Tỷ giá tăng, ngân hàng và chuyên gia nói gì?

Thứ Bảy, 09/05/2015, 09:19
Động thái điều chỉnh tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ngày 7/5 đã “chặn đứng” áp lực tăng giá đồng bạc xanh trên thị trường. Sau thời điểm “dâng sóng”, tỷ giá đã có dấu hiệu “hạ nhiệt”. Các chuyên gia kinh tế và lãnh đạo ngân hàng cho rằng, việc điều chỉnh này là đúng thời điểm và liều lượng, không gây áp lực lớn về lạm phát và nợ công, đồng thời giúp doanh nghiệp chủ động trong kế hoạch kinh doanh.

Tăng đúng liều lượng và thời điểm

Là cơ quan quản lý - nơi trực tiếp quyết định điều chỉnh tỷ giá, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng khẳng định, NHNN đã cân nhắc hết sức kỹ lưỡng và thấy rằng đây là thời điểm phù hợp để chủ động tăng tỷ giá 1%, các mục tiêu kinh tế vĩ mô đã đặt ra trong năm 2015 vẫn được đảm bảo. Việc điều chỉnh là để chủ động đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Quốc hội và Chính phủ đã giao phó cũng như để ứng phó với những tác động bất lợi của diễn biến trên thị trường tài chính quốc tế.

“Trong thời gian vừa rồi, tại thị trường trong nước, tỷ giá có diễn biến tăng. Qua theo sát diễn biến của thị trường và qua phân tích, NHNN thấy rằng, tỷ giá tăng chủ yếu do yếu tố tâm lý và kỳ vọng của thị trường. Tuy nhiên, diễn biến tỷ giá vẫn nằm trong biên độ quy định của NHNN và các nhu cầu hợp pháp của các tổ chức và cá nhân đều được các tổ chức tín dụng đáp ứng kịp thời. Phản ứng thực tế của thị trường sau đợt điều chỉnh tăng mạnh đã có những diễn biến giảm dần đã cho thấy điều đó. Tổng giá trị giao dịch từ sáng đến chiều 7/5 vào khoảng 700 triệu USD. Đây là mức giao dịch rất bình thường của thị trường trong thời gian vừa qua”, bà Hồng thông tin. 

Thị trường diễn biến thuận lợi hơn sau khi tăng tỷ giá.

Về hướng điều hành tỷ giá trong thời gian tới, lãnh đạo NHNN cho biết sẽ sử dụng các biện pháp và công cụ đồng bộ để có thể ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối trên mặt bằng giá mới và tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường cũng như các dự báo về kinh tế vĩ mô và tiền tệ để điều hành một cách phù hợp.

Dưới góc độ ngân hàng thương mại, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) Phạm Thanh Hà thông tin: Từ khi NHNN công bố tăng tỷ giá, thị trường đã có diễn biến rất tích cực về mặt thanh khoản. Qua thống kê tại Vietcombank, từ trước kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 đến nay, cung cầu ngoại tệ trên thị trường không có gì đột biến. Ngay cả khi tăng tỷ giá, giao dịch có tăng nhưng không nhiều. Hiện tại, trên cả thị trường liên ngân hàng và thị trường mua bán với khách hàng, Vietcombank đều mua ròng (cung ngoại tệ đủ). 

Còn ông Lê Đức Thọ - Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) cho rằng: Với các yếu tố kinh tế vĩ mô hiện nay, đặc biệt là cán cân thanh toán, cán cân thương mại, chúng ta hoàn toàn có thể chủ động về ngoại tệ. Việc điều chỉnh này sẽ giúp khơi thông, tăng tính thanh khoản cho thị trường.

Từ phía các chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh cho rằng việc điều chỉnh một lần ở mức 1% thay vì nhỏ giọt thể hiện sự quyết liệt của NHNN. Điều này tạo ra thông điệp rõ ràng, cụ thể đối với thị trường, để các doanh nghiệp chủ động lập kế hoạch kinh doanh từ nay đến cuối năm, đặc biệt là 6 tháng cuối năm. 

“Quan điểm cá nhân tôi: điều chỉnh 0,25% hay 0,5 chưa chắc giúp ổn định thị trường mà thậm chí có khi còn tạo kỳ vọng trong ngắn hạn về việc tiếp tục tăng nốt chỗ còn lại, do đó không những không giúp ổn định mà còn tạo ra kỳ vọng tăng tiếp nên lựa chọn phương án 1% dựa trên đánh giá của NHNN nhằm giúp ổn định thị trường”- TS Ánh nhận định.

Áp lực nợ công và lạm phát tăng không đáng kể

Khi tỷ giá được điều chỉnh tăng, nhiều ý kiến băn khoăn cho rằng nó sẽ làm cho nợ công gia tăng và gây áp lực lên lạm phát. Tuy nhiên, theo TS Vũ Đình Ánh, vấn đề này không đáng lo ngại. 

Ông Ánh lý giải dù tăng tỷ giá hối đoái thì phần tiền Việt chi trả cho nợ công (gồm cả gốc lẫn lãi) sẽ tăng lên nhưng chỉ tương đương cỡ 1%. Đây là con số không quá lớn. Hơn nữa, Việt Nam trả nợ từ nhiều nguồn ngoại tệ khác nhau và điều này làm giảm bớt áp lực nợ công do tác động của diễn biến tỷ giá.

Về lạm phát, TS Vũ Đình Ánh cho rằng, việc tăng 1% tỷ giá lần này tác động không quá mạnh đến lạm phát. “Tôi cho rằng việc điều chỉnh tỷ giá hối đoái trong bối cảnh kinh tế Việt Nam chắc chắc sẽ tác động đến chỉ số lạm phát do độ mở của kinh tế Việt Nam, đặc biệt quy mô nhập khẩu chiếm tỷ trọng lớn, và từ đầu năm đến nay, tốc độ nhập khẩu cao hơn so với xuất khẩu. Tuy nhiên với mức điều chỉnh 1% lần này, việc tác động quá mạnh đến lạm phát sẽ không xảy ra. Có thể thấy, ngay từ đầu năm, chúng ta điều chỉnh tỷ giá hối đoái 1%. 

Tuy nhiên trong thực tế, diễn biến lạm phát đến tháng 4 chỉ tăng bình quân 0,8%; còn nếu so với cuối năm 2014 vừa qua thì gần như không tăng (chỉ khoảng 0.01%). Như vậy gần như nó không có tác động quá lớn đến lạm phát. Do đó, có thể nói, điều chỉnh tỷ giá lần này, tác động là có tuy nhiên không quá lớn và khả năng chúng ta vẫn duy trì được lạm phát thấp hơn nhiều so với mục tiêu ra cho cả năm”, ông Ánh nhận định.

Lệ Thúy
.
.
.