Tỷ giá tăng - thách thức của nền kinh tế

Thứ Ba, 24/03/2015, 10:31
Sau động thái “bỏ ngỏ” khả năng tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), giá trị đồng bạc xanh trên thị trường thế giới biến động giảm. Tuy nhiên, ở thị trường trong nước, tỷ giá tại các ngân hàng thương mại vẫn tăng nhẹ, gây không ít áp lực lên điều hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN)

Trong phiên giao dịch sáng 23/3 – giờ Việt Nam, đồng USD trên thị trường thế giới tiếp tục suy giảm nhẹ. Hiện, 1 USD chỉ đổi được 0,928 EUR; 120,0200 JPY; 0,6697 GBP; 0,9789 CHF...

Còn trên thị trường tiền tệ Việt Nam, tỷ giá VND/USD sau khi có tuần tăng lên khá mạnh, hiện tại vẫn đang tiếp tục tăng lên khá cao ở một vài ngân hàng.

Cụ thể, Ngân hàng Techcombank đang tăng 10 đồng/USD ở chiều mua vào và 20 đồng/USD ở chiều bán ra so với cuối tuần trước, và đang đứng ở mức 21.450 - 21.550 đồng/USD (mua vào – bán ra).

Ngân hàng ACB hiện đang tăng thêm 10 đồng/USD cả chiều mua vào – bán ra so với cuối tuần trước và đứng ở mức 21.460 – 21.540 đồng/USD. Ngân hàng VietinBank đang niêm yết tăng thêm 10 đồng/USD ở chiều mua vào và giữ nguyên mức bán ra và đứng ở mức 21.475 - 21.535 đồng/USD.

Ngân hàng Vietcombank đang niêm yết tăng thêm 15 đồng/USD ở cả 2 chiều và đứng ở mức 21.475 – 21.535 đồng/USD (mua vào – bán ra). Ngân hàng BIDV tăng thêm 20 đồng/USD ở chiều mua vào và 10 đồng/USD ở chiều bán ra và đứng ở mức 21.480 – 21.530 đồng/USD.

Ngân hàng Eximbank tăng thêm 20 đồng/USD ở cả 2 chiều mua vào – bán ra và đang niêm yết ở mức 21.460 - 21.540 đồng/USD…

Phân tích nguyên nhân tỷ giá “nổi sóng” trên thị trường tiền tệ Việt Nam, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, tỷ giá tăng vì nhiều nguyên nhân. Đầu tiên là do tâm lý đầu cơ. Có thể nhiều nhà đầu tư vẫn kỳ vọng NHNN sẽ tăng tỷ giá nên mua vào, găm giữ USD để đầu cơ. Thứ hai, việc doanh nghiệp (DN) mua USD để thanh toán hàng nhập khẩu cũng gây áp lực lên thị trường ngoại hối.

Thứ ba, hiện, nhiều quốc gia trên thế giới, từ châu Âu sang châu Á, đến châu Mỹ và lan sang châu Đại Dương, không chỉ những quốc gia nhỏ, mà còn những quốc gia có nền kinh tế lớn, có thứ hạng trên thế giới và trong khu vực, đã điều chỉnh tăng tỷ giá. Việc điều chỉnh này đã hỗ trợ rất lớn cho xuất khẩu, khiến hàng hóa của các nước này bán ra ngoài rẻ hơn, hỗ trợ kinh tế phát triển. Trong bối cảnh đó, để tăng sức cạnh tranh, việc tỷ giá trong nước tăng thời gian qua cũng là điều dễ hiểu. “Tỷ giá tăng sẽ hỗ trợ cho DN xuất khẩu và gây khó khăn cho DN nhập khẩu khi chi phí của DN nhập khẩu sẽ tăng lên, kéo theo việc tăng giá các hàng hóa nhập khẩu. Điều này sẽ tác động đến lạm phát”- TS Hiếu nhận định.

Cho rằng tỷ giá tăng sẽ làm tăng sức ép phá giá VND và thị trường ngoại hối bất ổn định, PGS, TS. Tô Trung Thành (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) cho rằng, tỷ giá chính thức hiện đang được giữ tương đối cố định trong thời gian dài, mặc dù lạm phát đã được kiểm soát tốt nhưng vẫn ở mức cao so với thế giới, dẫn đến tiền đồng đang được định giá cao so với USD. Không những thế, trong giai đoạn hiện nay, đồng USD lại tăng giá, gây thêm áp lực dồn nén đến tỷ giá, yếu tố tâm lý và đầu cơ vẫn luôn chực chờ đe dọa sự ổn định của thị trường ngoại hối.

Trở lại với giá trị đồng bạc xanh trên thị trường thế giới, ngày 18/3, cuộc họp của Fed đã kết thúc sau hai ngày làm việc với tuyên bố về khả năng tăng lãi suất trong thời gian tới. Theo báo cáo của Fed, nền kinh tế Mỹ đã hội đủ các yếu tố cần thiết để Fed bắt đầu tăng lãi suất vốn được Fed duy trì ở mức gần như bằng 0 cách đây hơn 7 năm, khi kinh tế Mỹ lâm vào suy thoái. Tuy chưa tăng lãi suất, nhưng Fed sẽ linh hoạt trong quyết định chính sách và có thể tăng lãi suất vào cuối năm nay, tùy thuộc vào dữ liệu kinh tế sắp tới.

Sau tuyên bố của Fed, giới đầu tư bắt đầu rút vốn khỏi các tài sản của Mỹ, khiến USD quay đầu giảm. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia tài chính vẫn lo ngại về xu hướng tăng giá không thể ngăn cản nổi của USD trong giai đoạn trung hạn, do sự tăng giá của USD bắt nguồn từ nhiều yếu tố chứ không chỉ do các biện pháp của Fed. Bởi vậy, giá USD trong nước chắc chắn cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Lệ Thúy
.
.
.