Tháo gỡ điểm nghẽn cản trở phát triển ngành cơ khí Việt Nam

Thứ Năm, 06/09/2018, 09:46
Tại Hội thảo triển khai thực hiện Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam trong bối cảnh hội nhập và cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN4.0), Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, ngành cơ khí Việt Nam còn khá nhiều hạn chế, yếu kém.

Ngành cơ khí vẫn còn lạc hậu

Theo thống kê của Bộ Công Thương, số lượng doanh nghiệp (DN) cơ khí đã tăng mạnh từ 10.000 DN năm 2010 lên 21.000 DN năm 2016 trong khi kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm cơ khí đạt trên 16 tỷ USD. 

Hiện nay, cơ khí Việt Nam có thế mạnh tập trung ở 3 phân ngành bao gồm: Xe máy và phụ tùng linh kiện xe máy; cơ khí gia dụng và dụng cụ; ôtô và phụ tùng ôtô. Tuy nhiên, năng lực sản xuất sản phẩm cơ khí còn thấp; Việt Nam nhập siêu nhiều sản phẩm cơ khí, chưa chủ động sản phẩm …

“Đây là những vấn đề hết sức quan ngại trong bối cảnh nền kinh tế  hội nhập và CMCN4.0 đang phát triển rất mạnh mẽ”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nói.

Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế Công nghiệp – Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lê Thủy Trung cho biết, ngành cơ khí mới đáp ứng được 34,5% nhu cầu cơ khí của cả nước, không hoàn thành mục tiêu đề ra trong Chiến lược (mục tiêu năm 2010 của ngành này đáp ứng 45-50% nhu cầu sản phẩm cơ khí trong nước).

Trước thực trạng này, ông Đào Phan Long, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI) cho rằng, thực tiễn sau 20 năm phát triển ngành này, trình độ công nghệ, thiết bị sản xuất cơ khí của Việt Nam vẫn còn quá lạc hậu với thế giới.

Khuyến khích và ưu đãi các doanh nghiệp cơ khí áp dụng các công nghệ của cách mạng công nghiệp 4.0 vào sản xuất.

Với các DN sản xuất cơ khí Việt Nam, tình trạng đầu tư tự phát, yếu kém trong nghiên cứu thị trường, quản lý sản xuất, thiết bị công nghệ yếu kém dẫn đến sức cạnh tranh của sản phẩm cơ khí Việt Nam khó cạnh tranh. Sản phẩm cơ khí Việt Nam hiện nay chủ yếu gia công kết cấu thép, ít sản phẩm có giá trị gia tăng cao.

“Sự tụt hậu này có cả trách nhiệm của quản lý nhà nước và của các DN cơ khí nội địa”, ông Long nói.

Ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, ngành cơ khí trong nước có rất ít các phát minh, sáng chế được đăng ký, trang thiết bị và trình độ công nghệ toàn ngành vẫn chậm đổi mới, thậm chí nhiều DN còn thiếu đầu ra cho sản phẩm nên không có cơ hội tích lũy và đầu tư đổi mới công nghệ.

Theo chuyên gia cơ khí Nguyễn Văn Thụ, nguyên nhân chủ quan trước hết và lớn nhất kìm hãm sự phát triển của cơ khí Việt Nam là các cấp, các ngành quản lý chưa có nhận thức đúng đắn và đầy đủ về vị trí và tầm quan trọng của công nghiệp cơ khí. Một nước công nghiệp muốn phát triển không thể không phát triển ngành cơ khí, chế tạo máy công nghiệp nặng. 

Cùng với đó, lực lượng cơ khí Việt Nam đã yếu lại không liên kết tập hợp được lực lượng để tổ chức phân công sản xuất, tránh trùng lặp, khéo kín.

Trong khi trên thế giới, các tập đoàn, DN công nghiệp lớn còn sáp nhập để cùng tồn tại và phát triển. Những yếu tố này khiến cho ngành cơ khí trong suốt nhiều năm vẫn chưa thể lớn mạnh như mong muốn.

Thay đổi chính sách đầu tư

Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến 2035 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu năm 2018 được xem như “liều thuốc tăng trưởng” cho ngành cơ khí.

Phó Tổng giám đốc VEAM Hồ Mạnh Tuấn cho rằng, cần có chính sách khuyến khích đầu tư, nhưng tập trung cho các DN có sản xuất quy mô công nghiệp và có thương hiệu, có thị trường tiêu thụ, không dàn trải như trước. 

Trong giai đoạn đầu, có thể tập trung ưu tiên vào lĩnh vực chế tạo nguyên liệu đầu vào như các sản phẩm đúc, rèn và thép chế tạo giúp nước ta có thể chủ động về nguyên liệu và tăng tỷ lệ nội địa hóa.

Ông Đào Phan Long, Chủ tịch VAMI cho rằng, Việt Nam cần một chiến lược phát triển công nghiệp cơ khí, đầu tư mới, lựa chọn một số ngành hàng có thể cạnh tranh với sản phẩm nước ngoài.

Theo các chuyên gia tại hội thảo, với chính sách phát triển rõ ràng, ngành cơ khí sẽ nắm bắt được cơ hội cách mạng công nghiệp 4.0 để vươn lên mạnh mẽ. 

Tuy nhiên, “cách mạng công nghiệp cơ khí lần thứ 4 này chắc chắn sẽ làm thay đổi cả hệ thống dây chuyền công nghệ thiết kế, chế tạo cơ khí truyền thống. Đây là cơ hội để chúng ta làm cuộc cách mạng đổi mới ngành cơ khí chế tạo”, ông Phạm Hùng cho biết.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành cơ khí, trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan, ban, ngành liên quan nghiên cứu trình Chính phủ ban hành những chính sách mới và đưa ra những giải pháp để giải quyết những khó khăn, vướng mắc của các DN cũng như hạn chế của chính sách hiện hành.

Cụ thể, sẽ xây dựng Nghị định của Chính phủ về phát triển công nghiệp cơ khí, phối hợp với cộng đồng DN, các hiệp hội ngành nghề để điều chỉnh danh mục sản phẩm cơ khí trọng điểm và đơn giản hoá thủ tục xác nhận cho phù hợp với tình hình thực tế.

Lưu Hiệp
.
.
.