Trung tâm mua sắm dành cho khách du lịch bán hàng “nhái” đồ hiệu

Thứ Sáu, 12/07/2019, 17:26
Để vào được trung tâm mua sắm này, khách du lịch phải có hướng dẫn viên đưa vào, sau đó chia thành từng nhóm do chính nhân viên tại đây mua sắm…

Thông tin từ UBND TP Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) cho biết, đến sáng ngày 12-7, lực lượng chức năng mới hoàn tất công việc kiểm đếm hàng hóa có dấu hiệu vi phạm sở hữu trí tuệ, tại 2 trung tâm mua sắm dành cho khách du lịch.

Trước đó, sáng ngày 11-7, Công an TP Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) phối hợp cùng với lực lượng Quản lý thị trường, Bộ đội Biên phòng, Công an tỉnh Quảng Ninh và Bộ Công an, tổ chức kiểm tra đột xuất 2 trung tâm mua sắm dành cho khách du lịch tại cửa hàng Hồng Nguyên và ASEAN, cùng nằm trên đường đại lộ Hòa Bình, phường Trần Phú.

Lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra và thu hàng hóa vi phạm.

Tại đây lực lượng chức năng đã phát hiện các cơ sở này bày bán rất nhiều loại hàng hóa, từ dược phẩm, mỹ phẩm, đến vàng trang sức và đặc biệt là đồng hồ, túi xách hàng hiệu với các thương hiệu nổi tiếng như: Gucci, Louis Vuiton, Bally, Salvator, Hermes...

Cụ thể, tại cửa hàng mua sắm ASEAN, thuộc Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Bảo Hưng, nằm ngay cạnh Cửa khẩu quốc tế Móng Cái, bày bán đủ thứ hàng từ những đồ xa xỉ như đồng hồ, kính mắt, túi xách, vàng bạc, đồ gỗ mỹ nghệ. Nhiều loại túi xách, dây dưng, ví da ghi có ghi các thương hiệu LuisVuitton, Guicci, Prada..., chỉ có giá từ 7 - 8 triệu đồng, cá biệt có những sản phẩm giá chỉ vài trăm ngàn đồng. 

Ngược lại ở phía đối diện cửa hàng mua sắm ASEAN là tòa nhà Thương trường Quốc tế Hồng Nguyên, thuộc Công ty CP Tập đoàn đầu tư Hồng Nguyên cũng bày bán đủ loại sản phẩm từ thuốc lá, vàng bạc, đá quý, khăn, túi và đặc biệt là đồng hồ các hãng với giá cực kỳ đắt đỏ. 

Đáng chú ý, kiểm tra nhanh một chiếc đồng hồ thương hiệu Patek Phillipe tại đây được bán với giá 400 triệu đồng. Hay như chiếc đồng hồ mang thương hiệu Rolex có giá bán lên đến 500 triệu đồng. Tuy nhiên kiểm tra nhanh bằng cách chuyển hình ảnh do chuyên gia đề nghị xác định được các hãng khẳng định đây là hàng nhái.

Theo đó đại diện đoàn kiểm tra liên ngành cho biết, bước đầu có thể thấy nghi vấn hầu hết đều là hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ, hàng giả các thương hiệu nổi tiếng là những mặt hàng rất phổ biến về thời trang, đồng hồ, kính mắt, ngoài ra còn cả các mặt hàng khác như mỹ phẩm, giầy dép, trang sức… Ước tính giá trị hàng nghi giả này khoảng 100 tỉ đồng.

Được biết các cơ sở này chỉ tiếp và bán hàng cho khách du lịch và nhân viên ở đây có tới 80% là người nước ngoài. Cùng với đó, toàn bộ hệ thống thanh toán được thông qua hệ thống ngân hàng nước ngoài từ thẻ ngân hàng tới các trung gian thanh toán.

Đáng chú ý, để vào được trung tâm mua sắm này, khách du lịch sẽ được hướng dẫn viên người Việt đưa tới đây nhưng các hướng dẫn viên này không được phép vào trong mà phải ngồi đợi khách ở phía bên ngoài. Khách được chia thành từng tốp chừng hơn 10 người do chính nhân viên tại đây phụ trách đưa đi mua sắm.

Tại thương trường Quốc tế Hồng Nguyên, trước đó vào tháng 10 – 2018, đoàn kiểm tra liên ngành của Quảng Ninh đã lập biên bản. Thời điểm đó, người đại diện của đơn vị này cho biết đã dừng hoạt động và đóng cửa Trung tâm, nhưng khi Đoàn liên ngành yêu cầu mở cửa kiểm tra vẫn phát hiện hàng hóa bày bán.

Kiểm tra việc sử dụng lao động, lực lượng chức năng đã phát hiện tại đây có 94 lao động nước ngoài, chưa có giấy phép, 16 lao động là người Việt Nam chưa có hợp đồng lao động.

Theo đó các lực lượng chức năng đã chuyển các mặt hàng thu giữ tại các cơ sở mua sắm này để thẩm định, đồng thời triệu tập các thành phần liên quan để điều tra làm rõ vụ việc.

V. Huy
.
.
.