Tiết kiệm hơn 1.000 tỷ đồng từ việc không in tiền lẻ

Thứ Năm, 22/01/2015, 09:24
Số liệu đáng giật mình này được Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết tại buổi họp báo diễn ra ngày 21/1. NHNN cũng cho biết dịp Tết Ất Mùi 2015, cơ quan này sẽ không phát hành mới tiền lẻ các mệnh giá 5.000 đồng, 2.000 đồng, 1.000 đồng, 500 đồng và 200 đồng.

Không in mới nhưng tiền lẻ qua sử dụng vẫn dồi dào

Cứ mỗi dịp Tết đến, câu chuyện tiền lẻ lại được người dân rất quan tâm, trong đó, một phần rất lớn tiền nhỏ lẻ mới được nhiều người tìm đến để đi lễ chùa. Tuy nhiên, trong 3 năm trở lại đây, chủ trương của NHNN là hạn chế in mới các loại tiền giấy mệnh giá nhỏ. Theo đó, năm 2013, NHNN không in mới tiền giấy có mệnh giá 500 đồng. Năm 2014, cùng với tiếp tục không phát hành mới tiền 500 đồng, NHNN cũng không in mới thêm tiền mênh giá 1.000 đồng và 2.000 đồng. Năm 2015, cơ quan này cho biết sẽ tiếp tục không in mới 3 mệnh giá nói trên, đồng thời sẽ không in mới thêm tiền giấy mệnh giá 5.000 đồng.

“Việc không phát hành thêm tiền mới mệnh giá nhỏ đã giúp tiết kiệm được một khoản tiền lớn. Con số cụ thể như sau: năm 2013, không phát hành tiền 500 đồng, tính toán toàn bộ chi phí ở các khâu từ in ấn, phát hành, kiểm đếm… Nhà nước đã tiết kiệm được hơn 94 tỷ đồng. Năm 2014, bỏ in mới tiền 1.000 và 2.000 đồng, tiết kiệm được 314 tỷ đồng. Con số này cộng với việc tiếp tục không in thêm mệnh giá tiền 500 đồng là tiết kiệm được hơn 409 tỷ. Năm 2015, thêm một mệnh giá mới không in nữa là tiền 5.000 đồng, giúp tiết kiệm thêm 131 tỷ đồng. Cộng cả 4 mệnh giá không in mới, số tiền tiết kiệm của năm 2015 là 580 tỷ đồng. Tổng cộng cả 3 năm thực hiện chủ trương không in thêm tiền mới mệnh giá nhỏ, NHNN đã tiết kiệm được hơn 1.084 tỷ đồng. Xét về hiệu quả kinh tế thì chủ trương này giúp tiết kiệm được một lượng tiền lớn có thể góp phần tăng kinh phí cho các công việc khác như xây dựng trường học”- Phó Thống đốc Đào Minh Tú chia sẻ số liệu.

Năm nay, sẽ không có tiền mới 5.000 đồng, 2.000 đồng, 1.000 đồng và 500 đồng.

Tuy nhiên, ông Tú cũng khẳng định chủ trương của NHNN là không phát hành thêm tiền mới mệnh giá nhỏ, nhưng số lượng tiền lẻ đã qua sử dụng đưa vào trong lưu thông vẫn dồi dào, đáp ứng đủ cơ cấu các mệnh giá, đủ nhu cầu chi tiêu của các cơ quan, doanh nghiệp và người dân.

Dịp Tết Ất Mùi 2015, nhằm đáp ứng nhu cầu tiền mặt tăng cao cả về số lượng và cơ cấu mệnh giá, NHNN đã chủ động xây dựng các phương án cung ứng tiền mặt; đồng thời tổ chức điều chuyển tiền mặt tới các NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố để nâng cao dự trữ, sẵn sàng đáp ứng đủ nhu cầu tiền mặt của các tổ chức, cá nhân.

Để triển khai thực hiện, Thống đốc NHNN đã có văn bản chỉ đạo Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố, Sở giao dịch có trách nhiệm đảm bảo cung ứng đủ tiền mặt cho các Tổ chức tín dụng (TCTD), Kho bạc Nhà nước trên địa bàn, qua đó đáp ứng đủ nhu cầu tiền mặt cho các tổ chức, cá nhân. Đồng thời, yêu cầu các TCTD có hệ thống máy ATM cần đặc biệt quan tâm tăng cường tiếp quỹ các máy ATM và tìm giải pháp đảm bảo hệ thống thông suốt, đáp ứng tốt nhất nhu cầu rút tiền mặt của khách hàng.

Đổi tiền lẻ ăn chênh lệch bị phạt từ 20-40 triệu đồng

Thời gian vừa qua, chủ trương của NHNN không phát hành một số loại tiền mới in mệnh giá nhỏ ra lưu thông dịp Tết Nguyên đán nhằm hạn chế sử dụng tiền nhỏ trong hoạt động văn hóa, lễ hội, tín ngưỡng đã nhận được sự quan tâm, phối hợp tích cực của các Bộ, ban, ngành liên quan, được cơ quan báo chí cũng như dư luận xã hội đồng tình ủng hộ.

Khảo sát thực tế trong mùa lễ hội 2014 cho thấy, việc sử dụng tiền mệnh giá nhỏ tại khu vực đền, chùa, khu di tích, lễ hội bước đầu đã có những chuyển biến tích cực, hiện tượng đặt tiền lễ tại các ban thờ, ném tiền, thả tiền… đã giảm so với các năm trước; hoạt động đổi tiền hưởng chênh lệch phần nào đã được chấn chỉnh. Việc hạn chế phát hành tiền mới mệnh giá nhỏ ra lưu thông đã khiến cho tỷ lệ tiền mệnh giá nhỏ quay về hệ thống ngân hàng sau dịp lễ hội thấp hơn nhiều so với các năm trước, góp phần giảm tình trạng quá tải tại các kho tiền của ngân hàng, tạo thuận lợi cho công tác bảo quản, kiểm đếm và tuyển chọn tiền cũng như đảm bảo các yêu cầu về an toàn kho quỹ.

Năm nay, sẽ không có tiền mới 5.000 đồng, 2.000 đồng, 1.000 đồng và 500 đồng.

“NHNN đang chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường công tác kiểm tra, xử lý đối với các hoạt động kinh doanh đổi tiền hưởng chênh lệch theo quy định tại Nghị định 96/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng”, ông Tú cho biết.

Trước câu hỏi vì sao NHNN không in mới, nhưng trong dịp Tết năm 2014 tại các di tích, đình, chùa vẫn có hiện tượng đổi tiền lẻ, thậm chí người đổi tiền có những cọc tiền lẻ mới nguyên seri mệnh giá 2.000 đồng, 1.000 đồng và 500 đồng?

Đại diện NHNN khẳng định, quy định không phát hành tiền mới được thực hiện nghiêm ngặt, đối với tiền mệnh giá nhỏ mới còn tồn kho, cán bộ ngân hàng cũng không được phép chuyển ra bên ngoài. Tuy nhiên, có thể có trường hợp người dân tích trữ từ nhiều năm trước, điều này là ngoài tầm kiểm soát. Còn việc có bàn đổi tiền tại các di tích, đình, chùa có nơi cơ quan chức năng xử lý mạnh, có nơi còn lỏng. Năm nay các quy định pháp lý đã hoàn chỉnh, việc đổi tiền lẻ lấy chênh lệch sẽ được xử lý nghiêm hơn, mức phạt cũng sẽ cao hơn từ 20-40 triệu đồng.

Tiền xu vẫn có giá trị lưu thông bình thường

Trả lời câu hỏi của Báo CAND về giá trị lưu thông của tiền xu, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, hiện tiền xu vẫn có giá trị lưu thông bình thường. Trong trường hợp tiền xu bị xỉn, rỉ sét, méo mó, bẹp… không đủ tiêu chuẩn lưu thông, thì người dân được đổi ngang sang tiền giấy có giá trị tương đương tại các ngân hàng. Kể cả tiền giấy đã cũ nát cũng được đổi ngang sang tiền đủ tiêu chuẩn lưu thông. Theo quy định, tiền polimer có tuổi thọ từ 7-8 năm, hiện nay đồng tiền poilmer cũ nhất đã có tuổi thọ tới 10 năm. Bởi vậy, NHNN sẽ thu hút tiền cũ không đảm bảo lưu thông để chuyển tiền mới ra. Tất cả các đồng tiền quá cũ nát không đảm bảo lưu thông có thể đem đến ngân hàng để đổi miễn phí. (H.A.)

Lệ Thúy
.
.
.