Thấp thỏm nỗi lo tăng lãi suất

Thứ Sáu, 11/12/2015, 11:37
Mùa tín dụng năm 2015 đã đến giai đoạn cuối. Lãi suất huy động đã được các ngân hàng (NH) tăng từ mấy tháng trước, lãi suất cho vay cũng được đẩy mạnh ra thị trường, nhưng nỗi lo tăng lãi suất vào đầu năm 2016 vẫn đang khiến nhiều doanh nghiệp (DN) “đau đầu”.


Theo báo cáo mới nhất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến cuối tháng 11-2015, lãi suất bình quân trên thị trường liên NH tăng ở hầu hết các kỳ hạn chủ chốt từ 1 tháng trở xuống. Cụ thể, lãi suất bình quân kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 1 tháng tăng lần lượt đến mức 2,63%/năm, 2,90%/năm và 3,60%/năm. 

Đối với các giao dịch USD, so với giữa tháng 11-2015, lãi suất bình quân liên NH không thay đổi ở hầu hết các kỳ hạn chủ chốt dưới 1 tháng, tuy nhiên tăng ở kỳ hạn 1 tháng. Cụ thể, lãi suất bình quân kỳ hạn 1 tháng tăng 0,05%/năm so với giữa tháng 11. Trong khi đó, lãi suất huy động bằng VND tương đối ổn định. Một vài NH điều chỉnh tăng, giảm nhẹ lãi suất huy động để cơ cấu lại nguồn vốn hợp lý hơn. 

Hiện tại, mặt bằng lãi suất huy động bằng VND phổ biến ở mức 0,8-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng. Mức lãi suất 4,5-5,4%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng, từ 5,4-6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng. Kỳ hạn trên 12 tháng được duy trì ở mức 6,4-7,2%/năm.

Một số ngân hàng điều chỉnh giảm nhẹ lãi suất huy động để cơ cấu lại nguồn vốn. Ảnh: CTV.

Bên cạnh đó, lãi suất cho vay bằng VND tại các NH cũng được duy trì ổn định. Theo đó, mặt bằng lãi suất cho vay phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 6-7%/năm đối với ngắn hạn. Các NH thương mại Nhà nước tiếp tục áp dụng lãi suất cho vay trung và dài hạn phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 9-10%/năm. Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thông thường ở mức 6,8-9%/năm đối với ngắn hạn, 9,3-11%/năm đối với trung và dài hạn.

Về lãi suất cho vay USD, một vài NH điều chỉnh giảm nhẹ lãi suất cho vay USD trong điều kiện thanh khoản ngoại tệ dồi dào. Hiện lãi suất cho vay USD phổ biến ở mức 3-6,5%/năm, trong đó lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến ở mức 3-5,3%/năm, lãi suất cho vay trung, dài hạn ở mức 5,5-6,5%/năm.

Lãi suất có thể tăng nhẹ vào năm 2016.

Thực tế, trên thị trường NH, trong hơn hai tháng qua, thông tin về tăng lãi suất đã dồn dập xuất hiện. Dù mức điều chỉnh lãi suất được các NH áp dụng khá nhẹ, từ 0,2-0,4%/năm (tùy kỳ hạn), song điều này đã tạo cho dư luận cảm giác về một “làn sóng” tăng lãi suất. Đáng chú ý, hiện có quá nhiều nguy cơ khiến lãi suất có thể bật tăng trở lại vào năm 2016. Trong báo cáo mới về triển vọng thị trường Việt Nam, HSBC cho rằng khả năng lãi suất tăng là rất lớn.

“Trong bối cảnh tăng trưởng mạnh mẽ hơn và tiền lương có thể tăng sẽ thiết lập trạng thái tăng lạm phát cơ bản vào năm 2016. Cho đến thời điểm này, lạm phát thấp và triển vọng thuận lợi đối với giá cả năng lượng toàn cầu sẽ cho phép NHNN giữ lãi suất ổn định. Nhưng một khi áp lực giá cả tăng lên trong năm tới, chúng tôi cho rằng NHNN có thể tăng lãi suất thêm 0,5% trong quý III/2016, đưa mức lãi suất thị trường mở từ 5% như hiện nay lên 5,5%”, HSBC dự báo.

Trao đổi với báo giới mới đây, ông Phạm Hồng Hải, Tổng Giám đốc HSBC cho rằng, trong bối cảnh Fed sắp nâng lãi suất đồng USD, nhân dân tệ vào giỏ của IMF, sẽ đẩy tỷ giá USD/VND tăng lên, tất yếu sẽ khiến lãi suất VND dâng theo.

“Lãi suất tiền đồng, trong bối cảnh này mà kỳ vọng giảm xuống là rất khó. Vì khi Fed tăng lãi suất, Việt Nam vẫn phải duy trì mặt bằng lãi suất đảm bảo tiền đồng hấp dẫn cao hơn lãi suất USD, nên khó giữ lãi suất thấp. Nhưng theo tôi, khả năng năm nay và năm sau, NHNN không muốn đẩy tốc độc tín dụng tăng nhanh vì sợ rủi ro lạm phát trong tương lai, mà ở mức độ có thể kiểm soát được, nên tôi kỳ vọng, mặt bằng lãi suất sẽ tăng nhẹ, không quá mạnh so với trước đây, và ở mặt bằng đảm bảo DN vẫn có thể phát triển bền vững được, so với thời kỳ lãi suất quá cao”, ông Hải nhận định.

Tuy nhiên, với các DN, lãi suất đầu vào tăng, tất yếu đầu ra cũng sẽ tăng theo. Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, đây thực sự sẽ là thách thức đối với DN, vì nếu so sánh mức lãi suất các NH đang cho vay hiện tại từ 8-10%, với mức lãi suất mà Mỹ áp dụng, kể cả sẽ tăng lên 0,25% sắp tới, thì sức cạnh tranh của DN Việt cũng sẽ thua thiệt hơn hẳn.

“Nếu so với các nước, đúng là lãi vay của DN Việt Nam vẫn còn cao, nhưng nếu so cách đây mấy năm, thì mức lãi suất hiện nay cũng đã được gọi là thấp. Chúng ta cần xây dựng niềm tin của người dân, khi niềm tin vào tiền đồng nhiều hơn, người gửi chấp nhận lãi suất thấp hơn mà vẫn bảo toàn được giá trị tiền đồng, thì NH mới có điều kiện giảm lãi suất xuống”, ông Hải góp ý.

Lệ Thúy
.
.
.