Tỷ giá tăng gây đầu cơ và áp lực lên lãi suất

Thứ Bảy, 26/11/2016, 09:17
Liên tục tăng trong thời gian qua, đồng USD trên thị trường thế giới đã lên mức cao nhất trong hơn 10 năm. Ảnh hưởng từ động thái này, tỷ giá đồng bạc xanh trong nước cũng “dâng sóng”.

Tại thị trường trong nước, ngày 25-11, giá USD tự do tại Hà Nội ở mức 22.910 đồng (mua vào) và 22.950 đồng (bán ra), tăng 110 đồng và 90 đồng so với cùng thời điểm phiên liền trước. Thống kê cho thấy, từ sau bầu cử Mỹ, giá USD bán ra trên thị trường tự do đã tăng khoảng 620 đồng. 

Trong khi đó, trên thị trường chính thức, sau khi dâng cao vào phiên 24-11, giá USD đã có dấu hiệu chững lại khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phát đi thông điệp sẽ sử dụng mọi biện pháp, kể cả bán ngoại tệ can thiệp để ổn định thị trường, dù tỷ giá trung tâm ngày 25-11 được NHNN điều chỉnh tăng thêm 6 đồng lên mức 22.137 đồng/USD.

Mặc dù thị trường đã có những phản ứng nhất định, nhưng những mối nghi ngại về việc USD tăng giá tạo tâm lý đầu cơ và gây áp lực lên tiền đồng đang được giới phân tích đưa ra. Công ty Chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương (VCBS) cho rằng, việc nâng tỷ giá trung tâm là sự điều chỉnh hợp lý của NHNN khi một số đồng tiền chủ chốt như CNY hay EUR tiếp đà suy giảm so với đồng USD. Trong đó, tỷ giá USD/CNY liên tục thiết lập các mức đỉnh mới trong năm nay.

Vậy, việc tăng tỷ giá sẽ ảnh hưởng như thế nào đến lãi suất VND thời vụ cuối năm? Theo nhiều chuyên gia phân tích, nếu USD tiếp tục đi lên thì dòng tiền có thể đảo chiều, chuyển từ kênh gửi tiết kiệm sang tích trữ USD. 

Lãi suất VND chịu nhiều áp lực khi tỷ giá USD tăng.

Sự dịch chuyển này có thể gây áp lực lên thanh khoản tiền đồng, “ép” các nhà băng phải xem xét điều chỉnh tăng lãi suất tiền đồng đủ mức hấp dẫn để hút tiền quay ngược lại. Điều này càng đáng lo ngại hơn trong bối cảnh lạm phát mục tiêu năm nay có thể vượt mức 4%, cao hơn nhiều so với lạm phát bình quân năm 2015 chỉ ở 0,63%, trong khi lãi suất tiền gửi VND từ đầu năm đến nay đã giảm nhiều so với năm trước.

Thực tế, không phải chỉ lãi suất huy động trên thị trường tăng, mà lãi suất liên ngân hàng trong thời gian qua cũng đã tăng mạnh, lên mức cao nhất trong vòng 5 tháng trở lại đây. Trong hai tuần trở lại đây, lãi suất liên ngân hàng có xu hướng tăng khá mạnh với biên độ từ 0,74 – 0,81%. 

Theo đó, lãi suất trung bình kỳ hạn qua đêm đạt 1,75%; lãi suất trung bình kỳ hạn 1 tuần và 2 tuần lần lượt đạt 1,84% và 2,07%/năm. Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, thanh khoản hệ thống ngân hàng đã bớt dư thừa so với giai đoạn trước - điều này được thể hiện qua động thái bơm ròng qua kênh tín phiếu của NHNN và xu hướng tăng trở lại của lãi suất liên ngân hàng. Nhiều khả năng tín dụng đang tăng tốc mạnh khiến lượng vốn dư thừa trong hệ thống ngân hàng không còn nhiều như trước. 

Theo ghi nhận từ phía NHNN, tính đến ngày 15-11, khối lượng tín phiếu hiện lưu hành ở mức 53.270 tỷ đồng – thấp hơn nhiều so với quy mô 90.000 tỷ đồng tín phiếu tại thời điểm cuối quý 3. BVSC dự báo lãi suất liên ngân hàng trong các tuần tới có thể duy trì xu hướng tăng nhưng về tổng thể mức tăng sẽ không quá lớn, đưa lãi suất các kỳ hạn lên mức 2-3%/năm.

Như vậy, rõ ràng áp lực từ việc tăng tỷ giá lên VND là nguy cơ hiện hữu, cũng như tình trạng đầu cơ, găm giữ ngoại tệ, và sự dịch chuyển dòng tiền có thể sẽ diễn ra nếu đồng USD tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ. 

Điều này hoàn toàn có cơ sở, khi mà mọi số liệu kinh tế cũng như tuyên bố của quan chức Fed đều cho thấy việc Fed tăng lãi suất trong cuộc họp diễn ra vào ngày 13 và 14-12 gần như đã chắc chắn. Trong bối cảnh đó, giới đầu tư đang đánh giá sâu hơn về triển vọng lãi suất đồng bạc xanh vào năm tới, và các nhận định cho rằng khả năng Fed tăng thêm lãi suất trước tháng 6-2017 hiện là 50%.

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng:
Sẵn sàng bán ngoại tệ can thiệp thị trường

- Thưa bà, tỷ giá giữa VND và USD đang có dấu hiệu tăng mạnh. Vậy bà có đánh giá như thế nào về diễn biến này?

Theo đánh giá của NHNN, những diễn biến về tỷ giá trên thị trường trong nước thời gian vừa qua là dễ hiểu vì từ đầu năm 2016 NHNN đã chuyển sang cách thức điều hành tỷ giá mới linh hoạt hơn, tức là cho phép tỷ giá biến động hàng ngày phù hợp với những diễn biến trên thị trường trong nước và quốc tế. 

Như chúng ta thấy, trên thế giới, đồng USD cũng như các đồng tiền khác biến động khá lớn. Tuy nhiên, qua theo dõi thị trường ngoại hối, NHNN thấy rằng, về cơ bản cung cầu ngoại tệ không có yếu tố đột biến, thanh khoản tốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của tổ chức, cá nhân được các tổ chức tín dụng đáp ứng kịp thời và đầy đủ.

- Bà có thể đưa ra vài nhận định của NHNN về thị trường ngoại tệ trong thời gian tới đây sẽ như thế nào?

Tỷ giá tăng nhanh trong một thời gian ngắn, tức là trong mấy ngày qua chủ yếu là do yếu tố tâm lý và có thể có diễn biến đảo chiều trong thời gian tới. Theo đánh giá của NHNN, từ nay đến cuối năm, cung ngoại tệ tiếp tục được hỗ trợ bởi nguồn thu từ xuất khẩu, kiều hối chuyển vào dịp cuối năm, giải ngân dòng vốn đầu tư trực tiếp, đầu tư gián tiếp... 

Trong khi đó, cầu ngoại tệ không có áp lực lớn, đặc biệt nhu cầu ngoại tệ mua trước hạn thường xảy ra khi biến động tăng về tỷ giá không cao. Điểm nữa là NHNN cho phép các tổ chức tín dụng tiếp tục cho vay ngoại tệ theo Thông tư 24 đến hết năm 2017 góp phần giảm cầu mua ngoại tệ để thanh toán ra nước ngoài, theo đó tiếp tục hỗ trợ cho thị trường.

- Vậy trong thời gian tới đây, NHNN có giải pháp nào để ổn định thị trường ngoại hối?

NHNN sẽ theo dõi rất sát diễn biến của kinh tế vĩ mô, tiền tệ trong nước và quốc tế để chủ động thực hiện các biện pháp và công cụ điều hành phù hợp để ổn định thị trường, kể cả việc NHNN sẵn sàng bán ngoại tệ để can thiệp thị trường.

H.A.

PV
.
.
.