Tranh chấp vay tiêu dùng: Tôn trọng nguyên tắc thỏa thuận

Thứ Tư, 07/12/2016, 15:12
Sự hiện diện của dịch vụ vay tiêu dùng là một giải pháp khả dĩ giúp người dân giải tỏa nỗi lo tài chính. Tuy nhiên, song hành cùng lợi ích trên có không ít tranh chấp liên quan đến việc trả nợ nảy sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng.


Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), trong 7 năm qua, tổng dư nợ tiêu dùng tăng trưởng trung bình gần 20%/năm. Ước tính hiện có khoảng 15,8 triệu người là khách hàng tiềm năng của các công ty cung cấp tín dụng tiêu dùng. 

Tuy nhiên, cùng với đó là việc nảy sinh một số vướng mắc trong thực hiện hoạt động tín dụng giữa người vay tiêu dùng và bên cho vay, gây khó khăn cho tòa án khi xử lý các tranh chấp.

Những tranh chấp trong vay tiêu dùng cần được giải quyết đúng pháp luật. Ảnh minh họa: CTV

Trường hợp của ông Lê Thanh Bình (Ba Đình, Hà Nội) là một ví dụ điển hình về tranh chấp vay tiêu dùng liên quan đến thanh toán nợ. Đầu năm 2015, để phát triển kinh tế gia đình, ông Bình có ý định vay một khoản tiền. Tuy nhiên, ông Bình không có tài sản thế chấp để vay ngân hàng. 

Ông được bạn bè, người thân mách rằng vay tiêu dùng ở công ty tài chính (CTTC) sẽ không phải thế chấp bất kỳ tài sản nào. Nhận thấy đây là cơ hội để vực dậy kinh tế gia đình, ông Bình quyết định ký hợp đồng vay tiêu dùng với CTTC. Tuy nhiên, việc làm ăn sau đó không suôn sẻ, ông Bình rơi vào tình trạng phá sản, mất khả năng trả nợ.

Về trường hợp trên, luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng Luật sư Chính Pháp cho biết, những vụ việc như vậy chỉ là quan hệ dân sự, chưa có dấu hiệu phạm tội. Nếu khách hàng không trả nợ đúng hạn hoặc mất khả năng trả nợ thì tổ chức tín dụng (TCTD) hoàn toàn có thể khởi kiện khách  hàng ra tòa để giải quyết theo thủ tục dân sự.

Ông Bình chỉ là một trong số hàng trăm trường hợp tranh chấp vay tín dụng xảy ra gần đây. Đối tượng rơi vào tình huống này hầu hết là người dân có thu nhập trung bình và thấp. Họ thường không xây dựng được cho mình kế hoạch trả nợ, hoặc bị động rơi vào tình trạng mất khả năng thanh khoản.

Thông thường, tranh chấp vay tiêu dùng thường xảy ra do bên vay vi phạm nghĩa vụ của mình. Tranh chấp trong thanh toán nợ của ông Bình là một loại tranh chấp phát sinh từ hợp đồng tiêu dùng (HĐTD), trong đó liên quan đến nghĩa vụ hoàn trả vốn và lãi, về lãi suất vay, về vấn đề đảm bảo thực hiện nghĩa vụ. Đây là những nghĩa vụ quan trọng nhất, đóng vai trò nòng cốt trong quá trình thực hiện HĐTD của các bên.

Việc thực hiện này có tác động trực tiếp đến quyền lợi của TCTD. Các tranh chấp khác cũng có tác động đến các TCTD nhưng không phải là cơ bản, nên ít xảy ra hơn so với tranh chấp về nghĩa vụ hoàn trả vốn và lãi hay như tranh chấp về lãi suất, về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Khi rơi vào tranh chấp, các bên không còn cách nào khác là phải cùng đưa nhau tìm đến các cơ quan chức năng nhằm tìm ra hướng giải quyết. 

Tuy nhiên, Bộ luật Dân sự 2005 đã ghi nhận: “Cam kết, thỏa thuận hợp pháp có hiệu lực bắt buộc đối với các bên và phải được cá nhân, chủ thể khác tôn trọng”. 

Do đó, kể cả đối với việc giải quyết tranh chấp phát sinh từ HĐTD thì các bên cũng có quyền thỏa thuận để đạt được hiệu quả tối ưu nhất trong trường hợp có tranh chấp xảy ra. Việc tôn trọng quyền định đoạt này có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Bởi quan hệ dân sự giữa các bên mang tính bình đẳng.

Khi các bên tham gia tranh chấp có thể đồng thuận được với nhau việc giải quyết tranh chấp sẽ giúp sự việc diễn ra nhanh chóng, thuận lợi hơn. Đồng thời, giảm thiểu được thiệt hại về thời gian, tiền bạc cũng như công sức của các bên. Còn phía các cơ quan tài phán, thi hành án, việc thỏa thuận này cũng có ý nghĩa trong việc giảm nhẹ khối lượng, áp lực công việc trong điều kiện các tranh chấp ngày càng xảy ra nhiều và phức tạp như hiện nay.

Nguyên tắc tự do thỏa thuận khi giải quyết tranh chấp giữa các bên cũng được Bộ luật Tố tụng dân sự thể hiện ở chế định hòa giải. Theo đó, hòa giải là trách nhiệm của cơ quan tài phán khi có tranh chấp xảy ra và khi đó các bên có thể thỏa thuận về việc giải quyết vụ án. Ngay cả trước khi diễn ra hoặc tại phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm. Các bên cũng vẫn có quyền thỏa thuận về việc giải quyết tranh chấp miễn sao thỏa thuận đó phù hợp với các quy định của pháp luật.

K.H.
.
.
.