Thịt lợn rớt giá vì Trung Quốc ngừng mua

Thứ Năm, 27/04/2017, 10:54
Dù dựng lên hàng chục các loại quy hoạch cùng với “liên kết 4 nhà” và nhiều chương trình trên giấy tờ khác, nhưng ngành nông nghiệp đang “vỡ trận” khi hết dưa hấu, hành, khoai tây, cà chua... rồi giờ đến thịt lợn rớt giá thảm hại. Tất cả đều xuất phát từ nguyên nhân phía Trung Quốc ngừng mua. Chính sách thương mại, đặc biệt là thương mại biên giới đang tỏ ra có vấn đề nghiêm trọng.

Siêu thị “nại” chi phí trung gian lớn khi không giảm giá

Theo Bộ Công Thương, sản lượng thịt lợn hơi năm 2016 đạt hơn 3,6 triệu tấn; dự kiến 2017 sẽ tăng lên 3,76 triệu tấn, tương đương 39,6kg thịt hơi/người/năm. Cân đối với nhu cầu tiêu thụ, hiện trong nước đang dư cung hơn 200.000 tấn, chưa tính lượng thịt nhập khẩu từ nước ngoài về. Vì tình trạng dư thừa này, cùng với việc Trung Quốc ngưng nhập khẩu lợn tiểu ngạch, giá thịt lợn hơi trong nước thời gian qua giảm mạnh, dao động trong khoảng 25.000 – 30.000 đồng/kg - theo báo cáo của Bộ Công Thương, nhưng thực chất ở một số địa phương như Hà Nam, Bắc Ninh, người dân đang bán lợn với giá 15.000 – 18.000 đồng/kg, giảm hơn 1 nửa so với năm ngoái.

Năm 2016, lượng lợn xuất sang Trung Quốc lên đến 600 nghìn tấn, kim ngạch 1 tỷ USD, nên việc mất đi thị trường này chắc chắn sẽ khiến ngành chăn nuôi của Việt Nam liêu xiêu trong thời gian dài.

Người chăn nuôi lợn khốn khổ vì Trung Quốc ngưng nhập khẩu lợn.

Cùng với việc người chăn nuôi điêu đứng vì giá giảm thảm hại, thì việc giá thịt tại siêu thị và chợ bán lẻ không giảm cũng gây bức xúc cho người tiêu dùng. Rõ ràng có điều gì đó bất thường đang diễn ra, khi thị trường không vận hành đúng quy luật của nó – giá đầu ra phải giảm khi đầu vào giảm. Giá thịt lợn bán lẻ ngoài chợ, theo Bộ Công Thương, dao động trong khoảng 65.000 – 70.000 đồng/kg, không giảm nhiều so với trước; giá tại siêu thị thậm chí lên tới 90.000 – 100.000 đồng/kg.

Theo Bộ Công Thương lý giải, do dư cung, nên đầu ra phụ thuộc vào thương lái giết mổ, giá thịt tại chợ không giảm nhiều so đầu mối cung cấp cho người bán lẻ là những người giết mổ tự do không giảm giá thịt xẻ.

Tại các siêu thị, Bộ Công Thương dẫn báo cáo nhanh của một số siêu thị tại Hà Nội như Fivimart, Saigon Co.op, Big C cho biết “giá thịt lợn nhập của họ hầu hết từ nhà cung cấp Minh Hiền, không giảm nhiều do đã ký hợp đồng từ trước thời điểm giá giảm sâu và siêu thị thường thanh toán chậm 1- 2 tháng nên bị tính vào giá thành cả chi phí lãi suất (15% – 19%/năm) nên không giảm giá nhiều. Công ty Minh Hiền lại lấy nguồn lợn hơi từ Công ty CP – giá bán cao hơn bên ngoài, nên giảm đầu vào không nhiều. Điều đáng nói là do thiếu thông tin, nên người tiêu dùng trong thời gian đầu không biết đến việc thịt lợn hơi giảm thảm hại và vẫn chấp nhận mua thịt giá cao tại siêu thị.

Tại Cần Thơ, giá lợn hơi xung quanh 28.000 – 33.000 đồng/kg, cung vượt cầu, việc định giá lợn hơi thông qua thương lái trung gian, chăn nuôi quy mô hộ gia đình tự phát, không ký kết với DN tiêu thụ nên bị thương nhân ép giá. Sóc Trăng thì lý giải giá siêu thị (xung quanh 80.000 đồng/kg, cao so với giá lợn hơi là 27.000 – 29.000 đồng/kg) do chi phí khấu hao trong khâu giết mổ, chi phí chiết khấu qua nhiều tầng trung gian. Riêng Đồng Nai cho rằng người tiêu dùng chưa được bảo vệ chính đáng.

Việc chênh giá của khâu bán lẻ hầu hết được lý giải do “chi phí đầu vào nhiều”, “siêu thị ký hợp đồng với nhà cung cấp 12 tháng mới điều chỉnh 1 lần”, “chi phí giết mổ tại lò mổ tập trung cao, chi phí đầu vào cao”, “chi phí trung gian đẩy giá bán”, “nguồn cung quá lớn, thị trường bán lẻ do thương lái điều chỉnh”.

Đáng chú ý, Long An cho rằng “có thể có sự thống nhất giá giữa các thương lái”, còn Thừa Thiên - Huế cho rằng “giá lợn hơi giảm 40 – 45% trong khi giá bán lẻ chỉ giảm 10 – 15% do nhà bán lẻ muốn tăng lợi nhuận”.

Thịt lợn Việt Nam chưa có thị trường xuất khẩu

Ngày 21-4, Bộ Công Thương đã có công văn gửi các DN chế biến, giết mổ, phân phối thịt lợn. Công văn này nêu rõ, hiện nay giá lợn hơi trên thị trường đang xuống thấp, ảnh hưởng lớn đến lợi ích của người chăn nuôi lợn và khả năng duy trì nguồn cung lâu dài cho thị trường.

Nhằm hỗ trợ người chăn nuôi, Bộ Công Thương đề nghị các DN chế biến, giết mổ, kinh doanh thịt lợn phối hợp với Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn các địa phương kết nối tiêu thụ mặt hàng lợn hơi đến thời kỳ xuất chuồng cho các hộ chăn nuôi tại các vùng tập trung; tăng lượng thu mua giết mổ, chế biến và cấp đông các sản phẩm thịt lợn. Tuy nhiên, với một công văn “úy lạo” chung chung này, không có kỳ vọng các DN sẽ vào cuộc mạnh mẽ, cải thiện tình hình.

Điều đáng nói hơn là bài toán lâu dài cho ngành chăn nuôi. Về xuất khẩu, hiện nay thịt lợn Việt Nam mới chỉ được phép xuất sang Hồng Kông và Malaysia (thịt lợn choai từ 20 – 30kg, thịt lợn sữa đông lạnh) với sản lượng khoảng 10 – 11 nghìn tấn/năm, không đáng kể cho với sản lượng nuôi. Trước đây, thịt lợn cắt mạnh đông lạnh của Việt Nam đã được xuất khẩu sang Nga với số lượng không đáng kể, tuy nhiên từ năm 2006 Nga đã ngừng nhập khẩu do Việt Nam xuất hiện dịch lở mồm long móng và giá thịt của Brazil cạnh tranh hơn.

Thị trường xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam là sang Trung Quốc, nhưng lại chưa được phía Trung Quốc cấp phép nhập khẩu, nên luôn trong tình trạng bấp bênh, không biết khi nào phía Trung Quốc cấm biên. Được biết, Bộ Công Thương đã trao đổi về vấn đề này với Trung Quốc, nhưng quan điểm và quy định pháp luật của phía Trung Quốc rất khắt khe khi yêu cầu Việt Nam phải công bố hết dịch lở mồm long móng và dịch tai xanh mới xem xét khả năng đánh giá rủi ro, mở cửa thị trường.

Trước khi bất cứ một thỏa thuận chính thức nào được thông qua, nếu vẫn chăn nuôi tràn lan tự phát và phụ thuộc hoàn toàn vào các động thái biên giới của Trung Quốc như hiện nay, tình trạng này sẽ không chỉ lặp lại một lần.

Thịt nhập không ảnh hưởng đáng kể đến giá cả

Theo Tổng cục Hải quan, năm 2016, Việt Nam nhập khẩu từ EU, Australia, Canada, Mỹ... khoảng gần 40 nghìn tấn thịt lợn, kim ngạch 44 triệu USD. Đến 15-3 năm nay đã nhập 7,8 nghìn tấn, kim ngạch 9,4 triệu tấn, tăng 16% về lượng và 21% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2016. Tuy nhiên, lượng nhập này chưa đủ lớn để ảnh hưởng đến giá cả thị trường, và cũng mới chỉ được tập trung phân phối tại kênh siêu thị.

Giá nhập khẩu bình quân mặt hàng này chỉ có 27.000 đồng/kg, cộng thuế nhập khẩu 15- 25% và thuế VAT 5%, giá nhập về đến Việt Nam chỉ khoảng 40.000 – 42.000 đồng/kg. Tuy nhiên, các siêu thị hiện cũng bán thịt này với giá rất cao như Vinmart trung bình 125.000 – 130.000 đồng/kg tùy loại; Big C trung bình 102.000 – 120.000 đồng/kg, Fivimart trung bình 115.000 – 120.000 đồng/kg.

Vũ Hân
.
.
.