"Sáng tối" thương trường: Định hướng xuất khẩu bền vững

Thứ Hai, 13/03/2017, 08:36
Nhận định XK sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn, cùng với các bộ, ngành, sau những chuyến đi thị sát, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt những giải pháp cụ thể để gỡ khó và thúc đẩy XK bền vững.

Ông Đào Anh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, gói tín dụng 50.000 tỷ đồng đã được Ngân hàng Nhà nước giao cho Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Agribank) ưu tiên "bơm" cho các hộ cá thể, tư nhân, hộ gia đình, HTX, DN. Lãi suất của gói 50.000 tỷ đồng này ưu đãi 1,5% so với lãi vay thông thường. 

Chia sẻ những khó khăn của DN, tại Hội nghị Xây dựng nền công nghiệp nông nghiệp được tổ chức vào trung tuần tháng 12-2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nói sẽ "cởi trói" vốn cho các DN nông nghiệp áp dụng công nghệ cao. 

Thủ tướng cho rằng, CNH-HĐH nông thôn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu cho CNH-HĐH đất nước. Việc áp dụng công nghệ cao vào nông nghiệp là việc làm bức thiết, nhằm từng bước đưa Việt Nam vào danh sách những quốc gia có nền nông nghiệp phát triển hàng đầu thế giới. Chính phủ sẽ ưu tiên hỗ trợ, tạo điều kiện về đất đai, vốn… cho bất cứ hộ nông dân, địa phương, DN nào làm nông nghiệp công nghệ cao. 

Chế biến thủy sản xuất khấu. Ảnh minh họa.

Ngoài Ngân hàng Agribank, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo thêm 5 ngân hàng thương mại lớn thực hiện cho vay vốn ưu đãi lãi suất, tạo điều kiện thông thoáng cho các đối tượng vay sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

Sau những cam kết quý giá kể trên, tại Hội nghị phát triển ngành tôm Việt Nam được tổ chức tại Cà Mau vào đầu tháng 2-2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt mục tiêu quyết tâm chậm nhất là đến năm 2025 kim ngạch XK tôm phải đạt 10 tỷ USD, Việt Nam mà trước hết là ĐBSCL phải là “thủ phủ tôm” thế giới. 

Ủng hộ quyết tâm của Thủ tướng, TS Nguyễn Trọng Uyên, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch và Thiết kế Nông nghiệp (thuộc Bộ NN&PTNT) cho rằng để phát triển chiến lược ngành tôm Việt Nam, cần chú trọng hơn nữa các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu, đẩy mạnh giải quyết thiếu nước mặn và ngọt tại các vùng nuôi tôm sinh thái và rải vụ… 

Ông Nguyễn Văn Kịch, nguyên Chủ tịch Ủy ban Tôm thuộc Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam nhận định: “Phát triển nguồn nhân lực chế biến tôm cũng là vấn đề cấp thiết cần được chú trọng. Ngoài một số khâu sử dụng máy móc như đông lạnh hay luộc thì chế biến tôm cần sử dụng nhân lực thủ công bởi nếu sử dụng máy móc, con tôm dễ bị hư, chi phí cao, chất lượng kém…”. 

Trong bối cành các ngành gia công và sản xuất khác cũng đang “khát” nhân lực, thì vấn đề cung cấp đủ số lượng nhân lực chế biến tôm cho mục tiêu “10 tỷ USD” của Việt Nam cũng là một vấn đề cần cân nhắc và đưa các giải pháp theo từng lộ trình phát triển của ngành.

Để giải bài toán bảo đảm mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu năm 2017 và các năm tiếp theo, các chuyên gia cho rằng, DN cần xác định lại định hướng tăng trưởng của các ngành hàng để có hướng đi phù hợp. Với mặt hàng gạo, trong năm 2016 kim ngạch XK tụt dốc không phanh và cũng là năm đầu tiên bị ngành rau quả XK vượt mặt. 

Đầu năm 2017, một tín hiệu tích cực đã mở ra cơ hội cho XK gạo đó là việc Bộ trưởng Bộ Công thương đã bãi bỏ quy định khống chế số lượng tối đa 150 DN đầu mối được XK gạo, bỏ quy định khống chế địa bàn đầu tư xây dựng kho chứa, cơ sở xay, xát thóc gạo… Bỏ quy định về thành tích XK gạo hàng năm. Đây được đánh giá là một động thái rất tích cực về mặt chính sách nhằm tháo gỡ rào cản đang làm khó các thương nhân XK gạo. 

Và, XK thay vì chạy theo số lượng 7 - 8 triệu tấn/năm như lâu nay, thời gian tới DN giảm lượng gạo XK xuống chỉ còn  2 - 3 triệu tấn/năm nhưng phải tập trung vào chất lượng và giá trị. 

Với mặt hàng thủy sản, theo Vasep, năm 2017 cũng là năm Quốc hội đưa vào Nghị quyết giám sát tối cao về an toàn thực phẩm. Do đó, Bộ NN&PTNT sẽ tập trung quyết liệt hơn trong việc kiểm soát tồn dư chất kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản, chấm dứt hoàn toàn tệ nạn bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu. 

Ngoài ra, ngành sẽ tập trung nghiên cứu để chủ động sản xuất được nguồn giống tôm bố mẹ trong nước theo hướng sạch bệnh, kháng bệnh, tăng trưởng, tăng năng suất cho trên 500.000ha tôm nuôi…

TS. Trần Toàn Thắng, Phó Ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, khi Chính phủ hoặc các cơ quan ban ngành đưa ra một tín hiệu nào đó thì phải đồng nhất, phải thể hiện rõ quyết tâm. 

Bởi vì, ông có trao đổi rất nhiều với học giả nước ngoài họ nói về văn bản chính sách của Việt Nam giống như vào 1 phòng khách tòa nhà rất hoành tráng, rất đầy đủ, mọi thứ có hết rồi. Nhưng khi chúng ta đi sâu hơn thì thấy rất nhiều vấn đề. “Ở Việt Nam, vấn đề ở đây không phải chỉ là câu chuyện chính sách mà là câu chuyện thực hiện”, ông Thắng nhận định.

Nhóm PV
.
.
.