nhận định.

Thúy Hà
.
.
.