Sớm sửa đổi quy định về bổ sung vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm

Thứ Bảy, 07/07/2018, 08:27
Nghị định 09/2016/NĐ-CP của Chính phủ (gọi tắt Nghị định 09) quy định các doanh nghiệp (DN) phải bổ sung vi chất dinh dưỡng vào trong sản xuất chế biến thực phẩm. 

Tuy nhiên, khi Nghị định áp dụng thực tiễn bên cạnh những mặt được trong công tác quản lý, thì cũng nảy sinh những bất cập, khiến các DN gặp khó khăn.

Nghị định 09 quy định “muối dùng để ăn trực tiếp, dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường I-ốt” (có hiệu lực từ 28-1-2017) đã có những bất cập ngay từ khi còn là dự thảo. Bởi, việc bắt buộc bổ sung i-ốt vào tất cả nước mắm là không phù hợp, vì nước mắm Phú Quốc đã được bảo hộ ở Việt Nam 17 năm, châu Âu 6 năm.

Việc sử dụng muối i-ốt vào trong nước mắm truyền thống sẽ làm thay đổi chất lượng cảm quan như màu, mùi, vị đặc trưng của nước mắm Phú Quốc. Sự thay đổi này gây hệ lụy là sản phẩm làm ra không bán được sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến DN sản xuất nước mắm và hình ảnh của Việt Nam cũng sẽ bị mất uy tín tại trường châu Âu. Bởi thực tế, nước mắm Phú Quốc đã có muối i-ốt.

Không phải thực phẩm nào khi chế biến cũng cần bổ sung vi chất dinh dưỡng, vì phản ứng sinh hóa có thể xảy ra.

Ông Nguyễn Hoài Nam - Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, quy định bổ sung muối i-ốt cũng khiến các DN gặp rất nhiều khó khăn. Với hàng xuất khẩu, các DN phải làm một thủ tục hành chính bất đắc dĩ là gửi thư kèm theo đơn hàng để khẳng định lô hàng này không dùng muối i-ốt; Tương tự, DN bán hàng nội địa cũng rất vất vả để làm sao cho khách hàng hiểu được sự thay đổi này.

“Hiện nay, khoảng 40% dân số Việt Nam có rủi ro thiếu i-ốt, chỉ 2,2% trong đó là thiếu nặng. Nhưng không thể bằng quyết định hành chính mà bắt cả 60% dân số còn lại có đủ i-ốt phải tăng cường i-ốt. Vậy việc dư i-ốt sẽ phát sinh những bệnh liên quan như thế nào thì ngành Y tế hiểu rõ hơn ai hết. Nhiều khi chúng tôi nói vui với nhau, quy định này cũng giống như trong nhà chỉ có một người bị viêm họng nhưng lại bắt cả gia đình uống kháng sinh”, ông Nam nêu quan điểm.

Thực tế, quy định bổ sung i-ốt trong chế biến thực phẩm đã ảnh hưởng đến DN rất nhiều ngành nghề như: Thủy sản, nước chấm, rau củ quả sấy khô, thịt gia cầm sấy, các sản phẩm từ ngũ cốc sấy, các loại bột gia vị, bột chế biến sẵn để làm bánh ngọt và thực phẩm, các sản phẩm ăn liền...

Các DN cho rằng, có nhiều loại thực phẩm không thể sử dụng muối i-ốt trong chế biến, vì khi sử dụng sản phẩm sẽ bị biến mùi, vị, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, i-ốt dễ tương tác với các thành phần khác trong thực phẩm và sẽ biến đổi khi gặp nhiệt.

Ngoài quy định bổ sung i-ốt, Nghị định 09 cũng quy định bổ sung sắt và kẽm vào trong bột mì dùng chế biến thực phẩm. Quy định này cũng bất cập, khi các DN Việt Nam yêu cầu nhà cung cấp bổ sung sắt, kẽm thì họ không chấp nhận.

Ông Asahira Keita, Phó Giám đốc khối marketing Công ty Cổ phần Acecook Việt Nam (sản xuất mì ăn liền) nêu lên thực trạng của công ty: Thực hiện Nghị định 09, công ty sử dụng bột mì có bổ sung sắt, kẽm, thì vắt mì bị xỉn màu, sợi mì không còn độ dai vốn có như trước đây. Với cảm quan và thực cảm bị giảm rõ rệt như vậy đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh thu của DN.

Hiện công ty xuất khẩu sang 40 nước trên thế giới, nhưng có rất nhiều nước cấm bỏ sắt, kẽm vào trong bột mì. Nếu DN muốn bỏ sắt, kẽm, vào bột mì thì phải xin phép nước nhập khẩu nhưng thủ tục vô cùng rắc rối. Thông tin thay đổi cũng buộc phải ghi rõ trên bao bì, điều này khiến NTD lo ngại.

Vì vậy, để giữ thị trường, công ty chọn giải pháp sản xuất bột mì có sắt, kẽm thì tiêu thụ nội địa, còn bột mì không bổ sung sắt, kẽm thì xuất khẩu. Tuy nhiên, giải pháp này cũng “phá sản” do công ty sản xuất công nghiệp đại trà, nên không thể phân chia riêng cho từng thị trường. Vì vậy, với những nước xuất khẩu cấm bổ sung sắt, kẽm thì công ty ngưng xuất, coi như công trình mấy chục năm làm thị trường... mất trắng.

“Hiện nay, khả năng cạnh tranh xuất khẩu của DN Việt Nam thua những nước xung quanh như Thái Lan, Philippines, Indonesia... do họ không bị ràng buộc luật như ở Việt Nam. Vì vậy, DN mong muốn được giải quyết dứt điểm vấn đề này để DN sớm vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất, xuất khẩu”, đại diện Công ty Acecook Việt Nam chia sẻ.

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội lương thực, thực phẩm TP Hồ Chí Minh (FFA) cho biết, trong thời gian qua Công ty Acecook Việt Nam gặp vướng mắc nhiều nhất trong việc bổ sung các vi chất từ muối vào gói bột nêm, bổ sung kẽm, sắt vào trong bột mì.

Acecook Việt Nam là DN FDI, tiêu thụ trong nước mỗi năm 5,9 tỷ gói mì (sản lượng chiếm hơn 60%), nên khi chính sách có những bất cập thì sẽ tác động rất lớn đến hoạt động của các DN FDI.

Về phía nhà khoa học, TS Vũ Thế Thành, chuyên gia độc lập, Thành viên Hội đồng tư vấn Khoa học thuộc Ban Quản lý ATTP TP Hồ Chí Minh cho rằng, hiện nay chỉ có Australia yêu cầu trộn i-ốt vào bánh mì (trừ bánh mì hữu cơ), còn lại hầu như chưa có quốc gia nào buộc DN phải bổ sung i-ốt.

Họ cũng quy định, DN sử dụng muối i-ốt để chế biến thực phẩm thì phải kê khai trên nhãn, vì có những người bị bệnh cường giáp phải hạn chế dùng i-ốt. Thiếu hay thừa i-ốt đều bất lợi cho sức khỏe. Không thể lấy việc khảo sát ở một vài vùng nào đó rồi bắt toàn dân phải dùng muối i-ốt cũng như ép DN phải bổ sung i-ốt trong thực phẩm, điều này là bất hợp lý.

Được biết, sau những phản hồi của các Hiệp hội DN, ngày 15-5-2018 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 19-2018/NQ - CP (gọi tắt Nghị quyết 19), trong đó Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Nghị định 09 về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm. 

Việc sửa đổi này theo hướng, bãi bỏ quy định “muối dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường iốt” và “bột mì dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường sắt và kẽm”.

Thay vào đó chỉ nên khuyến khích DN chế biến thực phẩm sử dụng mà thôi. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, Bộ Y tế vẫn chưa thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao, trong khi cộng đồng DN đang sốt ruột từng ngày, từng giờ.                   

TS Đỗ Việt Hà, Ủy viên Ban chấp hành Hội Hóa học TP Hồ Chí Minh cũng khuyến cáo: “Cần hết sức cẩn thận trong việc bắt buộc bổ sung sắt, kẽm trong bột mì. Vì quy định này có thể cản trở quá trình, công nghệ trong chế biến thực phẩm. Mặt khác, khi bổ sung những chất này vào thực phẩm, phản ứng sinh hóa có thể xảy ra, gây nguy hiểm”. Theo TS Đỗ Việt Hà, có những thực phẩm sẽ bị biến đổi khi đưa i-ốt vào. Vì vậy, không nên bắt buộc tất cả các loại thực phẩm chế biến phải sử dụng i-ốt.
Thúy Hà
.
.
.