Thất thu nghìn tỷ từ dịch vụ đặt phòng trực tuyến

Thứ Tư, 13/12/2017, 10:37
Khoảng 20% doanh thu từ đặt phòng trực tuyến đang “chảy” trực tiếp ra nước ngoài. Số thuế thất thu được tính lên tới hàng nghìn tỷ đồng.


Nếu như trước đây, việc đăng ký phòng khách sạn đối với du khách vẫn là nỗi ám ảnh trong mùa cao điểm du lịch vì hết phòng, hay bị nâng giá thì ngày nay, việc đi du lịch đã dễ dàng hơn với bất kỳ người nào, vì chỉ cần lên mạng là có thể đặt được phòng trực tuyến, mà giá cả lại được ưu đãi hơn rất nhiều lần so với cách thức đặt phòng truyền thống. 

Chị Anh Thư - một người làm trong lĩnh vực này cho biết, chị thường xuyên đặt phòng cho khách nước ngoài đến Việt Nam qua trang web mytuor.vn. Việc này vừa đơn giản, thuận tiện mà cũng rất “được lòng” khách hàng. Ngay cả bản thân chị từ nhiều năm nay, khi đi công tác, đi du lịch cùng gia đình hay bạn bè cũng đều sử dụng dịch vụ đặt phòng trực tuyến.

Hiện nay, phần lớn khách hàng, đặc biệt là với những người trẻ hay sử dụng Internet, việc đặt phòng theo cách truyền thống đã lỗi thời. Vì vậy, nhiều trang web đặt phòng trực tuyến của nước ngoài như agoda.com, booking.com… hoạt động ngày càng mạnh mẽ ở Việt Nam với thị phần và doanh thu “khủng”. 

Chỉ cần gõ từ khóa đặt phòng trực tuyến, một danh sách các trang web đặt phòng hiện ra rất nhanh như booking.com, agoda.com. mytour.vn, trivago.vn hay traveloka.com...

Khi khách thực hiện giao dịch, những trang web này sẽ thu mức phí từ 15-25%. Số tiền này do bên cung cấp dịch vụ là khách sản phải chi trả. Chẳng hạn khi khách hàng Việt trả 100 USD tiền phòng cho Agoda, doanh nghiệp này thu 20 USD tiền phí, 80 USD trả cho khách sạn tại Việt Nam. 

Với cách làm này, 20 USD nằm ngoài Việt Nam và Việt Nam không thu được đồng thuế nào. Điều đáng nói, những trang mạng này có số lượng đặt phòng ngày càng lớn với doanh thu khủng có thể lên đến cả nghìn tỷ đồng tại Việt Nam. 

Theo tính toán của lãnh đạo Công ty VnTrip vào thời điểm 2016, thì mục tiêu của Chính phủ Việt Nam cho ngành du lịch sẽ đạt doanh thu 30 tỷ USD vào năm 2020. Với con số này, chúng ta có thể ước lượng được doanh thu từ bán phòng online cho thị trường nội địa có thể đạt con số 5,25 tỷ USD/năm. 

Nếu những trang web như Agoda, Traveloka hoặc một vài công ty nước ngoài cùng nhau chiếm lĩnh thị trường booking online như hiện tại thì họ sẽ thu được khoảng hơn 1,25 tỷ USD tiền hoa hồng bán phòng - tức là gần 28 nghìn tỷ VNĐ sẽ không bị chịu bất kể loại thuế nào. Như vậy Việt Nam có thể thất thu hàng nghìn tỷ tiền thuế.

Với Bộ Tài chính cũng như ngành Thuế, câu chuyện thất thu này không mới và đã từng được đặt ra khi cuối năm 2016, ông Lê Đắc Lâm - Giám đốc điều hành Vntrip.vn, start-up về du lịch, chuyên hỗ trợ khách hàng đặt phòng khách sạn tại Việt Nam, tố cáo Agoda trốn thuế tại Việt Nam. 

Đồng thời, doanh nghiệp này cũng đã gửi đơn kiến nghị lên Văn phòng Chính phủ, đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc xem xét và tìm kiếm những cơ sở pháp lý để thu thuế của Agoda và Traveloka ở Việt Nam để vừa đảm bảo không thất thoát tiền thuế của Nhà nước, vừa đảm bảo được sự cạnh tranh công bằng và lành mạnh giữa các công ty trên thị trường. 

Phía Bộ Tài chính cũng đã yêu cầu các trang kinh doanh đặt phòng trực tuyến của nước ngoài phải nộp thuế Giá trị gia tăng và thuế Thu nhập doanh nghiệp theo tỉ lệ trực tiếp trên doanh thu được hưởng, với tỉ lệ là 5% thuế Giá trị gia tăng và 5% thuế Thu nhập doanh nghiệp. 

Ngoài ra, đối tác Việt Nam ký hợp đồng với nhà thầu nước ngoài phải khấu trừ và nộp thuế thay cho nhà thầu nước ngoài. Nếu khách trả tiền trực tiếp cho cơ sở lưu trú ở Việt Nam, cơ sở lưu trú sẽ phải khai, nộp thuế. Tuy nhiên, thực tế cho thấy thu thuế được thuế từ những đơn vị kinh doanh tại nước ngoài này không hề đơn giản. 

Ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ Chính sách, Tổng cục Thuế cũng phải thừa nhận, loại hình kinh doanh đặt hàng trực tuyến tại Việt Nam vẫn còn khá mới mẻ với nhiều “lỗ hổng” về quản lý thuế do Luật thuế hiện hành chưa theo kịp với sự phát triển của thị trường. Do vậy, để quản lý thu thuế đối với loại hình kinh doanh này tại Việt Nam đạt được hiệu quả cần phải sửa đổi, bổ sung Luật quản lý thuế để các Bộ, ngành cùng vào cuộc tìm ra các giải pháp tốt nhất để quản lý. 

Tổng cục Thuế đề xuất cơ quan Thuế và Ngân hàng Nhà nước cần phối hợp nghiên cứu để thực hiện giải pháp về thanh toán: yêu cầu các dịch vụ xuyên biên giới khi thanh toán phải thanh toán qua cổng thanh toán nội địa (thông qua Công ty cổ phần thanh toán quốc gia – Trung tâm Napas của Ngân hàng Nhà nước). Từ đó cơ quan Thuế mới kiểm soát được doanh thu của các dịch vụ này để có cơ sở đề nghị tổ chức nước ngoài khấu trừ nộp thuế. 

Tổng cục Thuế cũng đề nghị các đơn vị kinh doanh trực tuyến của nước ngoài như Agoda và Booking phải thiết lập đầu mối như mở văn phòng đại diện chính thức của các công ty vận hành mạng nước ngoài tại Việt Nam để phối hợp chặt chẽ hơn với cơ quan quản lý Nhà nước của Việt Nam trong công tác quản lý.

Nhóm PV
.
.
.