Tranh cãi quanh báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam

Thứ Năm, 10/05/2018, 09:19
Tại Hội thảo “Hiểu thị trường lao động để tăng năng suất” sáng 8-5, Viện Nghiên cứu kinh tế và phát triển chính sách (VEPR) đã công bố báo cáo kinh tế thường niên Việt Nam, trong đó cho rằng lương trung bình tăng nhanh hơn năng suất lao động trên tất cả các nhóm quy mô doanh nghiệp. 

Theo Viện trưởng VEPR Nguyễn Đức Thành thì tốc độ tăng lương tăng nhanh hơn tốc độ tăng năng suất lao động là vấn đề đáng lo ngại của Việt Nam. Tuy nhiên câu chuyện, giữa lương và năng suất lao động này vẫn chưa thể thống nhất và tiếp tục có những ý kiến bất đồng.

Lương tăng quá nhanh

Theo báo cáo thì năng suất lao động bình quân của Việt Nam tăng từ 38,64 triệu đồng/lao động/năm vào năm 2006 lên mức 60,73 triệu đồng năm 2017. 

Trong giai đoạn 2012 - 2017, năng suất lao động bình quân của toàn nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ với tốc độ bình quân 5,3%/năm và tăng trưởng cao nhất vào năm 2015 với tốc độ 6,49%. Nhìn chung, giá trị năng suất lao động tổng hợp có xu hướng tăng với tốc độ khá nhanh qua các năm.

Vẫn đang có rất nhiều ý kiến xung quanh vấn đề lương và năng suất lao động.

Tuy nhiên, tốc độ tăng lương trung bình năm (6,7%) vẫn vượt quá tốc độ tăng năng suất lao động (5%) trong giai đoạn 2004 - 2015 (đặc biệt sau năm 2009). Lưu ý của các tác giả báo cáo là lương trung bình gồm tất cả các khoản lương, phụ cấp, thưởng và chi trả an sinh xã hội. Năng suất lao động không tính đến lợi nhuận từ tài chính và lợi nhuận khác.

Bản báo cáo phân tích, theo loại hình sở hữu, tăng trưởng tiền lương đã vượt mức tăng năng suất lao động của các doanh nghiệp FDI, nhưng thấp hơn mức tăng năng suất lao động của các doanh nghiệp Nhà nước. 

Đối với doanh nghiệp tư nhân, tăng trưởng lương trung bình khá sát với mức tăng năng suất lao động. 

Theo quy mô doanh nghiệp thì lương trung bình tăng nhanh hơn năng suất lao động trên tất cả các nhóm quy mô doanh nghiệp. Đánh giá tác động, các tác giả báo cáo cho rằng việc tăng lương tối thiểu nhìn chung dẫn đến tăng lương trung bình và giảm việc làm cũng như giảm tỷ suất lợi nhuận. 

Dù rằng những ảnh hưởng này có khác biệt đáng kể giữa các thành phần kinh tế. Nói chung, khi lương tối thiểu tăng, khu vực tư nhân có khuynh hướng cắt giảm lao động chính thức (có đóng bảo hiểm) để đối phó. 

Các ngành công nghiệp thâm dụng lao động như dết may, sản phẩm gỗ, và đồ nội thất có xu hướng thay thế lao động bằng máy móc. Tuy nhiên, đáng lo ngại là một số ngành công nghiệp thâm dụng lao động khác như điện tử và sản xuất máy móc lại giảm đầu tư vào trang thiết bị, cho thấy có thể nhà đầu tư lo ngại giá lao động tăng trong dài hạn có thể khiến các ngành này mất sức cạnh tranh và do đó đã bắt đầu thoái lui đầu tư…

Viện trưởng Nguyễn Đức Thành khi trình bày báo cáo cũng nhấn mạnh rằng, tốc độ tăng lương nhanh hơn tăng năng suất lao động sẽ ăn mòn lợi nhuận của doanh nghiệp, tích luỹ tư bản chậm lại và không mở rộng được sản xuất để thu hút lao động. 

Điều này theo ông Thành lại tạo ra vòng xoáy luẩn quẩn. Khuyến nghị từ các tác giả báo cáo là điều chỉnh lương tối thiểu cần được thực hiện phù hợp với tăng trưởng năng suất lao động. Và Chính phủ cần lựa chọn thúc đẩy năng suất lao động như một mục tiêu quan trọng hàng đầu trong kết hoạch trung và dài hạn...

“Lương chưa đủ sống thì đừng nói đến năng suất lao động”

Tuy nhiên, TS. Lương Văn Khôi, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF) cho rằng, không thể nói chung chung là năng suất lao động của Việt Nam thấp và cần nâng cao năng suất lao động của Việt Nam. 

Vấn đề hiện nay là Việt Nam cần có chiến lược phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo phù hợp hơn. Đặc biệt cần quan tâm đến những nhóm ngành có năng suất lao động cao và tốc độ tăng trưởng năng suất lao động cao, như các nhóm ngành sản xuất, chế biến thực phẩm; sản xuất sản phẩm thuốc lá và sản xuất kim loại. 

Đồng thời, cần có chiến lược phù hợp để thúc đẩy những ngành hiện nay có năng suất lao động thấp nhưng có tốc độ tăng năng suất lao động cao...

Trong khi đó đề cập đến vấn đề này, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Mai Đức Chính không đồng tình. Theo ông Chính, các con số này là mức tăng của năng suất lao động xã hội. 

“Trong khi tiền lương của chúng ta đang tính là năng suất lao động của ngành công nghiệp thì ở đây lại dùng năng suất lao động xã hội. Hai khái niệm này hoàn toàn khác nhau. Nếu tiền lương của xã hội thì theo năng suất lao động xã hội là đúng, nhưng đây tôi đang tính trong khu vực doanh nghiệp, tức là khu vực công nghiệp. Tiền lương của chúng ta hiện nay còn chưa đủ sống thì đừng nói đến năng suất lao động”, ông Chính nói. 

Ông Chính phản biện, nếu cứ theo con số nghiên cứu cho rằng lương tối thiểu tăng thì lao động giảm. Vậy thời gian qua, lương tối thiểu tăng mấy chục phần trăm mà lao động có giảm đi không? Trong khi đó báo cáo của Bộ LĐ-TBXH mỗi năm chúng ta vẫn tăng 1,5 triệu lao động có việc làm. Cơ sở nào để chứng minh lương tối thiểu tăng thì việc làm giảm?, ông Chính đặt câu hỏi. 

Ông Chính khẳng định, lương tối thiểu chỉ là cái lưới để bảo vệ người lao động yếu thế nhất.

Phan Hoạt
.
.
.