Tìm hướng phát triển hồ tiêu bền vững

Thứ Bảy, 24/08/2019, 06:59
Sáng 23-8, tại Đắk Nông, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp cùng UBND tỉnh Đắk Nông, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Công thương và Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam đã tổ chức Hội nghị “Phát triển hồ tiêu bền vững đáp ứng yêu cầu các Hiệp định thương mại tự do”.


Hội nghị nhằm đánh giá thực trạng, dự báo thị trường để tìm ra những nguyên nhân, tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, tín dụng, thị trường, tìm ra cơ hội và đề xuất các giải pháp căn cơ thúc đẩy phát triển bền vững ngành hồ tiêu Việt Nam.

Trong suốt từ năm 2001 đến nay, Việt Nam luôn giữ vị thế số 1 thế giới về sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu. Hiện hồ tiêu Việt Nam đã được xuất khẩu ra 105 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, kim ngạch xuất khẩu năm 2001 chỉ đạt 90 triệu USD thì đến 2018, kim ngạch đã đạt 758,9 triệu USD (tăng 700%).

Cần đổi mới mô hình tăng trưởng, chú trọng chất lượng cây hồ tiêu.

Nhưng 3 năm trở lại đây, giá hồ tiêu trên thế giới sụt giảm liên tục do nguồn cung vượt cầu khiến giá trong nước cũng “tụt dốc” không phanh. Từ 250.000 đồng/kg vào năm 2016 thì đến nay chỉ còn 45.000-46.000 đồng/kg.  Nhiều hộ nông dân trồng hồ tiêu trong cả nước đang gặp nhiều khó khăn do bị thua lỗ, mất khả năng trả nợ các khoản tín dụng đã vay để đầu tư trồng hồ tiêu.

Theo dự báo của Bộ NN&PTNT, trong năm 2019 và những năm tiếp theo, sản lượng hồ tiêu toàn cầu sẽ có xu hướng tiếp tục tăng nên giá cả sẽ tiếp tục giảm mạnh. Đây chính là thách thức cho ngành nghề sản xuất hồ tiêu Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam gia nhập các Hiệp định thương mại tự do. 

Ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, trong bối cảnh hội nhập và đáp ứng với yêu cầu của các Hiệp hội thương mại tự do, ngành hồ tiêu Việt Nam cần đổi mới mô hình tăng trưởng, chú trọng chất lượng ngay từ khâu nguyên liệu để tạo ra sản phẩm chất lượng cao và tham gia vào các thị trường “khó tính”, có giá trị gia tăng cao để nâng cao giá trị và hiệu quả kinh tế.

Khuyến cáo của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cho biết, hiện tại Việt Nam, trên cây hồ tiêu có khoảng 30 vi sinh vật gây hại, trong đó có 13 loại như bệnh chết nhanh do các loại nấm, bệnh chết chậm do tuyến trùng, rệp sáp, bệnh thán thư… thường xuyên đe dọa gây thiệt hại lớn cho sản xuất hồ tiêu. 

“Các địa phương cần rà soát lại toàn bộ diện tích trồng hồ tiêu, diện tích bị bệnh, diện tích đã chết để từ đó xác định cụ thể những diện tích trồng hồ tiêu phù hợp nhằm khuyến cáo nông dân tiếp tục chăm sóc. Ngoài ra, với những diện tích hồ tiêu bị bệnh nặng hoặc đã chết, người dân tuyệt đối không trồng lại mà nên chuyển đổi sang trồng các loại cây khác…để giảm áp lực bệnh và đảm bảo thu nhập thường xuyên”, đại diện Cục Bảo vệ thực vật khuyến cáo.

Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, trong vài năm trở lại đây, EU và một số nước đã phát hiện, cảnh báo một số lô hàng hồ tiêu Việt Nam xuất khẩu có tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, bị mốc, nhiễm độc tố nấm Ochratoxin A hoặc vi sinh vật gây bệnh. Để đối phó, cần tăng cường công tác tập huấn, tuyên truyền, giám sát, kiểm tra việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hữu cơ… nhân rộng mô hình chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn; thực hiện áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (GAP) trong trồng trọt, áp dụng HACCP trong chế biến hồ tiêu.

Cục khuyến cáo các doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu chủ động kiểm soát chất lượng sản phẩm để tránh những thiệt hại kinh tế do bị nước nhập khẩu phát hiện tồn dư thuốc bảo vệ thực vật và đảm bảo uy tín chất lượng cho hồ tiêu Việt Nam. Các địa phương trồng hồ tiêu cần tăng cường công tác tổ chức kiểm tra, giám sát sản phẩm hồ tiêu để qua đó kịp thời cảnh báo, truy xuất và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm…

Tín dụng ngân hàng sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn cho ngành hồ tiêu: Theo đại diện Vụ tín dụng các ngành kinh tế - Ngân hàng Nhà nước, dư nợ tín dụng đối với ngành hồ tiêu đến cuối tháng 6-2019 là 17.967 tỷ đồng, trong đó các tỉnh Tây Nguyên chiếm 67,2% với 12.083 tỷ đồng.

Để góp phần tháo gỡ khó khăn cho ngành hồ tiêu, thời gian quan, Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng thống kê kết quả cho vay, dư nợ thiệt hại và triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng. Trong đó, chú trọng việc tiếp tục cho nông dân trồng hồ tiêu vay ngắn hạn để chăm sóc, cho vay trung dài hạn để đầu tư xen canh đối với các khách hàng còn vườn cây.

Văn Thành
.
.
.