Thực phẩm đua nhau tăng giá

Thứ Hai, 09/11/2020, 08:10
Mưa bão, lũ lụt, dịch bệnh (dịch tả lợn châu Phi, …) dồn dập xảy ra tại nhiều địa phương trong thời gian qua đã ảnh hưởng nặng nề đến việc sản xuất, chăn nuôi. Bị thiếu hụt nguồn cung, hiện giá các loại thực phẩm tươi sống, các loại rau củ quả tại thị trường TP Hồ Chí Minh đã tăng cao gấp 2-3 lần so với trước và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, khiến người tiêu dùng (NTD) lo lắng...


Ghi nhận tại một số chợ lẻ như: Chợ Phước Long, chợ Tân Mỹ (quận 7), chợ Phú Xuân (huyện Nhà Bè), chợ Thị Nghè (quận Bình Thạnh), chúng tôi nhận thấy các mặt hàng rau củ tăng mạnh so với thời điểm trước bão lũ như: Bầu, bí, mướp, từ 12.000 đồng/kg tăng lên 25.000 đồng/kg; rau muống, đậu bắp, cải xanh, cải ngọt từ 12.000 đồng/kg tăng lên 30.000 đồng/kg; xà lách búp từ 25.000/kg tăng lên 60.000 đồng/kg, hạt sen từ 140.000 đồng/kg lên 300.000 đồng/kg...

Chị Nga, tiểu thương chợ Tân Mỹ cho biết, chị lấy hàng rau củ qua từ Đà Lạt về, nhưng do ảnh hưởng mưa nên bị hư hao nhiều, lượng hàng về ít nên giá cao. Các tiểu thương các chợ cũng cho biết, mặc dù giá các loại rau củ cao gấp đôi, gấp ba so với ngày thường, nhưng lượng hàng nhập giảm tới 50%, nên không đủ hàng để bán.

Các loại thực phẩm tươi sống ở siêu thị giá cả ổn định hơn.

Trước mức tăng giá quá cao của nhiều loại rau củ, nhiều NTD chuyển sang mua các loại rau thủy canh giống Nhật trồng tại các nhà kính ở Đà Lạt, dù giá khá cao so với rau trồng ngoài trời so ra mức giá ổn định hơn, trung bình khoảng 60.000 đồng/kg rau cải, rau muống, xà lách... hay một số loại rau, củ mới lạ như: Bí mini Nhật, bí nụ Hàn Quốc; cà chua beef Hà Lan; hành tây tím giống Ấn Độ; hoa kim châm Đà Lạt; cà rốt baby; củ dền baby; ớt trái cây; chanh vàng giống Nam Mỹ; đậu bắp đỏ; khoai tây hồng; củ cải đỏ… Những loại rau, củ trên, tiểu thương nhập trực tiếp từ một số nông trại tại Đà Lạt.

Trong khi tại các chợ lẻ, giá các loại rau củ, thực phẩm tươi sống gần như biến động hàng ngày thì tại các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi giá cả ổn định hơn. Đại diện một số siêu thị cho biết, giá các loại rau củ, thực phẩm tươi sống tại các siêu thị ổn định là do có chương trình bình ổn thị trường của một số DN. Ngoài ra, siêu thị thường ký hợp đồng với các nhà cung cấp về sản lượng, giá cả trong thời gian dài nên giá cả ổn định, mặc dù giá thị trường đang “sôi” lên từng ngày.

Đánh giá của Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, từ đầu năm 2020 dịch COVID-19 đã tác động mạnh đến nền kinh tế của cả nước. Khó khăn càng gia tăng khi thiên tai, bão lụt, dịch bện (dịch tả heo châu Phi,…) dồn dập tại các tỉnh miền Trung trong những tháng cuối năm 2020. Những diễn biến phức tạp khó lường đã tác động mạnh đến nền kinh tế nhất là sản xuất, chăn nuôi gia súc, gia cầm, giá cả thị trường, sức mua. Theo đó, giá lợn hơi trong nước mặc dù đã "giảm nhiệt" trong những tháng gần đây, nhưng dịch bệnh, thiên tai khiến diễn biến thị trường rất khó lường.

Về mặt hàng gạo, giá lúa, gạo trên thị trường tăng từ tháng 3 tới nay nhưng các DN tham gia bình ổn thị trường đã nỗ lực giữ giá bán và mới điều chỉnh tăng 1.000 - 2.000 đồng/kg (tăng 13-15%) kể từ ngày 12-9 nhưng vẫn bảo đảm thấp hơn giá bình quân các mặt hàng cùng chủng loại trên thị trường từ 11,8- 13,3%. Trong số các mặt hàng thiết yếu, chỉ có các mặt hàng thịt, trứng gia cầm, là giữ được sự ổn định trong 10 tháng qua. Riêng mặt hàng rau, củ, quả, trái cây, do tình hình bão lũ kéo dài, khiến giá bán buôn nhiều loại rau, củ tăng phổ biến từ 12,5-32,8%...

T.Hà –N.Cẩm
.
.
.