Oman: Cầu nối giúp Việt Nam thâm nhập thị trường Trung Đông

Thứ Sáu, 23/03/2018, 11:42
Quan hệ Việt Nam và Oman đạt được nhiều bước tiến từ khi hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Với nhiều lợi thế có thể bổ sung lẫn nhau, tiềm năng hợp tác giữa hai bên còn rất lớn, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế - thương mại. 


Kỳ họp lần thứ 3 Ủy ban hỗn hợp Hợp tác về Kinh tế và Kỹ thuật giữa Việt Nam và Ô-man được tổ chức tại Hà Nội trong các ngày từ 22 đến 23-3. 

Đoàn Việt Nam do Ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công thương Việt Nam, Chủ tịch Phân ban Việt Nam làm Trưởng đoàn. Đoàn Oman do Ông Ali bin Masoud Al Sunaidy, Bộ trưởng Bộ Thương mại và Công nghiệp Oman, Chủ tịch Phân ban Ô-man làm Trưởng đoàn. Cùng tham dự Kỳ họp về phía Oman còn có Ngài Sultan Saif Hilal Al Mahruqi, Đại sứ Vương quốc Oman tại Việt Nam.

Tại Phiên toàn thể diễn ra trong buổi sáng ngày 23-3, hai Bộ trưởng-Trưởng đoàn đã thông báo một số nét chính về tình hình phát triển kinh tế xã hội của mỗi nước trong thời gian qua, tiến hành đánh giá, kiểm điểm tình hình triển khai thực hiện các nội dung thỏa thuận hợp tác kể từ Kỳ họp lần thứ 2 đến nay và đưa ra những giải pháp nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương giữa hai nước trong thời gian tới. 


Theo đó, hai Bên thống nhất một số biện pháp nhằm thúc đẩy hợp tác song phương, cụ thể: Thúc đẩy đàm phán để sớm ký kết Hiệp định miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao và công vụ để tạo thuận lợi cho việc đi lại giữa hai nước; Tăng cường hợp tác giữa Bộ Công thương Việt Nam với Bộ Thương mại và Công nghiệp Oman nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận thị trường của nhau, đa dạng hóa cơ cấu mặt hàng xuất nhập khẩu, mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực đầu tư và công nghiệp. 

Tăng cường hợp tác giữa Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Oman nhằm khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp hai nước tăng cường trao đổi các đoàn, tích cực đi khảo sát thị trường, tiến hành các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch, tham gia các hội chợ, triển lãm, sự kiện thương mại và đầu tư được tổ chức ở mỗi nước. 

Kết thúc Kỳ họp, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Bộ Thương mại và Công nghiệp Ô-man đã cùng nhau ký kết Biên bản Kỳ họp lần thứ 3 Ủy ban hỗn hợp về Hợp tác Kinh tế và Kỹ thuật giữa hai nước.

Nhân dịp sang tham dự Kỳ họp lần thứ 3, Ngài Ali bin Masoud Al Sunaidy đã đến chào xã giao Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và có các buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trung để trao đổi về các biện pháp thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực chuyên ngành...

Trước đó, bên lề Kỳ họp, ngày 22-3, Bộ Công Thương đã tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Oman dưới sự đồng chủ trì của Thứ trưởng Cao Quốc Hưng và Bộ trưởng Bộ Thương mại và Công nghiệp Ô-man. Được biết, diễn đàn này là cuộc gặp quy mô lớn nhất của doanh nhân hai nước trong vòng 26 năm qua, kể từ khi Việt Nam và Oman chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1992.

Đẩy mạnh hợp tác thương mại

Thứ trưởng Cao Quốc Hưng cho biết, quan hệ kinh tế - thương mại Việt Nam - Oman tăng trưởng mạnh qua các năm gần đây, với kim ngạch thương mại hai chiều năm 2017 đạt gần 120 triệu USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Oman 40 triệu USD, tăng 74%. Tuy nhiên, con số trao đổi thương mại mới chỉ ở mức trên 100 triệu USD, còn rất khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh sẵn có của hai nước.

Hai nước đã từng ký kết một số thỏa thuận song phương và biên bản ghi nhớ trong các lĩnh vực hàng không, thương mại, nhân lực, bảo hộ đầu tư và tránh đánh thuế hai lần, góp phần tạo bước đột phá trong quan hệ giữa hai bên.

Bộ trưởng Bộ Thương mại và Công nghiệp Oman Ali bin Masoud bin Ali al Sunaidy trả lời phỏng vấn bên lề Diễn đàn.

Ông Cao Quốc Hưng cho hay, ngoài việc thúc đẩy hợp tác song phương, Việt Nam mong muốn Oman sẽ là cầu nối để Việt Nam thâm nhập thị trường Trung Đông - châu Phi, và ngược lại, Việt Nam sẽ là cánh cửa để Oman tiến vào thị trường ASEAN với khoảng 600 triệu dân.

Cũng tại diễn đàn, Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Oman, ông Ali Masoud Al Sunaidy nhấn mạnh, cả Oman và Việt Nam đều có vị trí địa lý thuận lợi, cùng tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng. Vì vậy, ông Ali Masoud hy vọng cả hai bên có thể hỗ trợ và bổ sung cho nhau trong hợp tác. Đặc biệt, là một quốc gia có lợi thế về nông nghiệp, các mặt hàng nông sản, lương thực thực phẩm, hàng tiêu dùng từ Việt Nam như gạo, đường, cà phê, thủy sản, rau củ quả sẽ có nhiều cơ hội xuất khẩu vào thị trường Oman.

Định hướng phát triển 

Theo Bộ trưởng Ali Al Sunaidy, một trong những giải pháp quan trọng để thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa hai nước đó là mở rộng mô hình các liên doanh chung giữa doanh nghiệp hai bên, điển hình như hoạt động của Liên doanh Đầu tư Việt Nam - Oman (VOI). 

Là công ty liên doanh giữa Quỹ dự trữ quốc gia Oman (SGRF) tại Việt Nam với Tổng công ty Ðầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), VOI được thành lập và hoạt động trên cơ sở thỏa thuận và hỗ trợ của Chính phủ hai nước từ năm 2008. Từ vốn cam kết ban đầu là 100 triệu USD năm 2009, VOI đã tăng vốn lên 200 triệu USD vào năm 2014.

Ông Abdullah Al Harthy, Chủ tịch Hội đồng Quản trị VOI, thành viên Uỷ ban hỗn hợp Việt Nam - Oman.

Ông Abdullah Al Harthy, Chủ tịch Hội đồng quản trị VOI, thành viên Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam - Oman thông tin, trong gần mười năm hoạt động, VOI tập trung đầu tư vào các ngành tăng trưởng có lợi thế cạnh tranh của Việt Nam và đóng góp cho sự phát triển bền vững lâu dài của nền kinh tế trong các lĩnh vực thiết yếu như điện, đường thu phí, logistics, nước sạch, giáo dục, chăm sóc sức khỏe, nông nghiệp, hàng tiêu dùng… 

Với nhiều dự án thành công ở Việt Nam, VOI đã giải ngân hơn 200 triệu USD trong vòng mười năm qua, trở thành một dòng đầu tư tiêu biểu từ Trung Đông vào Việt Nam.

Phía Việt Nam cũng cam kết tiếp tục tạo điều kiện cho VOI tìm kiếm những cơ hội hợp tác đầu tư với Việt Nam không chỉ liên quan đến đầu tư trực tiếp mà còn trong lĩnh vực tài chính. Bên cạnh đó, các cơ quan hữu quan Việt Nam và Oman, cũng như cộng đồng doanh nghiệp hai bên cũng sẽ xúc tiến các hoạt động giao thương, qua đó phát hiện nhu cầu và khả năng hợp tác của nhau.

Tại diễn đàn, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Oman đã ký kết biên bản ghi nhớ về hợp tác giữa hai bên, qua đó tiếp tục thông tin về cơ hội thị trường, cơ hội giao thương giữa hai nước, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hai bên tiếp cận thị trường của nhau.

Tiên An - Lưu Hiệp
.
.
.