Tại các tỉnh bị bão lũ: Hàng hóa đủ, giá cả ổn định

Thứ Tư, 04/11/2020, 06:05
Trong bối cảnh bão lũ tại các tỉnh miền Trung ảnh hưởng tiêu cực đến sinh hoạt, đời sống của người dân, các cơ quan chức năng đang nỗ lực ổn định thị trường hàng hoá, cung ứng đầy đủ lương thực thực phẩm cho người dân vùng bão lũ, kiên quyết không để tình trạng găm hàng, đẩy giá, đảm bảo ổn định giá các mặt hàng.


Trước những tác động nặng nề do bão số 9 gây ra, Bộ Công Thương cho biết đã chỉ đạo các đơn vị ứng phó hiệu quả với mưa hoàn lưu; cung ứng hàng hóa nhu yếu phẩm thiết yếu phục vụ nhân dân, ổn định thị trường và khắc phục nhanh nhất hậu quả do bão gây ra để sớm đưa sản xuất ổn định trở lại.

Theo báo cáo của Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương), hiện tại TP Đà Nẵng và các tỉnh: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định; Phú Yên, Khánh Hòa và 5 tỉnh khu vực Tây Nguyên đã dự trữ hàng hóa lương thực, thực phẩm và các mặt hàng nhu yếu phẩm khác đầy đủ, đáp ứng được yêu cầu theo kế hoạch.

Các mặt hàng nhu yếu phẩm thiết yếu cơ bản đã trở lại ổn định, riêng mặt hàng rau xanh vẫn còn ít và khan hiếm. Ảnh minh hoạ

Đồng thời, thị trường ổn định, không có tình trạng găm hàng, đẩy giá, đảm bảo ổn định giá các mặt hàng, đặc biệt là lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu, vật tư y tế và các mặt hàng phục vụ sửa chữa công trình xây dựng, sửa chữa điện, điện tử, máy, thiết bị và đồ gia dụng. Trong ngày, QLTT các tỉnh không phát hiện vi phạm.

Bên cạnh đó, tại các tỉnh bị ngập lụt nặng trước bão số 9 gồm Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam đến nay đã tiếp tục dự trữ hàng hóa lương thực, thực phẩm và các mặt hàng nhu yếu phẩm khác đợt 2 để sẵn sàng cho mùa mưa bão năm nay. Đồng thời, lực lượng Quản lý thị trường cũng tăng cường kiểm tra, kiểm soát các hoạt động thương mại; giá các mặt hàng nhu yếu phẩm thiết yếu tại các tỉnh ngập lụt trước bão số 9 đã trở về mức giá trước khi lũ lụt xảy ra. Riêng có mặt hàng rau, củ, quả, tuy giá đã giảm mạnh nhưng hiện đang còn tăng khoảng 2.000 - 5.000 đồng/kg, thịt lợn tăng 5.000 - 10.000 đồng/kg so với giá trước lũ lụt.

Đơn cử, tại tỉnh Nghệ An, thời tiết trên địa bàn tỉnh đã tạnh ráo trở lại, nước đã rút tại hầu hết các điểm ngập lụt trên địa bàn. Tình hình thị trường vẫn giữ ổn định, hàng hóa đáp ứng được nhu cầu của nhân dân. Không có biến động bất thường về giá, Giá các mặt hàng rau có tăng, giá các mặt hàng thiết yếu lương thực thực phẩm, gạo, mỳ tôm, sữa, xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, thực phẩm công nghệ vẫn giữ ổn định.

Tại tỉnh Quảng Nam, tình hình thị trường đã dần ổn định sau bão. Thời tiết hôm nay nắng ấm trở lại, tại thời điểm này công tác khắc phục thiệt hại sau bão của người dân đã được cơ bản, dần quay trở lại ổn định cuộc sống. Trong ngày, hầu hết các cơ sở kinh doanh, các chợ lớn và chợ dân sinh đã hoạt động bình thường.

Các đại lý, các nhà phân phối đã vận chuyển các loại hàng hóa thiết yếu đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Các mặt hàng nhu yếu phẩm thiết yếu cơ bản đã trở lại ổn định, riêng mặt hàng rau xanh vẫn còn ít và khan hiếm hơn do mưa lớn và bão kéo dài. Một số loại rau xanh như rau cải, mồng tơi, rau lang tại các chợ đã bán trở lại nhưng số lượng ít nên giá vẫn tăng 3.000 đ/bó; thịt lợn tăng 10.000 đ/kg so với trước bão.

Tại tỉnh Quảng Ngãi, ngày hôm nay (3/11), hệ thống điện được khắc phục tại một số địa phương, các nhà máy cán, dập tole đã hoạt động trở lại; các lô hàng ngói lợp, tấm lợp đã được nhà phân phối chuyển về Quảng Ngãi, đã góp phần giải quyết hiện tượng thiếu hụt hàng cục bộ trên địa bàn tỉnh. Mặt khác, Sở Công Thương đã phối hợp với các địa phương kêu gọi vận động doanh nghiệp dập, cán tole của các địa phương ngoài tỉnh lắp đặt các trạm dập, cán tole di động, sử dụng máy phát điện tại chỗ để kịp thời cung ứng nhu cầu của nhân dân.

Thị trường đang dần ổn định, đến nay giá cả mặt hàng vật liệu xây dựng, sức mua giảm, dần ổn định và không còn biến động nhiều so với trước bão. Mặt hành máy phát điện ổn định, nhu cầu mua bán đã giảm vì ngày càng nhiều khu vực đã có điện trở lại. Thị trường xăng dầu và gas vẫn ổn định. Giá của nhóm mặt hàng lương thực đóng gói sẵn, đồ điện gia dụng vẫn ổn định, riêng giá rau, củ, hải sản, thịt bò vẫn giữ ở mức tăng 5 - 10% so với trước bão.

Tại tỉnh Bình Định, tình hình thị trường các cơ sở kinh doanh đã trở lại hoạt động bình thường, hàng hóa đủ cung cấp cho nhân dân, qua kiểm tra cho thấy không xảy ra tình trạng lợi dụng thiên tai để tăng giá.

Để chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả, giảm thiểu tối đa thiệt hại, ngày 29-10, Bộ Công Thương đã ra công điện khẩn đề nghị triển khai các phương án cung ứng hàng hóa lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu và các mặt hàng phục vụ sửa chữa công trình xây dựng, đảm bảo đủ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, nhất là những khu vực bị chia cắt, cô lập.

Ngay sau đó, Tổng cục Quản lý thị trường cũng có chỉ đạo đề nghị các lực lượng tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại; kiên quyết không để tình trạng găm hàng, đẩy giá; giữ ổn định giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu và các mặt hàng phục vụ sửa chữa công trình xây dựng, sửa chữa điện, điện tử, máy, thiết bị và đồ gia dụng. Đồng thời, tập trung  xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại tại địa phương.

Sửa chữa, khôi phục và cung cấp điện trở lại cho 319 xã

Kể từ khi xảy ra mưa lũ đầu tháng 10 đến thời điểm trước khi bão số 9 đổ bộ, đã khôi phục, cung cấp điện trở lại cho 319 xã, cụ thể: Hà Tĩnh 90 xã, Quảng Bình 114 xã, Quảng Trị 77 xã, Thừa Thiên - Huế 27 xã/phường, Quảng Nam 11 xã. Đến nay, đã  vận hành nguồn điện, lưới điện; các nhà máy hoạt động bình thường. Sự cố đường dây truyền tải đã được khôi phục xong ngay sau khi bão đi qua.

Do sự cố và chủ động cắt điện tại các tỉnh để đảm bảo an toàn cho con người, thiết bị, ngay sau bão đi qua, cùng với 11 xã bị mất điện do ngập lụt chưa khôi phục xong trước bão số 9 thì tổng số xã bị mất điện là 725 xã tại các tỉnh: Quảng Bình: 19 xã, Quảng Trị: 90 xã, Thừa Thiên - Huế: 56 xã, Đà Nẵng: 17 phường, Quảng Nam: 233 xã, Quảng Ngãi: 168 xã, Bình Định: 60 xã, Phú Yên: 15 xã, Gia Lai: 37 xã, Đắk Lắk: 4 xã, Kon Tum: 26 xã.

Tính đến trước kỳ báo cáo này; đã khôi phục, cung cấp điện trở lại cho 628 xã, mất điện tại 97 xã. Đêm qua và hôm nay đã khôi phục, cung cấp điện cho 57 xã, hiện đang mất điện tại 40 xã, cụ thể: Quảng Nam mất điện 11 xã (khôi phục, cung cấp điện trở lại cho 39 xã), Quảng Ngãi: 29 xã (khôi phục, cung cấp điện trở lại cho 17 xã), Bình Định: khôi phục, cung cấp điện trở lại 1 xã, đã cấp điện cho toàn tỉnh, Kon Tum: khôi phục, cung cấp điện trở lại cho 3 xã. Hiện tại, EVN đang tiếp tục huy động các nguồn lực để kiểm tra và khôi phục để cấp điện nhanh nhất 40 xã nêu trên khi đảm bảo các điều kiện về an toàn.

Như vậy kể từ khi mưa bão gây ngập lụt miền Trung từ đầu tháng 10 đến thời điểm báo cáo, đã khôi phục, cung cấp điện trở lại cho 1.004 xã, đang còn mất điện tại 40 xã tại 2 tỉnh gồm: Quảng Nam, Quảng Ngãi. Các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Phú Yên, Bình Định, Gia Lai, Đắk Lắk, Kon Tum đã khôi phục xong, cung cấp điện cho toàn tỉnh. (Trân Trân)

Lưu Hiệp
.
.
.