Thị trường chứng khoán: Kênh đầu tư nhiều cơ hội

Chủ Nhật, 03/01/2016, 16:14
Từng “làm mưa làm gió” một thời với những giai đoạn “nhà nhà chơi cổ”, “người người chơi chứng” và “ai chơi cũng trúng”, thị trường chứng khoán (TTCK) lao dốc đã khiến nhiều người nuối tiếc kênh đầu tư “ngon ăn”.

 

Tuy nhiên, với những nhà đầu tư chuyên nghiệp, dù đã qua thời kỳ hoàng kim, nhưng TTCK vẫn là kênh đầu tư cực kỳ hấp dẫn và mang lại khả năng sinh lời cao.

VN-Index tăng mạnh thứ 5 tại châu Á

Năm 2015, dù TTCK phải trải qua những thời điểm thử thách, song kết thúc năm, chỉ số chính VN-Index vẫn đứng ở mức 579,03 điểm, tức tăng 33,4 điểm (+6,12%), còn chỉ số HNX-Index đã giảm 3,02 điểm (-3,64%) xuống mức 79,96 điểm. Vốn hóa thị trường đạt hơn 1.325.000 tỷ đồng, tương đương 34% GDP; quy mô giao dịch bình quân đạt 4.964 tỷ đồng/phiên. 

Theo CNBC, với mức tăng 6.1%, VN-Index đã trở thành chỉ số chứng khoán có đà tăng mạnh thứ 5 tại châu Á. Trong đó, 4 TTCK có mức tăng điểm tích cực hơn bao gồm các chỉ số Shenzhen Composite với mức tăng 66%, chỉ số NZX 50 của New Zealand đứng thứ 2 với mức tăng 14%. Hai chỉ số tiếp theo là Shanghai Composite và Nikkei với mức tăng lần lượt 10% và 9%. Ở chiều ngược lại, các chỉ số Strait Times Index của Singapore, SET của Thái Lan và Jakarta Composite là 3 chỉ số có mức giảm mạnh nhất, lần lượt là -15%; -14% và -12%. Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), mặc dù TTCK Việt Nam tăng trưởng tương đối tốt trong năm 2015, nhưng diễn biến thị trường khá phân hóa và đà tăng mạnh chủ yếu tập trung ở các mã bluechips vốn hóa lớn có ảnh hưởng mạnh đến chỉ số như VNM, VCB, VIC, BVH... Trong khi nhóm cổ phiếu midcap và penny nhìn chung có diễn biến không mấy tích cực. Đáng chú ý, do giá dầu giảm sâu nên nhóm cổ phiếu họ dầu khí niêm yết trên sàn liên tục lập đáy mới và tính ra hàng chục nghìn tỷ đồng giá trị của các công ty dầu khí niêm yết trên sàn đã bốc hơi chỉ trong vòng hơn một năm qua

Trong năm 2015, dù thị trường biến động, nhưng nhiều người vẫn “kiếm ăn” tốt từ kênh đầu tư này. Đặc biệt, nhiều cổ phiếu “rau muống” đã phất lên một cách ngoạn mục, góp phần không nhỏ vào sự đi lên của thị trường. Có thể điểm danh một số cố phiếu “giá bèo” làm nên chuyện trong năm 2015 như cổ phiểu TNT của CTCP Tài Nguyên ở vùng giá 4.000 đồng/cổ phiếu vào đầu năm 2015. Đến tháng 12, cổ phiếu TNT được giao dịch quanh mức 25.000 đồng/cổ phiếu, tức tăng 6 lần. Một nhà đầu tư cho biết nhờ “ôm” 400.000 cổ phiếu TNT từ đầu năm với giá 1,6 tỷ đồng, sau gần 1 năm, số cổ phiếu TNT của anh có giá trị xấp xỉ 10 tỷ đồng. Cũng tăng “khủng”, cổ phiếu SHN của CTCP Đầu tư Tổng hợp Hà Nội trong năm 2015 đã “gây sóng gió” khi tăng gần 8 lần sau 6 tháng. Cụ thể, từ tháng 4-2015, giá của SHN đang ở mức 2.700 đồng/cổ phiếu và đã tăng một mạch lên 20.700 đồng/cổ phiếu  vào 10-6-2015. Hay một mã chứng khoán khác là Cổ phiếu OGC của CTCP Tập đoàn Đại Dương tăng gấp đôi trong 1 tháng. Trước đó, OGC được giao dịch quanh mức 2.500 đồng/cổ phiếu trong suốt thời gian từ tháng 5 đến tháng 10-2015, sau khi rơi gần như thẳng đứng từ mức 8.000 đồng/cổ phiếu hồi đầu năm. Tuy nhiên, sau khi ĐHCĐ bất thường lần 1 năm 2015 của OGC công bố lãi bất thường 1.500 tỷ đồng trong quý III/2015, giá cổ phiếu OGC tăng vọt lên 4.200 đồng/cổ phiếu, tức tăng 68% trong 1 tháng. Một cổ phiếu khác là VC3 của CTCP Xây dựng số 3 trong năm 2015 đã tăng từ 16.000 đồng/cổ phiếu lên mức cao nhất 60.000 đồng/cổ phiếu. Nếu tính giá cổ phiếu đã điều chỉnh sau khi chia cổ tức bằng tiền mặt 15% và chia thưởng cổ phiếu tỷ lệ 2:3 thì giá cổ phiếu VC3 đã tăng từ 6.000 đồng/cổ phiếu thời điểm đầu năm lên mức cao nhất 33.400 đồng/cổ phiếu vào ngày 17-11, tức tăng gấp 5,5 lần…

Nhìn lại những cổ phiếu “rau muống” cho thấy khả năng sinh lãi của thị trường là vô cùng lớn, vấn đề là nhà đầu tư có nắm bắt được cơ hội hay không, và thậm chí là có “may mắn” hay không mà thôi.

Chứng khoán vẫn là kênh đầu tư được nhiều người lựa chọn .

Năm 2016: Ổn định để phát triển

Năm 2016, TTCK được đánh giá là sẽ tiếp tục khó khăn. Hiện, cả hai chỉ số đang dần tiếp cận vùng điểm kháng cự: 580- 585 điểm đối với chỉ số VN-Index và 79-79,5 điểm đối với chỉ số HNX-Index. “Trong năm 2016, chúng tôi dự báo sẽ khó khăn hơn 2015. Do đó, phải thận trọng hơn trong quản trị rủi ro các hoạt động của thị trường. Mục tiêu mà Ủy ban chứng khoán đặt ra trong năm 2016 không phải là tăng trưởng, mà là tiếp tục giữ ổn định thị trường trước nhiều yếu tố tác động bất lợi”- Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Bằng chia sẻ. Theo ông Bằng, việc Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới suy giảm, trong khi quan hệ thương mại giữa Trung Quốc với nước ta lớn, nên các tác động sẽ thấm dần vào Việt Nam và nhiều nước khác. Tác động đối với Việt Nam tuy chậm, nhưng kéo dài hơn so với nhiều nước, nên cần đề phòng yếu tố này. Ngoài tiếp tục theo dõi sát sự dịch chuyển của dòng vốn ngoại để có giải pháp phù hợp, trong năm 2016, cần chú ý tới khả năng giá dầu thế giới duy trì ở mức thấp, sẽ tác động đến ngân sách. Ngoài ra, khả năng phục hồi kinh tế toàn cầu chưa rõ nét. Về lãi suất, nếu các yếu tố bên ngoài ít biến động bất thường, cùng với lạm phát trong nước ở mức thấp sẽ không gây áp lực tăng lãi suất. Tuy nhiên, có thể có sức ép tăng lãi suất để ổn định tỷ giá. Là một trong những yếu tố có tác động quyết định đến sự phát triển của TTCK, nếu lãi suất ít biến động sẽ hỗ trợ cho sự phát triển của thị trường.

Dự đoán về xu hướng chứng khoán trong năm mới, chuyên gia kinh  tế Lê Xuân Nghĩa cho rằng TTCK Việt Nam sẽ đi ngang đến hết quý I, sau đó sẽ tăng chậm và đều đặn. Còn ông Lê Minh, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Quản lý Quỹ đầu tư Việt Nam (VFM) cho rằng cuối năm 2016, TTCK sẽ tăng trưởng sẽ tốt hơn năm 2015. Tuy nhiên, TTCK sẽ đối mặt với hai rủi ro lớn nhất trong hoạt động của mình là tỷ giá và lãi suất. Trong khi đó, ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Sở GDCK Hà Nội (HNX)  tin rằng, nhiều chính sách pháp lý quan trọng có hiệu lực sẽ tạo động lực cho TTCK phát triển về quy mô và chất lượng, phát triển lên một bước cao hơn, sớm tiến đến việc nâng hạng và hội nhập với các thị trường khu vực.

Đến tháng 12-2015, trên 2 sàn có 682 cổ phiếu và chứng chỉ quỹ, với tổng giá trị niêm yết theo mệnh giá là 528.000 tỷ đồng, tăng 24% so với năm 2014; có 571 mã trái phiếu với tổng giá trị niêm yết là 709.000 tỷ đồng, tăng 5% so với cuối năm 2014. Cũng trong năm 2015, có 47 công ty niêm yết mới, 33 công ty hủy niêm yết. Riêng sàn UPCoM có gần 100 công ty đăng ký giao dịch mới trong (gấp 2 lần so với năm 2014), nâng tổng số lượng cổ phiếu giao dịch lên 243 mã, với tổng giá trị 47.574 tỷ đồng, tăng 97% so với năm 2014. Số lượng tài khoản nhà đầu tư là 1,5 triệu tài khoản (tăng 105.000 tài khoản so với cuối năm 2014), trong đó tài khoản nhà đầu tư nước ngoài là 17.644 (tăng 5,44%). Hoạt động tái cấu trúc khối công ty chứng khoán tiếp tục được thúc đẩy. Đến nay, số lượng công ty chứng khoán đang hoạt động là 81 công ty, giảm khoảng 23%... 
Lệ Thúy
.
.
.