Thách thức “ghìm cương” lãi suất năm 2016

Thứ Ba, 16/02/2016, 08:24
Bắt đầu từ cuối năm 2015 và tháng 1-2016, lãi suất huy động trên thị trường ngân hàng đã có chiều hướng tăng. Đáng chú ý, việc tăng lãi suất không chỉ diễn ra ở những ngân hàng nhỏ mà đã có những “ông lớn” nhập cuộc, khiến cho lãi suất trên thị trường ngân hàng khá sôi động.


Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy tháng 12-2015, tính chung toàn hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD), có 11 ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất các kỳ hạn khoảng 0,1-0,5%/năm. Sang nửa đầu tháng 1-2016, có 3 ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất khoảng 0,1-0,3%/năm ở các kỳ hạn trên 6 tháng. Hiện lãi suất huy động của hệ thống tổ chức tín dụng phổ biến ở mức 4,5-5,4%/năm đối với kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng và 5,5-7,2%/năm đối với kỳ hạn trên 6 tháng.

Đáng chú ý, ngoài việc tăng lãi suất, để thu hút vốn, nhiều nhà băng đã tung ra hàng loạt chương trình khuyến mại “khủng” dành cho khách hàng, khiến cho cuộc đua lãi suất trên thị trường càng nóng bỏng. Trước tình trạng dàn hàng ngang tăng lãi suất huy động, ngay trước Tết Nguyên đán, Thống đốc NHNN yêu cầu các TCTD chấp hành đúng quy định của NHNN về mức lãi suất huy động. Các ngân hàng không được áp dụng các biện pháp kỹ thuật để lách, vượt trần lãi suất huy động; nghiêm cấm cạnh tranh không lành mạnh trong huy động vốn. 

Lãi suất năm 2016 chịu nhiều áp lực tăng.

Thống đốc yêu cầu các ngân hàng cần tự kiểm tra, phát hiện những vi phạm về mức lãi suất huy động; chỉ đạo chấn chỉnh và xử lý nghiêm người đứng đầu các chi nhánh, đơn vị của TCTD để xảy ra vi phạm, không chấp hành các quy định của NHNN. 

Như vậy, dù đã bị “tuýt còi”, nhưng câu chuyện tăng lãi suất vẫn đang khiến cho DN khá lo lắng, bởi nền kinh tế Việt Nam hoạt động phụ thuộc phần lớn vào nguồn vay ngân hàng. Hơn nữa, với mặt bằng hiện tại, nhiều DN cho rằng lãi suất vẫn ngoài tầm với của họ, nên nếu lãi suất huy động tiếp tục tăng, sẽ đồng nghĩa với nguy cơ lãi suất cho vay tăng theo. 

Bởi vậy, muốn giảm lãi suất đầu ra thì bắt buộc phải kéo lãi suất đầu vào xuống. Tuy nhiên, kéo xuống bằng cách nào là một thách thức không hề nhỏ, vì theo nhiều tổ chức trong và ngoài nước dự báo, dựa trên phân tích các chỉ số, mặt bằng lãi suất nói chung, cho vay nói riêng sẽ khó giảm thêm năm 2016. 

Báo cáo triển vọng kinh tế vĩ mô mới đây của Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS), mặt bằng lãi suất huy động 2016 đang chịu một số áp lực tăng bởi một số yếu tố như: Cầu tín dụng của nền kinh tế cao làm tăng nhu cầu huy động vốn; Lạm phát kỳ vọng ở mức cao hơn so với 2015; Fed chủ trương tăng dần lãi suất USD và điều này phần nào làm giảm sức hấp dẫn của việc nắm giữ VND… 

Báo cáo tháng 1-2016 về kinh tế vĩ mô và triển vọng kinh tế Việt Nam của Khối nghiên cứu kinh tế toàn cầu của Ngân hàng HSBC dự báo lạm phát cả năm 2016 có thể ở mức 5,1% và với dự báo đó, HSBC tin rằng NHNN sẽ tăng lãi suất OMO thêm 0,5%, qua đó đưa lãi suất này lên mức 5,5% vào quý III/2016…

Trước những lo lắng của DN về lãi suất, nhiều ngân hàng tại TP Hồ Chí Minh cho biết trong năm 2016 sẽ tham gia hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) với số tiền 211.500 tỉ đồng và 15 triệu USD, lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND không quá 7%/năm, trung và dài hạn dao động 8-10%/năm, trong đó đẩy mạnh tập trung vốn cho các DNNVV và DN thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ…

Lãi suất năm 2016 chịu nhiều áp lực tăng.
Lệ Thúy
.
.
.