Tín hiệu tích cực từ dòng vốn đầu tư nước ngoài

Thứ Hai, 11/02/2019, 10:19
Trong không khí cả nước phấn khởi đón Tết Kỷ Hợi, nhiều doanh nghiệp vẫn tất bật với các đơn hàng thì có một tín hiệu đáng mừng trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài, khi mà số vốn đăng ký và giải ngân trong tháng 1-2019 đều rất tích cực. Dự báo, năm 2019, hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài tiếp tục tăng trưởng tốt.


Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng khẳng định, năm 2018, xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng mạnh, giải ngân vốn FDI vẫn duy trì ở mức khá đạt 19 tỷ USD, tăng 9,1%. Ngay trong tháng 1-2019, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 1,9 tỷ USD, tăng 51,9% so với cùng kỳ năm 2018. Và ước tính các dự án FDI đã giải ngân được 1,55 tỷ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2018. Các nhà đầu tư đã tham gia vào 18 ngành/lĩnh vực quan trọng, tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến - chế tạo, khoa học công nghệ và bất động sản... Đây là con số hết sức tích cực và rất có ý nghĩa trong bối cảnh hiện nay. Nguồn vốn đầu tư này sẽ bổ sung năng lực mới cho nền kinh tế, góp phần cho tăng trưởng.

Ngay trong tháng 1-2019, vốn FDI giải ngân đạt 1,55 tỷ USD, cho thấy các nhà đầu tư quốc tế tin tưởng vào thị trường Việt Nam và cam kết thực hiện đầu tư theo tiến độ. Ổn định kinh tế vĩ mô và những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh của Chính phủ đã tạo được uy tín và sức hút đối với các nhà đầu tư. Theo đó, các nhà đầu tư truyền thống tại Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore… vẫn tiếp tục đổ vốn vào Việt Nam. 

Cần thu hút FDI có chọn lọc, khuyến khích gắn kết với DN trong nước, nâng cao vị trí của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Đặc biệt, trong tháng 1, có 51 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam thì Nhật Bản đứng vị trí thứ nhất với tổng vốn đầu tư gần 364 triệu USD, chiếm 19% tổng vốn đầu tư. 

Trong đó, dự án Công ty Trách nhiệm hữu hạn Kyoshin (Việt Nam) được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh ngày 17-1-2019 tăng vốn đầu tư thêm 134,7 triệu USD. Đây là dự án được nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư tại TP Hồ Chí Minh từ năm 1995, với mục tiêu sản xuất, gia công và xuất khẩu các linh kiện đồ điện, khuôn mẫu. 

Hay như dự án Katolec Global Logistics Việt Nam, được đầu tư bởi Katolec Corporation (Nhật Bản), tổng vốn đầu tư 65 triệu USD, với mục tiêu kho bãi và lưu giữ hàng hóa tại Hà Nam; dự án Nhà máy Sews-Components Việt Nam II, với tổng vốn đầu tư đăng ký 64,89 triệu USD, do nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư tại Hưng Yên…

Ông Goki Nobuta, Tổng Giám đốc Công ty TNHH KCN Thăng Long (Vĩnh Phúc) cho biết, làn sóng đầu tư từ Nhật Bản vào Việt Nam vẫn đang tăng mạnh. Tại KCN Vĩnh Phúc mới đây đã có 8 DN Nhật Bản đến, dự kiến khi hoàn thành KCN đón khoảng 80 nhà đầu tư Nhật Bản đến đầu tư tập trung vào công nghiệp phụ trợ, công nghệ cao, sản xuất động cơ, sản xuất linh kiện, phụ tùng cho ngành công nghiệp ôtô, xe máy, phụ kiện điện tử và sản phẩm cơ khí chính xác.

Ông Thạch Thụy Kỳ, Trưởng Đại diện Văn phòng Kinh tế và Văn hoá Đài Bắc tại Việt Nam chia sẻ, các nhà đầu tư Đài Loan đang tích cực tìm kiếm cơ hội đầu tư và hợp tác tại Việt Nam, đặc biệt là các lĩnh vực công nghệ cao. Dự kiến sẽ có một làn sóng đầu tư mới đến từ Đài Loan vào Việt Nam trong năm 2019 và những năm tiếp theo.

Bên cạnh đó, Hiệp định CPTPP được ký kết và Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) sắp tới được thực hiện là tín hiệu tích cực trong thu hút FDI trong năm 2019. 

Theo đại sứ Cộng hòa Áo tại Việt Nam Thomas Schuller Gotzburg, thị trường và các điều kiện đầu tư của Việt Nam rất tiềm năng, hứa hẹn sẽ hấp dẫn giới đầu tư nước này để xuất hiện một làn sóng đầu tư mới trong thời gian tới. 

Trong đó, doanh nghiệp Áo quan tâm đến một số lĩnh vực Việt Nam đang có nhu cầu và Áo có thế mạnh như xây dựng hạ tầng giao thông, trong đó tập trung và đường sắt, đường bộ, viễn thông, y tế và du lịch.

Sự tăng trưởng ngoạn mục của nền kinh tế, cộng với sự ổn định về kinh tế - chính trị đang giúp Việt Nam trở thành điểm đến đầy sức hấp dẫn cho dòng đầu tư mới, đặc biệt là dòng vốn về công nghệ cao đang có sự dịch chuyển trong khu vực. 

“Điều đó cho thấy những rào cản, khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp (DN), trong đó có DN FDI đã được cải thiện và khắc phục rất nhiều và khẳng định niềm tin của các nhà đầu tư đối với môi trường, thể chế, chính sách của Chính phủ”, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT nhấn mạnh. 

Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam Ousmane Dione nhận định, Việt Nam cần tập trung kêu gọi những dự án có chất lượng cao, nhất là gắn liền với mục tiêu tận dụng cơ hội từ cuộc CMCN 4.0 để phát huy lợi thế, tiềm năng trong nước. Thu hút vốn FDI cần mang tính chiến lược, đó là lượng vốn FDI lớn có thể tạo ra những cơ hội thật sự cho các nhà cung cấp địa phương. 

Ứng dụng được ngày càng nhiều công nghệ mới, hiện đại, bên cạnh việc nhanh chóng nâng cao tỷ lệ nội địa hóa của sản phẩm sản xuất tại Việt Nam. Tuy nhiên, cũng cần quan tâm, khắc phục tình trạng DN nội địa tham gia được vào chuỗi sản xuất toàn cầu, tối đa hóa được các lợi ích từ việc mở cửa, hội nhập quốc tế cho DN.

Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, đây là thời điểm tốt để chúng ta điều chỉnh chính sách và chiến lược trong thu hút đầu tư, nhằm thu hút dòng vốn và công nghệ mới, thân thiện với môi trường, đóng góp cho sự phát triển bền vững và tạo sự lan toả nhiều hơn cho các ngành, các địa phương, vùng miền. 

Trong thời gian tới, cần thu hút FDI có chọn lọc, khuyến khích gắn kết với DN trong nước, nâng cao vị trí của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu trên nguyên tắc đa phương hoá, đa dạng hoá, bảo đảm tính độc lập của nền kinh tế, bảo đảm an ninh quốc gia... 

Bên cạnh đó, năm 2019 cũng là thời điểm Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng, địa phương tăng cường lựa chọn các dự án, với yêu cầu cụ thể là tăng chất lượng dự án, ưu tiên những dự án ứng dụng công nghệ cao, tiết kiệm năng lượng, tạo sản phẩm giá trị gia tăng cao cũng như kết hợp bảo vệ môi trường. 

Theo đó, Chính phủ sẽ theo sát diễn biến thu hút, sử dụng vốn đầu tư nước ngoài để hướng dòng vốn này “chảy” đúng hướng, với chủ trương coi “chất hơn lượng”, cũng như chủ động thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ, tăng cường mối liên kết giữa DN FDI và DN nội địa.

Lưu Hiệp
.
.
.