Tồn kho khẩu trang vải do khó xuất khẩu

Thứ Hai, 27/04/2020, 09:20
Khi dịch bệnh COVID-19 xảy ra, ngành dệt may đã phải đối mặt với cú sốc lớn. Tháng 2, khi dịch bệnh bùng phát ở Trung Quốc, các doanh nghiệp (DN) dệt may Việt Nam bị đứt nguồn cung nguyên liệu từ Trung Quốc. Đến tháng 3, khi nguồn cung nguyên liệu được nối lại thì cũng là lúc dịch lan rộng ở châu Âu, Mỹ, dẫn đến các đối tác đề nghị giãn, hoãn, hoặc hủy đơn hàng.

Trong bối cảnh đó, nhu cầu tiêu thụ khẩu trang của các nước tăng mạnh như một giải pháp giúp cho ngành dệt may Việt Nam hồi phục. Tuy nhiên, năng lực sản xuất của DN lớn, nhu cầu tiêu thụ của thị trường cao, nhưng để xuất khẩu khẩu trang ra thị trường nước ngoài là điều không dễ...

Trước tình hình dịch bệnh bùng phát mạnh ảnh hưởng đến hoạt động của DN, Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã có công văn trình Thủ tướng Chính phủ cho biết, dịch bệnh bùng nổ tại Mỹ và EU khiến nhu cầu nhập hàng từ hai thị trường này sụt giảm đột ngột, đồng thời cắt đứt nguồn cầu của toàn ngành. Đa số các đối tác lớn đều có động thái cắt giảm hoặc ngừng tất cả đơn hàng tới hết tháng tháng 4, thậm chí có đối tác tạm thời ngừng nhận đơn hàng tới hết tháng 6.

Nhiều doanh nghiệp sản xuất khẩu trang hiện đang tồn đọng một số lượng lớn.

Hiệp hội cũng đưa ra giả thiết, nếu dịch kết thúc vào khoảng tháng 6 thì ngành dệt may sẽ thiệt hại khoảng 12.000 tỉ đồng, đồng thời sức cầu giảm có thể kéo theo giá giảm tới trên 20%. 100% các DN sản xuất hàng may mặc đều bị ảnh hưởng, trong đó khoảng 70% DN đã thực hiện cắt giảm nhân sự trong tháng 3 và dự kiến 80% DN sẽ phải cắt giảm nhân sự trong tháng 4 và tháng 5.

Được biết, 2 thị trường xuất khẩu chính của ngành dệt may Việt Nam là EU và Mỹ (chiếm hơn 60% kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam). Khi các thị trường này bị đứt đơn hàng, nhiều DN trong ngành đã xoay xở bằng cách chuyển hướng sang sản xuất khẩu trang kháng khuẩn bằng vải. Tuy nhiên, hành trình đưa chiếc khẩu trang đến với các thị trường đang có nhu cầu cao nhưng khó tính này không hề thuận lợi và dễ dàng.

Nói về khó khăn của DN sản xuất xuất khẩu khẩu trang vải, ông Phạm Văn Việt - Phó Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP Hồ Chí Minh (AGTEK), Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean cho rằng: “Đứng trước nhu cầu y tế tăng cao, cũng như để giải quyết một phần khó khăn về kinh tế, ban đầu hầu như tất cả các DN dệt may chuyển hướng sang sản xuất khẩu trang vải. Hiện nay, khẩu trang y tế khan hiếm, phương án sản xuất khẩu trang vải được đặt ra nhằm thay thế mặt hàng y tế trên. Là sản phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe con người nên khi xuất khẩu ra các nước khác, vấn đề kiểm tra, kiểm dịch được kiểm soát chặt chẽ”.

Theo ông Việt, bước đầu Việt Nam đã chuyển dịch nhanh nhưng chưa thực sự chuẩn bị đủ về nguyên liệu, công nghệ khử khuẩn, cũng như chưa đo lường được nhu cầu, tiêu chuẩn của thị trường các nước khác. Tính đến thời điểm hiện tại, các DN Việt chỉ có thể xuất khẩu hàng mẫu với số lượng hạn chế, không thể xuất với số lượng lớn vì chưa đạt tiêu chuẩn được đưa ra. Vì vậy, các vấn đề về nguyên liệu có đạt tiêu chuẩn hay không, chọn thị trường nào để xuất khẩu, thành phẩm có đạt yêu cầu của nước đó không là thách thức lớn đối với DN.

Bên cạnh việc gắn kết với thị trường khác ngoài EU, Nhà nước cũng đã có những hành động thực tiễn để hỗ trợ DN dệt may khi Bộ Y tế ra quyết định về việc “Hướng dẫn kỹ thuật tạm thời cho khẩu trang vải kháng giọt bắn, kháng khuẩn” để giải thoát DN khỏi những lúng túng trước các điều kiện đạt chuẩn của khẩu trang vải kháng khuẩn, cũng như tạo thị trường “sạch” cho DN và người tiêu dùng. Tuy nhiên, đây chỉ là kỹ thuật tạm thời và chỉ áp dụng đối với thị trường Việt Nam, không thể cùng áp dụng tại các nước khác nên khẩu trang Việt Nam mặc dù đạt tiêu chuẩn theo Quyết định 870/QĐ-BYT vẫn khó có thể xâm nhập vào thị trường quốc tế.

Nhìn nhận về tình hình xuất khẩu khẩu trang (y tế và vải) của DN hiện nay, ông Trương Thanh Hoài - Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, năng lực sản xuất khẩu trang y tế của các DN trong nước hiện khoảng chục triệu chiếc một ngày. Nhưng do phải cung ứng nguồn khẩu trang y tế dự trữ để phục vụ công tác phòng dịch trong nước nên gây ách tắc hoạt động xuất khẩu mặt hàng này.

Nhu cầu cần mua để dự trữ cho việc phòng dịch trong nước là 60 triệu chiếc khẩu trang y tế, nhưng hiện nay ngành y tế mới mua được 46 triệu chiếc. Chính phủ đã ra kết luận về việc cấp phép xuất khẩu khẩu trang y tế. Nhưng, hiện nay, mặc dù các DN có năng lực sản xuất lớn nhưng chỉ vì y tế chưa mua đủ số khẩu trang y tế còn thiếu (14 triệu chiếc) nên đã gây khó khăn chung. Vì vậy, để tạo thuận lợi cho DN xuất khẩu khẩu trang, đề nghị ngành Y tế đẩy nhanh việc mua khẩu trang y tế còn thiếu để phục vụ nhu cầu dự trữ trong nước, thông qua cơ chế đấu thầu.

Sau đó cho phép DN xuất khẩu không giới hạn mặt hàng này. Còn với khẩu trang vải, năng lực cung ứng của các DN dệt may trong nước cũng lên tới 11 triệu chiếc một ngày, nhưng mức tiêu thụ thấp khiến lượng tồn kho tăng, khoảng 20 triệu chiếc. Vì vậy, khẩu trang vải đang rất cần “đầu ra” tại các thị trường xuất khẩu.

Mặc dù nhu cầu cần mua khẩu trang của thị trường thế giới tăng cao, nhiều DN dệt may trong nước cũng đã nhanh nhạy, chuyển hướng sản xuất khẩu trang, đặc biệt là khẩu trang vải. Tuy nhiên, thực tế cho thấy khẩu trang vải rất khó tiếp cận các thị trường nước ngoài. Nguyên nhân, do tiêu chuẩn của đối tác nước ngoài cho sản phẩm khẩu trang vải quá khắt khe, trong khi DN trong nước xác định đây là mặt hàng thời vụ, không có tính ổn định lâu dài (nếu hết dịch) nên DN không đầu tư nhiều vào kỹ thuật, công nghệ.

Ngoài ra, trên thị trường thế giới, nói khẩu trang là đồng nghĩa với khẩu trang y tế, việc sử dụng khẩu trang vải chưa phổ biến. Vì vậy, theo Bộ Công Thương, muốn đẩy mạnh xuất khẩu khẩu trang vải, cần có sự thông tin, quảng bá thêm để người dùng nhận biết được lợi ích của khẩu trang vải và chuyển sang sử dụng loại khẩu trang này.

Thúy Hà
.
.
.