Thị trường tài sản: Biến động và nhiều rủi ro

Chủ Nhật, 14/10/2018, 06:50
Báo cáo Kinh tế Vĩ mô Quý II/2018 của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) vừa công bố cho thấy trên thị trường tài sản, bất động sản và vàng đang có nhiều biến động, tiềm ẩn rủi ro cho các nhà đầu tư.


Thị trường căn hộ đi vào vùng trũng

Theo các chuyên gia VEPR, sau Quý II sụt giảm cả về lượng mở bán mới và doanh số bán ra, thị trường căn hộ trong Quý III/2018 không có nhiều khởi sắc, thậm chí có phần sụt giảm. 

“Quan niệm tháng Bảy âm lịch không tốt cho hoạt động kinh doanh mua bán là một phần nguyên nhân dẫn tới giao dịch thường không cao trong Quý III”, PGS.TS. Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng VEPR nhận định. 

Ông Thành dẫn số liệu từ CBRE Việt Nam cho thấy, tại thị trường Hà Nội, tổng nguồn cung căn hộ để bán mới trong Quý III đạt 5.000 căn, giảm tới 23,5% so với Quý II/2018 và giảm gần 40,0% so với cùng kỳ năm trước. Cùng với đó, lượng căn hộ bán ra cũng sụt giảm đáng kể khi chỉ có 4.300 giao dịch thành công, giảm tới 21,0% so với cùng kỳ năm trước và cũng giảm 27,1% so với Quý II/2018. Tại TP Hồ Chí Minh, tuy lượng mở bán mới cao hơn Quý II/2018, số giao dịch thành công cũng chứng kiến sự giảm tương đối mạnh như thị trường Hà Nội.

“Ôm” vàng trong thời điểm này rất rủi ro.

Bên cạnh đó, thị trường bất động sản (BĐS) vẫn là lĩnh vực thu hút được nhiều sự chú ý của các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam nếu so với cùng kỳ năm trước. 

Theo Cục Đầu tư Nước ngoài - Bộ KH&ĐT, trong 9 tháng đầu năm 2018, lĩnh vực BĐS đứng thứ hai sau nhóm ngành công nghiệp chế biến chế tạo về tổng vốn đăng ký FDI với 5,85 tỷ USD, chiếm 23% tổng FDI đầu tư vào Việt Nam. 

Con số này chêch lệch với năm 2017 (4,5%) tương đối nhiều, cho thấy nhà đầu tư nước ngoài vẫn nhìn thấy nhiều tiềm năng của thị trường BĐS tại Việt Nam. 

Tuy nhiên, với Chỉ thị 04 về kiểm soát chặt tín dụng trong lĩnh vực BĐS cùng với nguy cơ giá tài sản giảm do lãi suất có khả năng tăng, triển vọng thị trường BĐS trong thời gian tới vẫn có thể đối mặt với sự đi xuống.

Nhận định về thị trường BĐS, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng thời gian qua có hiện tượng phát triển nóng, dư cung, đặc biệt là phân khúc căn hộ cao cấp. 

Đáng chú ý, ông Hiếu thông tin mới đây, Hiệp hội BĐS đề nghị Ngân hàng Nhà nước hoãn lại việc kéo tỷ lệ dùng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn từ 45% xuống 40% đến đầu sang năm. 

“Hiệp hội BĐS cho rằng việc ngân hàng kéo tỷ lệ xuống sẽ làm giảm vốn cho vay dài hạn, gây tác động tiêu cực đến thị trường BĐS. Theo tôi, việc này cần xem xét cẩn trọng vì BĐS có sự rủi ro về tài chính lớn (cùng với chứng khoán), mà nạn nhân đầu tiên là ngân hàng, tiếp theo là khách hàng và cuối cùng là cả nền kinh tế bị ảnh hưởng. Bài học về thị trường tài sản BĐS đổ vỡ kéo theo cả nền kinh tế Mỹ khủng hoảng, gây tác động lên cả nền kinh tế thế giới vẫn còn đó nên không thể chủ quan được”, TS Hiếu khuyến cáo.

Giá vàng trong nước không vận động cùng thế giới

Sau BĐS, tài sản vàng được đánh giá là “hầm trú ẩn” cho các nhà đầu tư trong bối cảnh kinh tế nhiều biến động. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, khi vàng không còn là địa chỉ đầu tư an toàn hấp dẫn, giá vàng thế giới tiếp tục đi xuống trong Quý III. Trong khi đó, vàng trong nước dù cũng có xu hướng giảm nhẹ nhưng nhìn chung vẫn duy trì được sự ổn định tương đối khi so với giá thế giới. 

Báo cáo của VEPR cho biết giá vàng nội địa chỉ dao động trong ngưỡng 36,4-36,7 triệu VND/lượng trong Quý III. Trong khi đó, giá vàng thế giới từ mức 34,6 triệu VND/lượng (quy đổi) cuối Quý II đã giảm tương đối nhiều về mức 33,4 triệu VND/lượng tại thời điểm cuối tháng Chín. Như vậy, biên độ chênh lệch giá sau Quý III tiếp tục được kéo giãn từ 2 triệu VND/lượng lên mức gần 3 triệu VND/lượng, tiếp tục phản ánh sự thiếu liên thông giữa thị trường trong nước và thế giới.

“Giá vàng trên thế giới giảm 8,9% từ đầu năm đến nay, trong khi giá vàng Việt Nam giảm không đáng kể. Điều này cho thấy không có sự liên thông giữa giá vàng trong nước và thế giới”, TS Nguyễn Trí Hiếu thông tin thêm. 

Vậy, giá vàng từ giờ đến cuối năm sẽ diễn biến ra sao, có nên nhảy vào “ôm” vàng không? Trả lời câu hỏi này, ông Hiếu cho rằng dự đoán giá vàng là một điều không dễ dàng, vì phụ thuộc vào diễn biến cuộc chiến thương mại, giá dầu, và những vấn đề chính trị như mối quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên, Mỹ và Iran…

Bởi vậy, ông Hiếu cho rằng dù giá vàng thế giới đang xuống thấp, cũng không nên “ôm” vàng trong lúc này vì sẽ rất rủi ro.

Lệ Thúy
.
.
.