Tăng thuế môi trường xăng kịch khung lên 4.000 đồng/lít:

Quả trứng, mớ rau tăng giá theo

Thứ Bảy, 24/02/2018, 08:19
Bộ Tài chính vừa đưa ra lấy ý kiến dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tăng thuế bảo vệ môi trường, trong đó có việc tăng mạnh thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu.

Theo đó, Bộ Tài chính đề nghị tăng kịch khung thuế bảo vệ môi trường với xăng từ 3.000 đồng/lít hiện nay lên mức kịch khung cho phép là 4.000 đồng/lít. Bộ này cũng đề xuất tăng thuế môi trường với dầu diesel lên kịch khung 2.000 đồng/lít, thay cho mức 1.500 đồng/lít; thuế với dầu mazút, dầu nhờn tăng lên mức kịch khung 2.000 đồng/lít, thay cho mức 900 đồng/lít như hiện hành. Mức thuế mới này sẽ được áp dụng đối với xăng dầu từ ngày 1-7-2018.

Thuế môi trường có chi cho môi trường?

Trong tờ trình Chính phủ dự án nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường, Bộ Tài chính lý giải việc đề xuất tăng thuế xăng dầu như trên là do thuế nhập khẩu giảm mạnh. Hiện Việt Nam đang áp dụng mức thuế đối với xăng là 20% và đối với dầu các loại là 7%. Tuy nhiên, thực hiện các cam kết cắt giảm thuế nhập khẩu thì mức thuế nhập khẩu ưu đãi đối với xăng chỉ là 10% và đối với dầu các loại là 0%.

Với việc áp dụng mức thuế nhập khẩu ưu đãi trên, số thu từ hoạt động nhập khẩu xăng dầu liên tục giảm qua các năm khi các nhà nhập khẩu chuyển sang nhập các thị trường có mức thuế ưu đãi đặc biệt. Mặt khác, giá bán lẻ xăng dầu ở Việt Nam cơ bản đang thấp hơn so với các nước có chung đường biên giới nói riêng và nhiều nước khác trong khu vực ASEAN.

Với phương án đề xuất điều chỉnh nêu trên, Bộ Tài chính tính toán tổng số thu thuế bảo vệ môi trường dự kiến khoảng 57.312 tỉ đồng/năm, tăng khoảng 15.684,2 tỉ đồng/năm. 

Bộ Tài chính đề nghị tăng kịch khung thuế bảo vệ môi trường với xăng.

Cùng với số thu thuế bảo vệ môi trường tăng lên, số thu thuế giá trị gia tăng đối với các hàng hóa này cũng sẽ tăng lên khoảng 1.568,4 tỉ đồng. Khi đó, tổng số thu ngân sách Nhà nước dự kiến tăng lên khoảng 17.252,6 tỉ đồng/năm.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng cho rằng, xăng, dầu là sản phẩm có chứa nhiều chất gây ô nhiễm môi trường như chì, lưu huỳnh, benzen, hydrocacbon thơm, hydrocacbon nặng và một số phụ gia... Đây là những chất gây hại đến an toàn, sức khỏe và môi trường. Trong đó, tiếp xúc với chất benzen trong một thời gian nhất định có thể tiềm ẩn nguy cơ ung thư.

Do đó, Bộ này cho rằng, cần thiết điều chỉnh nâng mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu nhằm nâng cao hơn nữa trách nhiệm và nhận thức của tổ chức, cá nhân đối với môi trường, khuyến khích sản xuất, sử dụng sản phẩm thay thế, thân thiện với môi trường (như xăng dầu sinh học).

Trước dự thảo này, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, Bộ Tài chính chịu nhiều sức ép vì thuế nhập khẩu về 0% khiến hụt thu ngân sách cao. Trong bối cảnh đó, Bộ Tài Chính chịu trước sức ép lớn, phải tìm kiếm các nguồn thu. Một trong những nguồn thu dễ dàng và có thể thu được ngay là tăng thuế, phí xăng dầu.

“Gọi là thuế môi trường nhưng thực sự không chi cho môi trường. Bộ Tài chính cần giải trình về điều này một cách rõ ràng, chính danh và minh bạch. Nếu dùng danh nghĩa phí môi trường mà không chi cho môi trường thì vấn đề này cần báo cáo Quốc hội vì không thể dùng danh nghĩa phí môi trường để chi tiêu cho việc khác”, ông Doanh nói.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cũng cho rằng, cả 2 lý do Bộ Tài chính nêu ra để tăng giá xăng dầu là không hợp lý. “Tại sao Bộ Tài chính không so với Malaysia (cùng khu vực) nhưng giá xăng thấp hơn Việt Nam. Tại sao, Bộ Tài chính không so sánh giá xăng với Mỹ, có thu nhập cao gấp hàng chục lần Việt Nam nhưng giá xăng vẫn thấp hơn”...

Gánh nặng đè lên vai người dân

Tuy nhiên, trước Dự thảo tăng thuế bảo vệ môi trường của Bộ Tài chính, các chuyên gia kinh tế cho rằng, giá xăng dầu hiện nay đang phải “cõng” rất nhiều loại thuế, phí.

Theo thống kê, hiện nay 1 lít xăng phải chịu nhiều loại loại thuế, phí như: thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, thuế bảo vệ môi trường; chi phí định mức, lợi nhuận định mức, chi quỹ bình ổn. Tổng các loại thuế, phí hiện chiếm khoảng 8.500 đồng/lít xăng. Nếu thuế bảo vệ môi trường tăng lên 1.000 đồng/lít thì xăng tăng giá sẽ khiến nhiều người gặp khó khăn.

Nếu thuế bảo vệ môi trường tăng lên 1.000 đồng/lít, nhiều mặt hàng sẽ tăng giá theo khiến người dân gặp khó khăn. Ảnh minh họa: CTV.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cho rằng, đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường đã được Bộ Tài chính đưa ra lấy ý kiến từ năm ngoái. Những người sử dụng phương tiện, nhiên liệu hóa thạch phải có trách nhiệm bảo vệ môi trường.

Theo ông Thanh, giá nhiên liệu chiếm khoảng 35 - 50% giá thành tùy theo từng loại phương tiện, nhiên liệu. Nếu tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng lên, chắc chắn giá cước sẽ phải tăng. Vì vậy, cần có lộ trình, nếu ngay tức khắc đưa lên cao sẽ gây biến động rất lớn và gây cơn sốc về giá đối với giá thành giá cước của vận tải ôtô.

Đánh giá về tác động của việc tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, chuyên gia Lê Đăng Doanh cho rằng, tăng thuế sẽ khiến phí vận tải tăng lên. “Mớ rau, quả trứng cũng sẽ tăng giá lên. Điều này làm tăng thêm chi phí và người dân phải gánh chịu. Vì vậy, việc tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu cần phải xem xét thận trọng”, ông Doanh nói.

Lưu Hiệp
.
.
.