Tháng 10 sẽ trình Quốc hội việc nâng trần thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu

Thứ Hai, 15/05/2017, 10:54
Theo báo cáo thẩm tra đề nghị điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 và đề nghị về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Ủy ban này đã đồng ý đưa dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường vào chương trình xây dựng luật - pháp lệnh 2017.

Chính phủ đề nghị thông qua dự án luật này trong 1 kỳ họp, nhưng Ủy ban Pháp luật cho rằng do tác động lớn đến đời sống người dân, dự án luật chỉ nên được thông qua khi đảm bảo chất lượng.

Trước đó, ngày 10-3, Bộ Tư pháp thay mặt Chính phủ ký tờ trình gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung dự án Luật Thuế bảo vệ môi trường (sửa đổi), trong đó có nội dung nâng khung thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu lên tối đa 8.000 đồng/lít vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 của Quốc hội. Theo lộ trình được Bộ Tài chính đưa ra, tháng 9-2017 dự án luật sẽ được gửi đến đại biểu Quốc hội sau khi đã có ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tháng 10- 2017 trình Quốc hội xem xét thông qua ngay trong một kỳ họp.

Thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu đang gây chú ý lớn của người dân và doanh nghiệp.

Theo báo cáo của Ủy ban Pháp luật, tính đến hết ngày 12-4-2017, Ủy ban mới nhận được đề nghị điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 và đề nghị về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 của Chính phủ; đề nghị điều chỉnh Chương trình năm 2017 của Tòa án nhân dân Tối cao.

Theo đó, Chính phủ, Tòa án nhân dân Tối cao đề nghị bổ sung mới vào Chương trình 4 dự án luật, trong đó có Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường - cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 4 (sẽ diễn ra vào tháng 10 tới) và 3 dự thảo nghị quyết. Mặc dù Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhất trí với đề nghị của Chính phủ về việc trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua ngay dự án Luật Thuế bảo vệ môi trường trong 1 kỳ họp, nhưng Ủy ban Pháp luật cho rằng đây là dự án luật có nội dung quan trọng liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người dân nên cần phải được xem xét một cách thận trọng.

Do đó, Ủy ban Pháp luật chỉ tán thành trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4; căn cứ vào chất lượng dự án, Quốc hội sẽ quyết định thông qua dự án ngay tại kỳ họp này hay tại kỳ họp tiếp theo.

Ngay từ khi đưa ra, đề xuất nâng khung thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu từ mức tối thiểu 1.000 đồng/lít lên 3.000 đồng/lít và tối đa từ 4.000 đồng/lít lên 8.000 đồng/lít đã gây xôn xao dư luận.

Tại buổi họp báo của Bộ Tài chính diễn ra đầu tháng 4 vừa qua, trả lời câu hỏi về tác động của việc điều chỉnh khung thuế đối với sản xuất kinh doanh và giá cả tiêu dùng, ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, cho rằng, do Bộ Tài chính “mới đề xuất điều chỉnh khung thuế trên cơ sở tính toán nhiều yếu tố để đảm bảo tính ổn định của Luật áp dụng cho thời gian dài” chứ chưa có điều chỉnh thực sự, nên chưa tác động đến giá bán lẻ xăng dầu, cũng như đến sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, những lý giải này không có sức thuyết phục với người tiêu dùng, vì Bộ Tài chính mới chỉ tính đến phần thuận lợi trong điều hành của Bộ, chưa tính đến tác động của chính sách đối với doanh nghiệp và người dân.

Vũ Hân
.
.
.