Sàng lọc kỹ nhà đầu tư để tránh rủi ro trong xuất nhập khẩu

Thứ Ba, 21/05/2019, 09:23
Nếu các Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam đã ký kết, mức cắt giảm thuế cao nhất cũng chỉ đạt 80-90%, nhưng với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) thì mức giảm thuế gần như 100%.

Đây là cơ hội của các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu (XK). Đón đầu cơ hội này, nhiều DN nước ngoài đã tìm đến đầu tư tại Việt Nam để được hưởng thuế ưu đãi. 

Mới đây nhất, Mỹ chính thức tăng thuế lên 25% với 200 tỷ USD hàngTrung Quốc khiến cuộc chiến thương mại Trung - Mỹ hết sức căng thẳng dẫn đến xu hướng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam ngày càng mạnh mẽ. 

Vì vậy, trước “làn sóng” đầu tư ồ ạt, cần có sự sàng lọc nhà đầu tư có năng lực để tránh rủi ro bị các nước XK áp đặt các biện pháp phòng vệ thương mại.

Ngành dệt may nằm trong top những mặt hàng hưởng lợi lớn trong CPTPP.

“Trong 10 quốc gia thành viên CPTPP, có 3 quốc gia chưa có FTA với Việt Nam hoặc khu vực (trước khi ký CPTPP) gồm: Canada, Mexico, Peru. Cả 3 quốc gia này rất quan trọng, đặc biệt là Canada có nhiều triển vọng nhất cho Việt Nam”, ông Phạm Thiết Hòa – Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TP Hồ Chí Minh (ITPC) khẳng định.

Theo phân tích của ông Hòa, khi chưa có CPTPP, Việt Nam luôn xuất siêu sang Canada với xu thế kim ngạch năm sau luôn cao hơn năm trước. Nay đã có CPTPP, với rất nhiều ưu đãi thì đây chính là cơ hội lớn cho DN Việt. 

Trong năm 2018, kim ngạch xuất nhập khẩu của 2 nước đạt 3,87 tỷ USD (tăng 10,2% so với 2017), Việt Nam xuất siêu sang Canada hơn 2,1 tỷ USD. Các mặt hàng có kim ngạch XK lớn nhất của Việt Nam sang Canada gồm: Dệt may tăng trưởng 19,8%, giày dép tăng trưởng 13%,... Với CPTPP, Canada cam kết cắt giảm ngay 95% dòng thuế (tương ứng 78% kim ngạch XK của Việt Nam sang Canada) ngay khi thực hiện Hiệp định. 

Tương tự, Mexico cam kết xóa bỏ ngay 77,2% số dòng thuế (tương đương 36,5% kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam) và Peru cam kết cắt giảm 80,7% dòng thuế (tương đương 62,1% kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam) ngay sau khi có Hiệp định.

Đặc biệt, với các thị trường mà Việt Nam đã có kim ngạch XK lớn trước khi ký CPTPP, nay việc giảm thuế mạnh từ CPTPP đã tạo cú huých để hàng Việt thâm nhập ngày càng sâu rộng hơn vào các thị trường này. 

Như thị trường Nhật Bản, hàng hóa của Việt Nam XK sang Nhật Bản chiếm đến 51% trong tất cả 10 nước CPTPP. Với CPTPP, Nhật Bản cam kết xóa bỏ 86% dòng thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực (93,3% kim ngạch XK của Việt Nam vào Nhật). Đặc biệt, với mặt hàng dệt may được xóa bỏ 98,8% thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực. 

“Với FTA, dù cỡ nào đi nữa thì cũng chỉ giảm thuế 80-90%, nhưng với CPTPP giảm tới 100%. Đây là sân chơi rất bình đẳng, rất cơ hội để DN phát triển”, ông Hòa khẳng định.

Với tác động của Hiệp định CPTPP, ngành nào được hưởng lợi nhiều nhất? Ông Hòa cho biết: 

Ngành da giày XK vào 4 nước: Australia, Canada, Nhật Bản, Mexico có mức tăng trưởng tốt, mặc dù mức bảo hộ của ngành da giày ở các nước này còn rất cao. Khi CPTPP giảm thuế mạnh thì cơ hội cho ngành da giày vào các thị trường này rất lớn. 

Còn ngành chế biến thực phẩm, đây là ngành rất tiềm năng do Việt Nam có sẵn nguồn nguyên liệu, đặc biệt là nông sản nên đáp ứng được quy tắc xuất xứ hàng hóa, một trong những điều kiện tiên quyết để hưởng thuế ưu đãi. 

Bên cạnh đó, ngành dệt may, tốc độ tăng trưởng XK dự báo sẽ ở mức cao từ 8,3%-10,8%, và vẫn còn rất nhiều cơ hội cho ngành này tại thị trường CPTPP. Đặc biệt, đa số hàng thủy sản Việt Nam có thế mạnh được hưởng thuế suất 0% ngay sau khi CPTPP có hiệu lực.

Với những ưu đãi thuế từ CPTPP, CP Foods (thuộc một tập đoàn lớn của Thái Lan) đã có kế hoạch “rót” thêm 200 triệu USD vào Việt Nam để xây dựng trung tâm XK thịt lợn và gia cầm tại Việt Nam, mục đích là để tận dụng được những ưu đãi mà CPTPP mang lại. Khi hoàn thành, nhà máy sản xuất gà sẽ có công suất chế biến khoảng 1 triệu con gà mỗi tuần. 

DN này cũng hướng tới XK thịt, tôm, cá từ Việt Nam sang Nhật Bản và các nước khác. Kể từ khi bước chân vào thị trường Việt Nam năm 1993, CP Foods đã đầu tư khoảng 1 tỷ USD và đặt mục tiêu đạt 15% doanh thu từ Việt Nam bằng cách mở rộng hoạt động, đầu tư thêm các nhà máy chế biến.

Tại một diễn đàn dệt may toàn cầu vừa tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, nhiều chuyên gia kinh tế khẳng định, năm 2019, Việt Nam sẽ là điểm đến hấp dẫn của các DN dệt may ngoại, bởi các lợi thế như nhân công, lao động lành nghề, kỹ thuật tinh xảo, khéo léo. Đặc biệt, những rào cản về thuế tại các thị trường mà Việt Nam có FTA được dỡ bỏ. 

Hiện, đã có nhiều nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc đã dịch chuyển vào thị trường Việt Nam, do rào cản thương mại mà thị trường XK một số nước như châu Âu, Mỹ, đang áp dụng lên hàng hóa dệt may nhập khẩu từ Trung Quốc. 

Thực tế này sẽ tạo động lực đẩy nhanh tiến trình dịch chuyển đầu tư của DN dệt may Trung Quốc vào thị trường Việt Nam, nhằm tận dụng lợi thế và dư địa thị trường XK các FTA mang lại cho Việt Nam. Ước tính Việt Nam sẽ đón làn sóng đầu tư dệt may từ Trung Quốc lên đến 7 tỷ USD.

Thu hút đầu tư nước ngoài là điều cần thiết nhưng các chuyên gia kinh tế cũng cảnh báo, Việt Nam cần tính toán để tận dụng lợi thế trong hấp thụ nguồn lực đầu tư. Trước hết, cần chọn lọc những DN đầu tư công nghệ cao, những DN nước ngoài đầu tư những phân khúc mà chuỗi cung ứng Việt Nam đang thiếu. 

Ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may dẫn chứng: “Với ngành dệt may, chuỗi cung ứng Việt Nam còn thiếu khâu sợi, dệt nhuộm và vải nguyên liệu. Vì vậy, cần sự hợp tác của DN nước ngoài trong những khâu còn yếu như trên chứ không phải việc mua bán thông thường”.

Nhiều chuyên gia cho rằng, cần thận trọng với những DN đầu tư nước ngoài đến Việt Nam chỉ để thực hiện công đoạn cuối là lắp ráp, đóng gói sản phẩm, nhằm tận dụng lợi thế xuất xứ Việt Nam để XK. Những trường hợp này đã từng xảy ra ở một số DN Trung Quốc “đội lốt” hàng Việt Nam XK để lẩn tránh thuế.

Thúy Hà
.
.
.