Làm nông nghiệp thời… 4.0

Chủ Nhật, 19/01/2020, 10:14
Trong thời của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trí tuệ nhân tạo (AI) phát triển mạnh mẽ, không cần sở hữu một thửa ruộng nào cũng có thể làm nông nghiệp… ngon lành.

Xưa nay, người ta hay quen nghĩ, khi “dấn thân” vào làm nông nghiệp, đòi hỏi cơ bản là phải sở hữu trong tay tư liệu sản xuất – đó là đất. Khi muốn thực hiện dự án sản xuất nông nghiệp công nghệ cao hay chăn nuôi tập trung, doanh nghiệp vẫn hay đòi hỏi từ địa phương về quỹ đất sạch, hoặc chính sách ưu đãi nào đó. Tuy nhiên, thời của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trí tuệ nhân tạo (AI) phát triển mạnh mẽ, không cần sở hữu một thửa ruộng nào cũng có thể làm nông nghiệp… ngon lành.

Công nghệ 4.0 đã tạo ra một hãng vận chuyển hàng đầu thế giới không sở hữu một chiếc xe nào, hay một tập đoàn thương mại điện tử lớn không có một kho hàng nào… thì tại sao không thể có một doanh nghiệp sản xuất lúa gạo hàng đầu thế giới không sở hữu một thửa ruộng nào?

Tập đoàn lúa gạo không có… cục đất chọi chim

Chia sẻ câu chuyện ở trên, ông Nguyễn Thanh Mỹ, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty Rynan Technologies Vietnam cho biết, con người hiện đang sống trong một thế giới mới, thế giới của công nghệ 4.0, nơi công nghệ có thể tạo ra mọi sự đột phá phục vụ mọi khía cạnh đời sống, kinh tế và xã hội. Dẫn chứng điều này, ông Mỹ chia sẻ: “Công nghệ 4.0 đã tạo ra hãng vận chuyển hàng đầu thế giới không sở hữu một chiếc xe nào, một tập đoàn thương mại điện tử không cần sở hữu kho hàng hay một công ty cung cấp dịch vụ lưu trú lớn nhất thế giới không sở hữu một căn hộ nào… Vậy, công ty sản xuất lúa gạo lớn nhất thế giới không sở hữu một thửa ruộng nào có được không?”, ông đặt câu hỏi và nói rằng hoàn toàn có thể làm được nhờ vào công nghệ 4.0. Theo ông Mỹ, trong quá khứ, “cá lớn sẽ nuốt cá bé”. Nhưng ở thế giới công nghệ 4.0, chỉ có “cá bơi nhanh nuốt con cá bơi chậm”. “Công nghệ 4.0 sẽ giúp chúng ta bơi nhanh, nếu biết tận dụng nó”, ông Mỹ nhấn mạnh và cho rằng công nghệ 4.0 nó sẽ giúp tạo đột phá trong mọi lĩnh vực, kể cả sản xuất lúa gạo.

Với công nghệ 4.0, hoàn toàn có thể tạo ra một công ty sản xuất lúa gạo nhưng không cần sở hữu thửa ruộng nào.

Cuối năm 2015, ông Mỹ khởi nghiệp xây dựng Rynan Technologies Vietnam. “Trong khoảng thời gian qua, chúng tôi đã xây dựng công ty sản xuất 20.000 tấn phân bón thông minh ở Trà Vinh”, ông cho biết và giải thích loại phân này chỉ cần bón một lần/vụ và chất dinh dưỡng sẽ được cung cấp đúng vào những thời điểm cây lúa cần. Ngoài ra, Rynan Technologies Vietnam cũng đã sản xuất những thiết bị 4.0 phục vụ vào quá trình sản xuất lúa như phao quan trắc thông minh và những thiết bị khác phục vụ sản xuất lúa gạo có thể kết nối, điều khiển bằng thiết bị di động thông qua kết nối Internet vạn vật (IoT). “Trong quá trình đó, chúng tôi có cái may mắn là được hỗ trợ của tỉnh Đồng Tháp, cho nên, thử nghiệm thực tế có kết quả rất tốt”, ông Mỹ cho biết. Thông qua những thiết bị hỗ trợ thông minh, quá trình canh tác lúa sẽ không cần phải ra đồng, tất cả mọi thứ sẽ được thực hiện thông qua thiết bị di động. “Chẳng hạn, ngồi nhà cũng có thể bơm nước lên ruộng, uống cà phê cũng có thể bơm nước hay thậm chí đi ngủ cũng có thể làm được”, ông Mỹ dẫn chứng.

Vậy một công ty sản xuất lúa gạo lớn nhất thế giới không sở hữu một thửa ruộng sẽ được thực hiện như thế nào?. Ông Mỹ cho biết, thông qua một ứng dụng (app) được cài đặt trên thiết bị di động, người nông dân có thể ký hợp đồng trực tiếp với Rynan Technologies Vietnam để đơn vị này thực hiện canh tác lúa thay cho nông dân. Trong khi đó, người nông dân cũng không phải “mất công” giao dịch trực tiếp với Rynan Technologies Vietnam, mà chỉ cần thao tác chuyển khoản (tiền) trên thiết bị di động. Sau khi hợp đồng sản xuất lúa gạo đã được ký kết giữa người nông dân với Rynan Technologies Vietnam, thì nhờ vào những thiết bị hỗ trợ canh tác lúa tự động như nêu ở trên, quá trình sẽ diễn ra khá thuận lợi, được điều khiển chỉ thông qua thao tác chạm lên thiết bị di động. Điều này, có nghĩa một công ty sản xuất lúa gạo lớn nhất thế giới nhưng không sở hữu một thửa ruộng nào là hoàn toàn có thể, đây sẽ là xu hướng sản xuất  mới trong bối cảnh công nghệ 4.0.

Máy bay không người lái được ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp.

“Cây xoài nhà tôi” trong vườn người ta

Cách đây đúng một năm, hai doanh nhân tham gia đoàn “Famtrip Đồng Tháp - Đi để khởi nghiệp” đã rất hào hứng với mô hình “Cây xoài nhà tôi” bằng việc ký kết với HTX xoài Mỹ Xương (Đồng Tháp) để mua hai cây xoài ngay trong lần đầu tìm hiểu mô hình sản xuất này. Ông Đặng Thế Hiền, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Minh Quang Mekong và ông Dương Long Thành, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP địa ốc Thắng Lợi là hai người đã quyết định mua hai cây xoài trong mô hình “Cây xoài nhà tôi” của HTX xoài Mỹ Xương.

Vậy mô hình cây xoài nhà tôi có gì hấp dẫn? Ông Lê Chí Thiện, Phó chủ tịch UBND huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp giải thích, ý tưởng kinh doanh mô hình “Cây xoài nhà tôi” ra đời bước đầu nhằm mục đích giới thiệu đến khách hàng sản phẩm xoài Cao Lãnh và sau đó là kết hợp với du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm. Sau khi HTX liên kết với các hộ dân có nhu cầu tham gia “Cây xoài nhà tôi” thì những cây được chỉ định bán sẽ được lên danh sách, đánh mã số. “Sau đó HTX tổng hợp đưa lên trang web xoài Cao Lãnh (xoaicaolanh.com.vn)”, ông Thiện cho biết và nói rằng khi khách hàng chọn được cây ưng ý chỉ cần “click” (nhấp chuột) vào mã cây nào đó đặt hàng, HTX sẽ liên hệ để hoàn tất thủ tục bán cây. Người mua có trách nhiệm hoàn tất việc thanh toán tiền. HTX sẽ làm cầu nối giữa nhà vườn và khách hàng trong việc thông tin về tình hình phát triển của cây xoài bằng cách cập nhật thường xuyên hình ảnh cây xoài đến khách hàng thông qua mạng Internet như email, zalo, viber, thậm chí có thể livetream…

Khách hàng bên cây xoài đã mua trong mô hình “Cây xoài nhà tôi”.

Theo ông Thiện, tùy vào độ lớn của từng cây mà có mức giá bán khác nhau và hình thức bán là một năm (hai vụ thu hoạch).  “Ví dụ, cây xoài vừa bán cho Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam ước tính cho sản lượng 400kg/năm, thì nhân với giá thành ra giá của cả cây”, ông dẫn chứng. Trách nhiệm của nhà vườn là chăm sóc cây xoài của khách hàng đã mua xuyên suốt quá trình cho đến khi thu hoạch, phải đảm bảo cho cây xoài ra hoa, đậu trái. “Trường hợp xảy ra mưa gió thất thường, không đảm bảo năng suất như đã ký hợp đồng thì nhà vườn có trách nhiệm bù lỗ đến mức đạt 70%, tức cây xoài bán ước tính có sản lượng 100kg nhưng thời tiết bất lợi dẫn đến không đạt mức đó thì nhà vườn bù lỗ cho đạt đến 70 kg”, ông Thiện cho biết và nói rằng trường hợp năng suất cao hơn thì người mua được hưởng trọn. Nếu khách hàng có nhu cầu chăm sóc cùng nhà vườn để trải nghiệm làm nông dân, thì vẫn có thể đến cùng chăm sóc cây xoài hoặc đến cùng hái trái khi thu hoạch. Trường hợp khách không đến thu hoạch xoài được thì HTX sẽ vận chuyển đến tận nơi khách hàng yêu cầu. “Đặc biệt, khách hàng có thể rủ bạn bè, gia đình đến thăm cây xoài, ăn uống… thì nơi đây vẫn phục vụ khách hàng”, ông Thiện cho biết thêm, đây là một dịch vụ nhằm gắn kết với phát triển du lịch, tăng thêm thu nhập cho người dân.

Ông Đoàn Thanh Hiền, chủ vườn xoài trong HTX Mỹ Xương cho biết, về chất lượng, sản phẩm được sản xuất theo quy trình VietGap (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt) nên khách hoàn toàn có thể yên tâm về chất lượng. “Khi đặt mua bán như thế này, nghĩa là người sản xuất biết ai mua xoài của mình, trong khi người mua cũng biết rõ ai trồng và chăm sóc cây nên chúng tôi không thể nào làm ăn gian dối được”, ông cho biết.

Theo ông Lê Chí Thiện, sau thành công bước đầu của mô hình “Cây xoài nhà tôi”, huyện này đang mở rộng sang mô hình “Cây cam vườn tôi” và “Ruộng nhà mình” hứa hẹn sẽ tạo ra những đột phá mới cho ngành nông nghiệp huyện Cao Lãnh nói riêng và tỉnh Đồng Tháp nói chung.

Trung Chánh
.
.
.