Thịt bò châu Âu đang "đổ bộ" vào thị trường Việt Nam

Thứ Ba, 08/11/2016, 07:56
Sau thời gian dài nỗ lực khống chế bệnh viêm não thể bọt biển (BSE - bệnh bò điên), các quốc gia châu Âu (EU) bắt đầu nối lại việc xuất khẩu thịt bò. Việt Nam với dân số trên 90 triệu người, thuế suất sắp về 0% được đánh giá là thị trường tiêu thụ đầy tiềm năng.

Hiện nay, thị trường đã xuất hiện thịt bò chất lượng từ EU với hàng trăm nhà máy được Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Nafiqad) cấp chứng nhận đủ điều kiện để bán thịt bò vào Việt Nam...

Hàng loạt quốc gia EU có giấy phép

Từ ngày 2 đến 4-11 vừa qua, 42 doanh nghiệp (DN) đến từ nhiều quốc gia EU đã có chuyến khảo sát thị trường thực phẩm tại Việt Nam.

Họ tới siêu thị để gặp gỡ, trao đổi trực tiếp người tiêu dùng, qua đó đánh giá nhu cầu, thói quen ăn uống của người Việt. Họ cũng có tới 500 cuộc tiếp xúc với đối tác là cộng đồng DN Việt Nam để tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư.

Rõ ràng, các DN EU đang đặt nhiều hy vọng vào thị trường Việt Nam. Nhất là khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU có hiệu lực, thuế suất trở về 0% sẽ thúc đẩy quá trình luân chuyển hàng hóa từ các quốc gia trong khối vào Việt Nam một cách dễ dàng hơn.

Các quốc gia EU được biết đến với ngành chăn nuôi đạt ở trình độ kỹ thuật cao về năng suất lẫn chất lượng vật nuôi. Ngành nuôi bò với hàng trăm triệu con của Italia, Canada, Tây Ban Nha, Bỉ, đặc biệt là Pháp… chỉ ngừng phát triển khi nổ ra dịch bệnh BSE và từ năm 2001, với nhiều nỗ lực nội tại của ngành thú y các nước, cùng sự giúp sức của Tổ chức Thú y thế giới (OiE), các quốc gia EU lần lượt khống chế được loại dịch bệnh nguy hiểm này.

Đến cuối năm 2015, khối EU chỉ còn phát hiện lác đác vài ca mắc bệnh BSE và đến năm 2016, các quốc gia có đàn bò lớn như Bỉ, Pháp, Hà Lan, Đức, Italia... đã khống chế bệnh bò điên thành công nên Mỹ, các quốc gia Bắc Mỹ, châu Á… đã chấp nhận mở cửa thịt bò cho EU.

Trên thực tế từ năm 2015, căn cứ trên số liệu chuyên môn do OiE đưa ra, Việt Nam cũng bắt đầu lần lượt dỡ bỏ lệnh cấm nhập thịt bò từ các quốc gia EU. Các nước thành viên EU như Tây Ban Nha, Slovania, Thụy Điển, Na Uy, Hà Lan, Bồ Đào Nha… đã được OiE công nhận là quốc gia “có rủi ro bệnh BSE không đáng”.

Một số quốc gia khác như Pháp, Ba Lan, Anh… được xếp vào nhóm “rủi ro BSE có kiểm soát”. Do đó, từ tháng 5-2015, Pháp là một trong những quốc gia đầu tiên được phép xuất khẩu thịt bò vào Việt Nam.

Trong số 158 DN Pháp được cấp phép bán thực phẩm vào Việt Nam cho đến thời điểm này, có đến 1/3 DN có nhà máy giết mổ. Danh sách này còn có Tây Ban Nha, Bỉ, Italia, Ba Lan, Bồ Đào Nha với hàng trăm nhà máy có sản phẩm đủ tiêu chuẩn bán thịt bò vào Việt Nam.

Thịt bò ngoại nhập sẽ cạnh tranh gay gắt với thịt bò nội tại thị trường Việt Nam.

Cạnh tranh bằng chất lượng

Là DN chuyên nhập khẩu thịt bò, ông Đoàn Ngọc Thơ, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ THO (trụ sở tại TP Hồ Chí Minh) cho biết, cùng với thịt bò Mỹ, thịt bò Úc, thịt bò EU có tiêu chuẩn về chất lượng cao nhất thế giới.

Tuy giá cả hơi cao, nhưng vài năm nay, thị trường Việt Nam với các phân khúc nhà hàng, khách sạn, quán ăn cao cấp vẫn có nhu cầu khá lớn loại thịt bò này.

“Tôi cho rằng, khi các nước EU khống chế thành công bệnh BSE, cùng với việc Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU có hiệu lực thì thịt bò mới là sản phẩm được nhập khẩu nhiều vào Việt Nam chứ không phải thịt heo hay thịt gà”, ông Thơ dự đoán.

Hiện nay, dù mức thuế đang áp dụng đối với thịt bò đông lạnh nhập khẩu từ EU, Mỹ ở mức khá cao, từ 14-30%, nhưng tại các siêu thị, nhà hàng, khách sạn vẫn bán khá nhiều loại thịt này, giá bán lẻ từ 300.000-600.000 đồng/kg.

Tuy nhiên, trong bối cảnh Chính phủ Australia vừa đưa ra quyết định hạn chế cung cấp bò sống cho một số DN Việt Nam vì vi phạm quy định giết mổ nhân đạo thì rõ ràng, thịt bò EU đang có cơ hội thâm nhập tốt vào Việt Nam khi nguồn cung bò Úc khan hiếm.

Có mặt trong chuyến khảo sát, bà Sandrine Guillaume, đại diện Tập đoàn giết mổ Véviba, Vương quốc Bỉ cho biết, tập đoàn này có 3 nhà máy giết mổ, công suất 400 tấn thành phẩm thịt bò mỗi ngày, cung cấp cho hầu hết các siêu thị lớn ở Bỉ, Luxambourg.

Ngoài ra, Véviba còn xuất khẩu thịt bò sang Hy Lạp, các quốc gia Trung Đông. Tuy chưa xuất khẩu thịt bò sang Việt Nam, nhưng từ năm 2015, Véviba đã cho người sang tìm hiểu thị trường.

Qua khảo sát, bà Sandrine Guillaume khẳng định tập đoàn này có thể xuất khẩu bắp bò và dạ dày bò dưới dạng tảng lớn từ 10-20kg, sau đó về Việt Nam sẽ phân tiếp thành miếng nhỏ cho phù hợp với thị hiếu người Việt Nam.

“Người Việt Nam đang quan tâm đến thực phẩm sạch. Véviba sản xuất thịt theo quy trình quản lý chất lượng, theo dõi được con bê mới chào đời đến lúc xuất chuồng. Quy trình truy xuất nguồn gốc thịt và chúng tôi nhấn mạnh khi thâm nhập thị trường Việt Nam”, bà  Sandrine Guillaume tự tin nói.

Theo Bộ NN&PTNT, năm 2014, Việt Nam đã nhập hơn 1.720 tấn thịt bò từ châu Âu (tăng hơn 70 lần so với năm 2012). Năm 2015, sản lượng thịt bò nhập từ châu Âu về Việt Nam tăng hơn 11.000 tấn và 9 tháng đầu năm 2016, tăng 15% so với cả năm 2015 do nguồn cung bò Úc hụt 30%. Hiện có hơn 200 nhà xuất khẩu thuộc các nước EU được cấp phép nhập thịt bò vào Việt Nam.
Thúy Hà
.
.
.