Tỷ giá tăng - nhiều toan lo nặng gánh

Thứ Tư, 13/05/2015, 08:35
Gần 1 tuần sau quyết định tăng 1% tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), nhiều thành viên thị trường tài chính vẫn đang bận rộn “sắp xếp” lại chiến lược kinh doanh của mình.

Dù việc tăng tỷ giá là xu thế tất yếu do chịu sự tác động từ thế giới, và thực tế nó cũng giúp hỗ trợ cho doanh nghiệp (DN) xuất khẩu, nhưng với DN nhập khẩu và rất nhiều người dân, việc tăng tỷ giá đã có những ảnh hưởng tới lợi ích của họ: chi phí nguyên liệu tăng cao, gánh nặng tăng giá cũng theo đó đổ lên vai người tiêu dùng trong nước, chưa kể đồng tiền mất giá đang “cấu” vào khúc ruột của từng người gửi tiền trong ngân hàng.

Tỷ giá tăng khiến người tiêu dùng nặng gánh hơn.

Bí kênh đầu tư, tiền gửi mất giá

Chị Nguyễn Ngọc Phụng - giáo viên ở TP Vinh chia sẻ, chị có hơn 800 triệu gửi tiết kiệm tại ngân hàng từ cách đây 4 năm. Đây là số tiền cả đời dành dụm của bố mẹ chị để làm nhà, nhưng vì vướng thủ tục làm sổ đỏ nên tiền vẫn chưa được dùng đến. 

4 năm trời, chứng kiến từng đợt giảm lãi suất của ngân hàng mà buốt hết ruột, nhưng cũng chẳng biết đầu tư vào đâu. Nhà đất thì đắt đỏ, mua xong sợ không bán được lúc cần tiền. Đầu tư vào vàng và chứng khoán thì không dám vì rủi ro quá cao. Là một giáo viên làm công ăn lương, bố mẹ chị cũng là công chức về hưu, tính toán làm kinh tế không rành, thế là giải pháp gửi ngân hàng được lựa chọn. Nhưng chứng kiến liên tục 2 đợt tăng tỷ giá từ đầu năm đến giờ, thấy tiền của mình mất giá ngay trước mắt mà không thể làm gì, chị như ngồi trên đống lửa. 

Nỗi niềm của gia đình chị Phụng cũng là tâm sự của không ít người có tiền nhàn rỗi không biết đầu tư vào đâu, phải chọn kênh gửi tiết kiệm trong ngân hàng lấy lãi. Nhiều người cũng đang toan tính tìm các mối đầu tư khác, nhưng trong thời điểm này, bỏ tiền vào đâu để không bị trượt giá không hề dễ. 

Ngay cả các chuyên gia kinh tế, khi được hỏi nên đầu tư vào đâu cũng phải trả lời “nước đôi” theo kiểu tùy vào khẩu vị rủi ro của từng người. Bởi vậy, chính chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cũng cho rằng, sự dịch chuyển đồng tiền sau động thái điều chỉnh tỷ giá sẽ là không lớn, vì các nhà đầu tư chưa tìm được điểm đến chắc chắn nên tiền vẫn sẽ ở lại với ngân hàng mà thôi. 

Thế nhưng, khi tiền ở lại ngân hàng, nền kinh tế sẽ chỉ đạt đến ổn định chứ không thể sôi động và phát triển, trong khi đó, với từng người dân, thiệt hại của họ sẽ là nhìn thấy rất rõ. Thế nên, theo TS Lực, dù tiền gửi ngân hàng vẫn được hưởng lãi suất thực dương, nhưng việc tăng tỷ giá sẽ gây áp lực lên lạm phát, nhất là trong bối cảnh giá xăng và điện cũng vừa được điều chỉnh tăng cao. Đấy là chưa kể, thị trường vàng Việt Nam - nơi trú ẩn của các nhà đầu tư lúc biến động kinh tế, cũng dâng cao theo tỷ giá. Điều này khiến cho các nhà đầu tư khó khăn hơn, mà nền kinh tế cũng bị ảnh hưởng. 

Doanh nghiệp: Người vui, kẻ buồn

Là DN chuyên xuất khẩu các sản phẩm dệt may tại các thị trường Mỹ và châu Âu, ông Chu Văn Trọng - Phó Giám đốc Công ty CP May Hồ Gươm tỏ thái độ vui mừng khi NHNN quyết định tăng tỷ giá 1%. Theo ông Trọng, tỷ giá tăng, nguồn thu của DN cũng theo đó tăng lên. Giá cả các sản phẩm dệt may Việt Nam sẽ có sức cạnh tranh hơn trên thị trường thế giới. 

Đại diện công ty CP XNK khoáng sản Hà Nam thừa nhận, với một DN xuất khẩu, việc tỷ giá VND/USD tăng hỗ trợ rất nhiều cho DN. Tuy nhiên, trong khi khối DN xuất khẩu vui mừng khi tỷ giá tăng thì khối DN nhập khẩu lại gặp khó khi chi phí nhập nguyên vật liệu gia tăng. 

Đại diện Tổng Công ty Nam Thái Sơn cho biết, với cơ cấu xuất khẩu 60%, nội địa 40%, công ty này phải nhập khẩu 100% nguyên liệu để phục vụ sản xuất. Bởi vậy, khi tỷ giá tăng thì chênh lệch mua ngoại tệ để trả cho ngân hàng buộc phải tăng theo. Với mức cầu từ 1,2 - 1,5 triệu USD/tháng cho việc thanh toán với ngân hàng, tỉ giá mới sẽ làm chi phí công ty đội lên thêm 258 - 322 triệu đồng/tháng… 

Ông Lê Bá Lịch - Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam cho biết, tỷ giá tăng đang gây khó cho các DN thức ăn chăn nuôi, vì chi phí nhập khẩu chiếm 60 - 65% trong tổng chi phí. Bởi vậy, khi tỷ giá tăng, chi phí sản xuất tăng, các DN sẽ buộc phải tăng giá thành sản phẩm. Người chăn nuôi phải mua thức ăn giá cao, kéo theo đó, gánh nặng tăng giá sẽ đổ lên vai người tiêu dùng. Hiện, khối DN nhập khẩu đang tìm giải pháp giảm chi phí nguyên liệu bằng cách “xông” vào các thị trường mới như Nga, châu Âu, Nhật Bản... để tận dụng cơ hội khi đồng bản địa của các nước này đang giảm mạnh. Tuy nhiên, theo ông Lịch, việc giảm chi phí nhập khẩu vẫn rất khó khăn với họ. Lý do là hiện nay, đồng USD vẫn là đồng tiền phổ biến trong thanh toán. Và khi giá USD trên thế giới vẫn chịu nhiều áp lực tăng giá, giá các ngoại tệ khác cũng theo đó bị ảnh hưởng theo hướng tăng theo… 

Phân tích về tác động của tăng tỷ giá, giới chuyên gia thừa nhận sẽ tác động đến chỉ số lạm phát, do độ mở của kinh tế Việt Nam, đặc biệt quy mô nhập khẩu chiếm tỷ trọng lớn, và từ đầu năm đến nay tốc độ nhập khẩu cao hơn so với xuất khẩu. Trong khi đó, ngân hàng HSBC cho rằng đồng Việt Nam yếu hơn sẽ giúp Việt Nam tăng trưởng, làm nhẹ bớt một số gánh nặng nợ trong nước. Việc giảm giá đồng nội tệ và/hay cắt lãi suất sẽ hỗ trợ xuất khẩu Việt Nam cạnh tranh hơn, và không khuyến khích tăng trưởng nhập khẩu. Điều này giúp ngăn chặn Việt Nam không bị thâm hụt kép – vừa tài chính lẫn thương mại – trong khi vẫn thúc đẩy năng lực cạnh tranh tăng cùng lúc…

Hà An
.
.
.