Thực hiện Hiệp định CPTPP:

Rộng cửa cho thủy sản Việt Nam vào khu vực châu Mỹ

Thứ Hai, 01/04/2019, 09:47
Với 11 nước thành viên, CPTPP là hiệp định quan trọng, mang tới nhiều cơ hội cho Việt Nam trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang có nhiều biến động, chủ nghĩa bảo hộ có xu hướng gia tăng.


Trong số các quốc gia tham gia CPTPP, có 4 nước thành viên thuộc khu vực châu Mỹ, bao gồm: Canada, Chile, Mexico và Peru.

Trong số này, có tới 3 nước mà Việt Nam lần đầu tiên có quan hệ FTA là Canada, Mexico và Peru. Đặc biệt, đây đều là những nước có cam kết cắt giảm tỷ lệ thuế quan cho hàng hoá Việt Nam rất cao ngay khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực: Canada (95%), Chile (95%), Peru (81%) và Mexico (77%), hứa hẹn mở ra nhiều cơ hội giao thương.

Thuỷ sản có cơ hội lớn tại các thị trường nội khối CPTPP.

Theo Vụ Thị trường châu Âu, châu Mỹ (Bộ Công Thương), với Canada, với việc xóa bỏ thuế nhập khẩu cho 95% số dòng thuế ngay khi CPTPP có hiệu lực, bao trùm 78% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam mang lại rất nhiều cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu, điển hình là với mặt hàng thuỷ sản. 100% kim ngạch xuất khẩu thủy sản được hưởng thuế suất 0% từ ngày 14-1-2019. 

Nhiều chủng loại thuỷ sản Việt Nam hiện đã chiếm thị phần rất cao tại thị trường này như cá basa (chiếm gần 100% thị trường cá da trơn nhập khẩu của Canada); tôm bao gồm tôm đông lạnh và tôm chế biến đứng đầu trong số các nước xuất khẩu tôm vào Canada và chiếm gần 1/3 thị phần nhập khẩu; cá ngừ vàng, mắt to đông lạnh chiếm 89% thị phần... 

Thuế tối huệ quốc (MFN) của Canada đối với các mặt hàng này là 4-5% và theo cam kết CPTPP, thuế suất cho các mặt hàng này giảm về 0% ngay sau khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực. Đây là cơ hội để Việt Nam tiếp tục giữ vững thị phần và đa dạng hóa các chủng loại mặt hàng xuất khẩu vào thị trường này.

Ngoài ra, các mặt hàng thủy sản của Việt Nam hiện đã có mặt ở hầu hết các siêu thị lớn của Canada nhưng được bán qua nhà phân phối, chưa bán trực tiếp. Hiện nay, các công ty lớn của Canada có xu hướng mua trực tiếp từ nhà sản xuất để cắt giảm chi phí (Costco, Metro...), do đó nên tổ chức cho các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam giới thiệu và tiếp cận với các nhà bán lẻ lớn của Canada.

Ngoài Canada, Mexico cũng là thị trường đầy tiềm năng cho thuỷ sản Việt. Thủy sản (cá đông lạnh, tôm) là những mặt hàng được hưởng thuế suất 0% kể từ năm thứ 3 CPTPP có hiệu lực. Hằng năm, Mexico nhập khẩu khoảng 351 triệu USD cá đông lạnh. Mexico là một thị trường dễ tính với dân số đông, sức tiêu thụ mạnh, yếu tố về giá mang tính quyết định. 

Đối với mặt hàng cá đông lạnh, hiện Việt Nam đang là nước xuất khẩu lớn thứ 2 sau Trung Quốc. Đối với mặt hàng tôm, hiện Mexico đang có lệnh cấm nhập khẩu tôm từ một số nước châu Á, trong đó có Việt Nam. Khi lệnh cấm được xóa bỏ, chắc chắn với thế mạnh về giá và chất lượng, Việt Nam có nhiều cơ hội chiếm lĩnh thị trường khi mức thuế hiện tại cho nhóm hàng này là khoảng 20%.

Phan Đức
.
.
.