Thị trường phân bón vẫn hỗn loạn

Thứ Năm, 29/09/2016, 08:38
Dù đã được lập lại trật tự khá nhiều sau một thời gian dài hàng trăm giấy chứng nhận phân bón không đủ tiêu chuẩn bị thu hồi, nhiều cơ sở cấp giấy chứng nhận bừa bãi được phanh phui, nhưng vấn nạn phân bón giả vẫn chực chờ đe dọa mùa màng của người nông dân.



Phân bón vẫn đang bị làm giả từ bao bì tới con dấu kiểm nghiệm. Đây là những thông tin được chia sẻ tại Hội thảo "Lập lại thị trường phân bón Việt Nam" diễn ra sáng 28-9.

Theo thống kê của Hiệp hội Phân bón, cả nước có từ 800 -1.000 cơ sở sản xuất mặt hàng này, nhưng kiểm tra có đến gần 50% số mẫu không đạt chỉ tiêu chất lượng như đăng ký, công bố trên bao bì. Lợi dụng kẽ hở của pháp luật, nhiều cơ sở mập mờ về tổng lượng dinh dưỡng, hàm lượng trên vỏ bao bì... gây nhầm lẫn, đánh lừa người tiêu dùng.

Nguyên nhân của tình trạng này, theo ông Bùi Hạc Thúy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón, là do “sản xuất tự phát, nơi nào làm được thì cứ làm, chưa có một cuộc “cách mạng” lập lại trật tự”. “Sản phẩm giả không chỉ xuất hiện trong cơ sở sản xuất phân bón, đại lý kinh doanh mà còn len lỏi vào cả phòng kiểm nghiệm, kiểm định” - ông Thuý nêu thực tế.

Với một con số “khổng lồ” khoảng 5.700 sản phẩm phân bón có mặt trên thị trường hiện nay (trong khi các nước trên thế giới chỉ có khoảng 300 sản phẩm), ông Nguyễn Huy Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết: Ngay cả những người có chuyên môn như ông, trong nhiều trường hợp, cũng không thể nhận biết được phân bón thật – giả.

“Nói vậy để thấy mức độ làm giả của các đối tượng rất tinh vi, nhưng chế tài xử phạt hiện quá nhẹ. Chưa kể quy định thế nào về phân bón giả, phân bón kém chất lượng còn chưa rõ ràng giữa các bộ, ngành... khiến nông dân phải đối diện với “ma trận” phân bón trên thị trường”.

Báo cáo của Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cũng cho thấy, bình quân mỗi năm gần 4.000 vụ vi phạm liên quan đến phân bón được kiểm tra, phát hiện. Con số này có thể coi là nhiều, nhưng các chuyên gia đều cho rằng chưa thấm vào đâu so với những gì đang diễn ra trên thực tế. Quan trọng hơn, chế tài xử phạt hiện nay chưa đủ mạnh, chủ yếu vẫn là phạt hành chính, nên cứ phạt xong lại vi phạm.

Theo ông Cường, hiện gần như 100% các cơ sở bán phân bón tại các địa phương đều phân phối và kinh doanh phân vô cơ và hữu cơ. Chính do những chính sách chồng chéo hiện nay, đã khiến công tác quản lý cực kỳ khó khăn, khi kiểm tra cần có những sự thống nhất từ các sở, ban, ngành như Sở Công Thương, Sở NN&PTNT và các lực lượng khác như Ban chỉ đạo 389 ở địa phương... mỗi lần xin cấp giấy kiểm tra rầm rộ nên kết quả không đạt yêu cầu.

Với những lý do trên, nhiều chuyên gia tham gia hội thảo đã kiến nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 202 về quản lý phân bón theo hướng quy định cụ thể hơn trách nhiệm của chính quyền các cấp ở địa phương khi để xảy ra những vụ việc vi phạm về sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng... và quan trọng hơn là xác định một cơ quan quản lý thống nhất mặt hàng này để dễ truy trách nhiệm và cũng thuận tiện hơn trong quản lý.

Nam Phương
.
.
.