Thương hiệu quốc gia – "đòn bẩy" để các sản phẩm Việt vươn xa

Thứ Ba, 20/04/2021, 09:10
Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng thì sự cạnh tranh càng khốc liệt hơn, theo đó đòi hỏi doanh nghiệp (DN) Việt cần phải có sự nỗ lực hơn rất nhiều trong đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm để có đủ sức cạnh tranh, đáp ứng các thị trường khác nhau.


Do vậy, việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm luôn là vấn đề được cộng đồng DN quan tâm. Để có một thương hiệu mạnh, chinh phục được người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu thì cần có sự đầu tư bài bản và có chiến lược

Đạt thương hiệu quốc gia sẽ giúp doanh nghiệp làm thị trường, quảng bá thương hiệu tốt hơn ra thế giới.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, Phó Chủ tịch Hội đồng Thương hiệu quốc gia Việt Nam cho biết, những năm gần đây, thứ hạng giá trị thương hiệu quốc gia (THQG) Việt Nam liên tục được cải thiện trên Bảng xếp hạng thế giới và nằm trong nhóm thương hiệu mạnh. 

Đây là kết quả từ những nỗ lực của Chính phủ về cải cách môi trường đầu tư kinh doanh, mở rộng các quan hệ song phương và đa phương, hỗ trợ xuất nhập khẩu cùng với sự nỗ lực của các DN trong việc xây dựng thương hiệu. 

Tham gia vào Chương trình THQG Việt Nam, nhiều tập đoàn và DN đã ý thức được vai trò quan trọng của thương hiệu như là chìa khóa giúp gia tăng giá trị sản phẩm cũng như giá trị DN. Các DN đã từng bước xây dựng, phát triển và quản trị thương hiệu của mình. 

Số lượng DN được công nhận có sản phẩm đạt THQG tăng đều qua các giai đoạn. Từ chỗ chỉ có 30 DN năm 2008, đến năm 2020 Chương trình THQG Việt Nam đã có 124 DN với 283 sản phẩm được công nhận, trong đó đã có nhiều thương hiệu gây được tiếng vang trên thị trường khu vực và thế giới.

Theo số liệu báo cáo của 124 DN có sản phẩm đạt THQG trong kỳ xét chọn lần thứ 7 năm 2020, tổng doanh thu năm 2019 của các DN này đạt trên 1,4 triệu tỷ đồng, tổng doanh thu xuất khẩu đạt hơn 137 nghìn tỷ đồng, tổng nộp ngân sách nhà nước trên 200 nghìn tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho hơn 471 nghìn lao động. Các hoạt động xã hội của các DN này đạt giá trị trên 9,5 nghìn tỷ đồng và nộp bảo hiểm xã hội trên 20 nghìn tỷ đồng.

Lãnh đạo Tập đoàn Hoà Phát cho biết, Hoà Phát 5 năm liên tiếp đạt THQG và đối với doanh nghiệp này, đầu tư cho chất lượng sản phẩm là cách xây dựng thương hiệu bền vững nhất.

Chia sẻ với PV, ông Nhữ Văn Hoan, Phó tổng giám đốc thường trực Tập đoàn Sơn Hà cho biết, hiện tại, các sản phẩm mang thương hiệu Sơn Hà đã xuất khẩu đến 35 quốc gia và vùng lãnh thổ. “THQG Việt Nam được đánh giá là một trong những giải thưởng uy tín tại Việt Nam. Góp phần thúc đẩy và phát triển các sản phẩm đại diện cho thương hiệu Việt có chỗ đứng vững chắc trên thị trường nội địa và vươn ra thế giới,” ông Hoan nhấn mạnh.

Chia sẻ về xây dựng thương hiệu, bà Nguyễn Hải Yến, Tổng Giám đốc, Công ty cổ phần thời trang K's Closet - chuyên thời trang trẻ em - cho biết, K's Closet đặt vấn đề “Xây dựng thương hiệu” và "Duy trì, phát triển thương hiệu" là một trong những chiến lược quan trọng nhất của DN. Nếu ví DN như một cái cây, lấy vạch trung gian kẻ chỉ là giai đoạn khách hàng mua sản phẩm của thương hiệu là mặt đất thì thương hiệu chính là phần cây xanh có lá, hoa, quả được nuôi dưỡng bằng bộ rễ là tất cả các hoạt động nội lực của DN.

Đại diện Vietravel cũng cho biết, để khẳng định được thương hiệu cần có sự hợp tác từ nhiều phía. Quá trình xây dựng nên một thương hiệu cần rất nhiều thời gian, đặc biệt là trong lĩnh vực lữ hành. Bởi không chỉ uy tín mà còn phải xây dựng cả văn hoá của DN, môi trường làm việc chuyên nghiệp, mang hình ảnh của DN vươn xa. Với 5 lần liên tiếp Vietravel đạt THQG đã minh chứng cho những nỗ lực phát triển thị trường du lịch Việt, nhằm đa dạng các sản phẩm dịch vụ chất lượng mang thương hiệu Việt vươn đi xa hơn trên trường quốc tế.

Giám đốc Marketing Công ty TNHH Minh Hưng (Tiền Giang) Huỳnh Hữu Thiện cho rằng, xây dựng thương hiệu cho DN và để đạt được THQG, DN đã nỗ lực rất nhiều trong việc sản xuất theo quy chuẩn quốc tế, tập trung cao về công tác kiểm soát chất lượng. Nhiều sản phẩm của công ty đã xuất khẩu sang Trung Quốc và gần đây nhất sản phẩm màn của công ty đã được xuất sang châu Phi theo đơn đặt hàng của Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF).

DN hiện nay đều nhận thức được vị trí quan trọng của việc xây dựng thương hiệu, nhất là sản phẩm đạt được THQG thì sẽ tạo thành đòn bẩy cho DN vươn xa hơn nữa trong việc tìm kiếm bạn hàng, thị trường xuất khẩu. 

Tuy nhiên, theo nhận định từ các chuyên gia, các DN hiện nay đang phải đối mặt với nhiều thách thức bởi quy mô nhỏ, đơn lẻ cũng như vấn đề chất lượng, an toàn; năng lực chế biến; khả năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu... 

Ngoài ra, việc kết nối cung cầu giữa nhà sản xuất và thương mại hiện nay còn rất hạn chế do yếu và thiếu năng lực phát triển thương hiệu. Hiện, điểm yếu trong kết nối của DN Việt là thời gian và nguồn lực cho kết nối nên cần có chiến lược để xây dựng thương hiệu.

Dưới góc độ xây dựng thương hiệu, ông Nhữ Văn Hoan cho rằng,  một sản phẩm tiêu chuẩn đạt giải thương hiệu quốc gia cần đạt đủ các yếu tố: Chất lượng ISO 9001; Các sản phẩm luôn đổi mới sáng tạo về nghiên cứu; Năng lực tiên phong của doanh nghiệp… 

Chính vì những tiêu chí đó mà các DN luôn phải tìm tòi sáng tạo đưa sản phẩm của mình đạt với tiêu chuẩn của THQG. Nếu các DN chỉ phát triển những sản phẩm/dịch vụ theo ý kiến chủ quan không theo hướng phát triển của kinh tế xã hội việc tạo dựng thương hiệu sẽ gặp nhiều khó khăn.

Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Vũ Bá Phú, Trưởng ban Ban Thư ký Chương trình Thương hiệu quốc gia cho hay, trong quá trình hội nhập Chính phủ rất quan tâm đến vai trò của thương hiệu. Thực tế, sau gần 18 năm triển khai chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam, những thương hiệu sản phẩm có chất lượng không chỉ được tôn vinh, mà nhận thức và hành động để xây dựng và phát triển thương hiệu còn được nâng cao hơn. 

Để nâng cao hiệu quả hơn nữa, chương trình sẽ tiếp tục nâng cao nhận thức, kiến thức về xây dựng, quản trị thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN, tăng cường các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm nhằm góp phần giúp sản phẩm Việt Nam nói chung và sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam nói riêng có vị thế tốt hơn trên sân chơi toàn cầu.

Báo cáo của Brand Finance cho thấy, năm 2020, Việt Nam là một trong các quốc gia có mức tăng trưởng giá trị thương hiệu quốc gia nhanh nhất thế giới (tăng 29% so với năm 2019, lên 319 tỷ USD). Nhờ đó, giá trị thương hiệu quốc gia của Việt Nam đã tăng 9 bậc, lên vị trí thứ 33 trong Top 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới. 

Ngoài ra, Việt Nam cũng là quốc gia duy nhất trong khối ASEAN được nâng hạng trong bảng xếp hạng quyền lực mềm toàn cầu tư 50/60 lên 47/105 quốc gia được xếp hạng (theo Báo cáo chỉ số quyền lực mềm toàn cầu 2021). 

Điều đó cho thấy, Việt Nam được xem là điểm sáng nhờ sự tăng hạng vượt bậc về giá trị thương hiệu quốc gia đi cùng những kết quả về kinh tế, xã hội đã đạt được. Đồng thời, Việt Nam khẳng định uy tín và vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế, thể hiện sự chủ động và tầm vóc của Việt Nam trong hội nhập quốc tế.

Lưu Hiệp
.
.
.