Từ ngày 1-9 sẽ truy xuất nguồn gốc đối với thịt, trứng gia cầm

Chủ Nhật, 02/07/2017, 12:03
Ngày 30-6, Sở Công thương TP Hồ Chí Minh tổ chức sơ kết 6 tháng thực hiện đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo.

Đồng thời, công bố triển khai kế hoạch truy xuất nguồn gốc thịt gia cầm, trứng gia cầm.

Theo ông Nguyễn Nguyên Phương – Trưởng phòng Quản lý thương mại Sở Công thương TPHồ Chí Minh: Đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo bắt đầu triển khai từ tháng 12-2016.

Đến nay, tổng số cơ sở kinh doanh thực hiện truy xuất nguồn gốc gồm 838 siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thực phẩm tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh; hai chợ đầu mối Hóc Môn và Bình Điền; 23 chợ truyền thống với 146 gian hàng kinh doanh thịt heo Vissan.

Sau thời gian thử nghiệm, TP Hồ Chí Minh chính thức kiểm soát nguồn thịt heo cung ứng cho thị trường TP, bắt buộc phải truy xuất nguồn gốc vào chợ đầu mối từ ngày 31-7. Từ thành công bước đầu này, việc tiếp tục thực hiện đề án quản lý và truy xuất nguồn gốc thịt gia cầm, trứng gia cầm là giải pháp cần thiết.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cũng khẳng định: “Trước mắt, từ đầu tháng 9 -2017, người dân TP có thể thực hiện truy xuất nguồn gốc thịt gia cầm, trứng gia cầm”.

Theo ông Hòa, đề án này ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng công nghệ QR Code, vòng niêm phong, điện toán đám mây, tem truy xuất và hệ thống phần mềm quản lý…

Để nhận diện truy xuất nguồn gốc quản lý tất cả thông tin, dữ liệu liên quan đến sản phẩm thịt gia cầm, trứng gia cầm. Giải pháp này cũng cho phép NTD trực tiếp kiểm tra đầy đủ thông tin về loại thịt, trứng gia cầm đã mua. Truy ngược dòng từ thành phẩm cuối cùng về nơi sản xuất ban đầu.

Hiện, Sở Công thương TP Hồ Chí Minh đã nhận được hồ sơ đăng ký của nhiều đơn vị như C.P, Evimest, CJ, San Hà, Phạm Tôn…, 27 trang trại gà giống, 339 trang trại gà lấy thịt, 53 trang trại gà lấy trứng, 13 cơ sở giết mổ…

Đến nay, TP Hồ Chí Minh có hơn 1.700 điểm bán thịt gia cầm, trứng gia cầm đã đăng ký tham gia truy xuất nguồn gốc.

Theo Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, thực hiện chỉ đạo của UBND TP Hồ Chí Minh, thời gian tới các Sở ban ngành sẽ mở rộng triển khai Đề án với các mặt hàng thực phẩm khác như thịt bò, rau củ, quả… để khuyến khích sản xuất sản phẩm sạch, đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP và truy xuất nguồn gốc.

Ông Trần Vĩnh Tuyến – Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh khẳng định, mặc dù việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm là rất khó nhưng chúng ta vẫn quyết tâm làm bằng được.

“Thành phố thấy rằng vấn đề an toàn thực phẩm là rất quan trọng. Đây không chỉ là câu chuyện xử lý hành vi gian lận thương mại, xem thường sức khỏe người dân mà chúng ta cần có giải pháp căn bản là phải xây dựng được nguồn thực phẩm sạch. Truy xuất nguồn gốc sản phẩm là biện pháp căn cơ, đúng với xu hướng của thế giới. Vì vậy thành phố kiên quyết làm và làm có hiệu quả”.

Theo ông Tuyến, với những trang trại chăn nuôi gia cầm nhỏ lẻ sẽ được hỗ trợ 50% chi phí khi tham gia đề án truy xuất nguồn gốc, nếu trạng trại có tham gia các tổ chức, hợp tác xã sẽ được hỗ trợ 100% trong vòng 6 tháng.

Thúy Hà
.
.
.