Tiềm năng lớn về thị trường thực phẩm hữu cơ

Thứ Hai, 25/02/2019, 06:45
Theo báo cáo của Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công thương), Việt Nam có 33/63 tỉnh, thành phố đã tiếp nhận phát triển mô hình nông nghiệp hữu cơ, diện tích đạt hơn 76.600ha (tăng gấp 3,6 lần so với năm 2010).


Khoảng 60 tập đoàn, doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất đã đầu tư vào nông nghiệp hữu cơ – lĩnh vực được xem là có nhiều thuận lợi để phát triển ở Việt Nam. Theo đánh giá của các DN, các nhà phân phối, thị trường thực phẩm hữu cơ đang có tiềm năng lớn...

Sản phẩm có chứng nhận hữu cơ chắc chắn sẽ có giá hơn tại thị trường xuất khẩu. Đó là nhận định chung của nhiều DN khi mang sản phẩm hữu cơ đi cạnh tranh tại thị trường thế giới. Điển hình, đầu năm 2019 Công ty cổ phần Vinamit được chứng nhận hữu cơ từ Trung Quốc cấp cho hai sản phẩm là mít tươi và mít sấy.

Ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vinamit cho rằng: “Công ty đã xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc từ năm 2000, nhưng điểm bất lợi là dù chất lượng hàng hóa tốt, nhưng khi thiếu chứng nhận của Chính phủ Trung Quốc, sản phẩm của chúng tôi vẫn phải bán với giá thấp.

Sản phẩm hữu cơ bán trong siêu thị, nhưng chưa tiêu thụ nhiều vì giá còn khá cao.

Ngoài ra, việc không có chứng nhận hữu cơ cũng khiến Vinamit bị cạnh tranh gay gắt với hàng giả, hàng thiếu trọng lượng tại thị trường này. Chính vì vậy, chứng nhận hữu cơ là cơ sở, giúp Vinamit xuất khẩu tốt hơn vào thị trường Trung Quốc”. Trước đó, Vinamit cũng được cấp chứng nhận hữu cơ của Hoa Kỳ và EU và vẫn đang xuất hàng qua các thị trường khó tính.

Cũng được xem là người tiên phong trong lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ, ông Võ Quan Huy - Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An, ngoài thành công ở thị trường xuất khẩu Nhật Bản, Hàn Quốc với mặt hàng chuối tươi, thì nay ông Huy cũng đang đặt nhiều kỳ vọng vào sản phẩm thịt bò Nhật và bưởi da xanh.

Theo chia sẻ của ông Huy, ông nuôi bò Nhật từ năm 2016 và để nuôi theo đúng quy trình Nhật, ông đã thuê hẳn chuyên gia từ Nhật sang để chuyển giao công nghệ. Đến cuối năm 2018, ông đã ra mắt NTD thương hiệu thịt bò Wagyu Fohla được nuôi theo đúng quy trình Nhật Bản. “Công nghệ nuôi bò Nhật là làm cho những vân mỡ luồn vào từng sớ thịt, nên màu sắc trở nên tươi ngon và bắt mắt.

Ngoài ra, với chất lượng có sự khác biệt, dẫn đến thịt bò Nhật bán được giá rất cao. Đó chính là lý do khiến tôi thuê chuyên gia Nhật hỗ trợ quy trình nuôi bò Wagu, mặc dù chi phí không hề rẻ”- ông Huy cho biết. Ngoài sản phẩm chuối tươi và bò, ông Huy còn trồng vườn bưởi hữu cơ với diện tích 90ha và đã có thu hoạch. Những sản phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn sạch, hữu cơ, của ông Huy nhằm hướng đến sự cạnh tranh với sản phẩm ngoại và chinh phục thị trường xuất khẩu.

Trong khi ở thị trường xuất khẩu, nông sản hữu cơ rất được ưa chuộng và gần như cung không đủ cầu thì ngược lại, tại thị trường trong nước, nông sản hữu cơ rất khó tiêu thụ.

Tại một hội nghị bàn về xây dựng tiêu chuẩn trong ngành thực phẩm do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ DN (BSA) tổ chức, bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh nêu  một thực tế: “Khi chúng tôi làm việc với những DN làm thực phẩm sạch, họ đều “kêu” không thể nào cạnh tranh về giá với thực phẩm bẩn. Chính vì vậy mà đôi lúc hàng tốt, chất lượng cao, thì DN dùng để xuất khẩu, còn thị trường trong nước thì bỏ? Các DN cũng phản ánh, DN rất khó đưa hàng ra thị trường nội địa khi giá cả không được cải thiện”.

Ông Võ Quan Huy cũng nhìn nhận: “NTD họ mong muốn hàng sạch, không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật nhưng họ vẫn thích sản phẩm có mẫu mã đẹp. Đây là trở ngại cho các nhà sản xuất trong việc đáp ứng yêu cầu này của NTD”.

Chính vì những điểm nghẽn này mà các DN sản xuất hữu cơ không dám mạnh tay cung ứng sản phẩm đại trà trên thị trường. Còn tại một số điểm bán ở kênh phân phối hiện đại như: Big-C, Co.op Mart, VinMart, MM Mega Market... sản phẩm hữu cơ cũng được các DN lựa chọn đưa vào bán, nhưng sức mua không cao.

Tuy nhiên, theo một báo cáo trong năm 2018 của Nielsen (công ty nghiên cứu thị trường) cũng cho thấy, có 37% NTD Việt nói rằng sức khoẻ là mối bận tâm lớn nhất của họ; 76% NTD muốn biết mọi thành phần đang đi vào thức ăn của họ và 89% NTD sẵn sàng trả nhiều hơn cho các loại thực phẩm có lợi cho sức khỏe...

Có thể thấy, đây là tín hiệu vui của thị trường khi NTD đang từng ngày quan tâm đến sức khỏe của mình và cũng đang dần có sự chuyển biến trong việc tiêu dùng sản phẩm. Ông Võ Quan Huy cho rằng, hiện nay xu hướng ăn sạch đã có chuyển biến nhưng chưa rộng, nhiều người vẫn chưa an tâm khi lựa chọn sản phẩm.

Vì vậy, ngoài việc NTD có sự thay đổi trong việc lựa chọn thực phẩm sạch, an toàn thì nhà sản xuất cũng phải minh bạch về quy trình và phải chịu trách nhiệm về sức khỏe của NTD; Ông Nguyễn Lâm Viên cũng lạc quan: Một khi nhu cầu về sản phẩm hữu cơ của NTD ngày càng cao, sức tiêu thụ càng mạnh thì khi đó nhà sản xuất đã có “đầu ra”, giá cả sẽ kéo giảm xuống chứ không có sự chênh lệch cao như bây giờ.

Thúy Hà
.
.
.