Sản phẩm Việt, tiêu chuẩn Mỹ và EU đáp ứng xu thế ăn uống mới

Thứ Ba, 09/05/2017, 03:02
“Việc đầu tư nông nghiệp hữu cơ là phù hợp với chủ trương của Chính phủ về tái cơ cấu nền nông nghiệp theo hướng bền vững. Vì vậy, rất khuyến khích sản xuất hữu cơ đạt tiêu chuẩn và có chứng nhận để nâng cao sức cạnh tranh của DN”, đó là phát biểu của ông Trần Thanh Nam – Thứ trưởng Bộ NN&PTNT tại “Lễ công bố hợp tác các đơn vị chuỗi giá trị hữu cơ” và “Lễ công bố thương hiệu và ra mắt thương hiệu Co.op Organic” do Liên hiệp HTX Thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) tổ chức vào sáng 8-5.


Thống kê của Viện Nghiên cứu Nông nghiệp hữu cơ (FiBL), diện tích canh tác, nuôi trồng hữu cơ ở nước ta 5 năm (từ 2010-2015) tăng 3,6 lần (từ 19.000ha lên hơn76.000ha). Hiện nay, sản phẩm hữu cơ không những được tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu sang Nhật, Anh, Đức, Mỹ... Số DN tham gia vào ngành thực phẩm hữu cơ (TPHC) cũng gia tăng, không chỉ mở rộng trong lĩnh vực sản xuất mà còn chuyển sang phát triển ở chuỗi cửa hàng bán lẻ chuyên doanh.

Kết quả khảo sát nghiên cứu người tiêu dùng (NTD) của AC Nielsen về ngành TPHC cho thấy, xu thế ăn uống mới đã hình thành. NTD Việt Nam lựa chọn thức ăn đồ uống có thành phần tốt cho sức khỏe, sản phẩm địa phương, sản phẩm tự nhiên và hữu cơ, không chứa các thành phần nhạy cảm và thực phẩm có thể làm thuốc. Thêm vào đó, những vụ thực phẩm bẩn, không an toàn, kém chất luợng đã xảy ra khiến NTD phải tìm kiếm các nguồn thực phẩm đáng tin cậy và TPHC là sự lựa chọn với xu hướng tiêu dùng thông minh.

Người tiêu dùng mua sản phẩm Organic.

Theo ông Diệp Dũng - Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op, tuy thị trường TPHC được xác định đầy tiềm năng nhưng vướng phải các rào cản lớn. Thứ nhất, hầu hết các đơn vị kinh doanh hữu cơ đều không có những sản phẩm đạt được các chứng nhận từ các tổ chức quốc tế hoặc sản lượng rất hạn chế. Thứ hai, chưa có nhận thức và hiểu biết rõ ràng để phân biệt TPHC và thực phẩm sạch. Thứ ba, giá sản phẩm hữu cơ cao hơn sản phẩm thường vì các chi phí từ khâu sản xuất đến phân phối. Ngoài ra, do không phân biệt được nên NTD cũng e ngại chi tiêu. 

Vì vậy, ông Dũng cho rằng, với nhu cầu cấp bách của thị trường cũng như đánh giá cao tiềm năng phát triển của ngành TPHC trong tương lai gần, Saigon Co.op chủ động tham gia đầu tư vào nông nghiệp hữu cơ là để sản phẩm đến tay NTD có giá tốt nhất, không phải qua trung gian như trước đây, cũng như từng bước nâng cao thu nhập cho người nông dân. Saigon Co.op cũng đầu tư vào một trang trại có trên 300ha sản xuất các sản phẩm nông nghiệp đã được các tổ chức USDA của Mỹ, JAS của Nhật, chứng nhận của Liên minh Châu Âu (EU), Naturland.

Là đối tác với Saigon Co.op trong cung ứng thực phẩm Organic, Tổng Giám đốc Vinamit Nguyễn Lâm Viên nói Vinamit có hơn 70  sản phẩm hữu cơ được USDA của Mỹ, EU chứng nhận nên đây là cơ hội cho cả Saigon Co.op và Vinamit gắn kết đưa TPHC đến người tiêu dùng nội địa. Hiện tại, Vinamit cung cấp 10 sản phẩm rau củ cho Saigon Co.op, bước đầu với khoảng 7 tấn/ngày và sau đó sẽ tăng dần lên. “Việc Co.op mart, đơn vị phân phối đi tiên phong trong đầu tư TPHC là tạo ra sự đột phá, buộc các nhà sản xuất nhỏ lẻ phải xem lại mình”, ông Viên khẳng định.

Sáng 8-5, tại “Lễ công bố hợp tác các đơn vị chuỗi giá trị hữu cơ” và “Lễ công bố thương hiệu và ra mắt thương hiệu Co.op Organic”, Saigon Co.op đưa vào kinh doanh 4 nhóm TPHC Co.op Organic đạt tiêu chuẩn Mỹ và EU tại 7 siêu thị ở TP Hồ Chí Minh.

Các sản phẩm mà Saigon Co.op đưa vào kinh doanh đợt đầu tiên này (gồm 2 loại gạo Jasmine, Japonica; dưa leo, bí đao, cà chua…; cải ngọt, cải xanh, rau muống...; phi lê cá basa và tôm sú) “5 không”, gồm không phân bón hóa học, không thuốc bảo vệ thực vật, không chất kích thích tăng trưởng, không chất bảo quản và không thành phần biến đổi gen.

Thúy Hà
.
.
.