Nông nghiệp Việt Nam sẽ phục hồi trong năm 2017

Chủ Nhật, 26/02/2017, 12:30
Đây là nhận định đầy lạc quan của bà Eugenia Victorino, chuyên gia kinh tế khu vực Tiểu vùng sông Mê Kông và ASEAN, Ngân hàng ANZ.

Bà Eugenia Victorino cho biết, đối với Việt Nam, dự báo tăng trưởng GDP năm 2017 sẽ cao hơn so với 2016, khoảng 6,4%, do kỳ vọng nông nghiệp sẽ phục hồi, có kết quả tốt hơn.

Hơn nữa, trong những năm qua, Việt Nam đã đa dạng thị trường và mặt hàng xuất khẩu nên tránh được những cú sốc bên ngoài, không bị tổn thương dù thị trường các nước có biến động.

Năm 2016 chứng kiến ngành nông nghiệp tăng trưởng dương 1,36%, tuy nhiên đây là kết quả thấp nhất kể từ năm 2011 đến nay. Nhóm chuyên gia ANZ cho rằng ngành nông nghiệp Việt Nam trong năm 2017 sẽ thoát đáy và trở thành động lực triển vọng cho tăng trưởng GDP nhờ những dự đoán tích cực về yếu tố môi trường.

Bà Victorino cho biết: “Các chuyên gia nông nghiệp nhận định năm 2017 sẽ là một năm bội thu hơn năm ngoái với lượng mưa cao hơn, ít hạn hán”.

Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu đến từ ANZ đánh giá cao tiến trình công nghiệp hoá của Việt Nam vốn đã đạt kết quả tốt trong năm 2016 và dự kiến sẽ tiếp tục duy trì trong năm 2017.

Các chuyên gia nông nghiệp nhận định năm 2017 sẽ là một năm bội thu hơn năm ngoái với lượng mưa cao hơn, ít hạn hán.

Các chuyên gia ANZ tin rằng, Việt Nam sẽ dẫn đầu trong làn sóng công nghiệp hoá cuối cùng ở khu vực Đông Nam Á nhờ vào hành lang vận tải quan trọng. Việt Nam sở hữu tuyến vận tải kết nối Trung Quốc, Ấn Độ và các quốc gia ASEAN. Bằng vị trí địa lý quan trọng ấy và tiến trình công nghiệp hoá đang diễn ra ở Việt Nam, Việt Nam sẽ trở thành cầu nối để kết nối các nền kinh tế ở ngoại vi với toàn bộ Đông Nam Á.

Về tác động khi Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) bị dừng lại, các chuyên gia của ANZ vẫn lạc quan. Bởi TPP có tác động thực sự phải sau 10 năm nữa, nên việc mất đi TPP chỉ là việc Việt Nam mất đi một cơ hội để tăng trưởng, có thể tiếp tục kỳ vọng vào Hiệp định Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

“Rủi ro của TPP là khi bị Mỹ tuyên bố rút lui thì luồng vốn đầu tư trực tiếp tại Việt Nam vào sản xuất nhằm mục đích xuất khẩu (XK) sang Mỹ giảm xuống, nhưng Việt Nam XK sang Mỹ chỉ chiếm 22% tổng kim ngạch, nên việc Việt Nam đang đa dạng hóa thị trường XK thì sẽ không chịu nhiều ảnh hưởng”, ông Khoon Goh, Trưởng Bộ phận Nghiên cứu châu Á (ANZ) đánh giá.

Đặc biệt, về lĩnh vực tài chính - ngân hàng, theo dự báo của Ngân hàng ANZ, tỷ giá USD trong năm 2017 đến cuối năm có thể lên mức trên 23.200 VND/USD và tăng lên tới 24.000 VND/USD vào đầu năm 2019. Như vậy, năm 2017, tỷ giá có thể tăng lên tới 2%.

Ông Khoon Goh cho rằng, dự báo này hoàn toàn không liên quan đến những tiêu cực hay rủi ro khi đồng Việt Nam bị mất giá mạnh. Bởi với những chính sách kinh tế mới của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump, nền kinh tế Mỹ sẽ phục hồi và khiến đồng USD mạnh lên, khiến tất cả các đồng tiền khác đều mất giá. 

“Mức mất giá 2% không phải là quá nhiều do các đồng tiền khác cũng đều mất giá. Hơn nữa, mức 2% của đồng Việt Nam còn ít hơn so với nhiều đồng tiền khác trong khu vực”, ông Khoon Goh nhấn mạnh.

Tuy nhiên, kinh tế Mỹ phục hồi với việc thắt chặt chính sách tiền tệ cũng sẽ gây ảnh hưởng tới luồng vốn của các nhà đầu tư. Đặc biệt, việc FED còn nhiều khả năng tăng lãi suất cũng sẽ khiến luồng vốn đầu tư gián tiếp như tỷ giá, trái phiếu giảm. Nhưng theo ông Khoon Goh, luồng vốn trực tiếp vào sản xuất sẽ không ảnh hưởng.

Bên cạnh đó, ANZ cũng dự báo lãi suất tại Việt Nam sẽ giữ sự ổn định trong thời gian dài từ nay đến đầu năm 2019. 

Theo bà Eugenia Victorino, xu hướng tăng trưởng tín dụng sẽ được cải thiện trong thời gian tới. Tuy nhiên, tình trạng nợ xấu tồn tại lâu năm mà chưa có phương án giải quyết sớm nên ngân hàng trung ương vẫn phải áp dụng chính sách thúc đẩy tăng trưởng nên phải giữ ổn định lãi suất để mở rộng tín dụng, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Trân Trân
.
.
.