Nỗi lo thịt heo “bẩn” dịp Tết

Thứ Tư, 15/01/2020, 15:34
Sau khi giá thịt heo trên thị trường tăng đột biến, nhằm ngăn chặn thịt heo bẩn tuồng vào các chợ, từ cuối tháng 10 đến giữa tháng 11-2019, Ban quản lý An toàn thực phẩm TP HCM tiến hành kiểm tra xử phạt hơn 30 trường hợp vi phạm an toàn thực phẩm với tổng số tiền phạt hơn 1 tỷ đồng.


Trong đó, có 3 trường hợp vi phạm “Kinh doanh thực phẩm tươi sống có nguồn gốc động vật trên cạn bị ôi thiu, biến đổi màu sắc, mùi vị”, 1 trường hợp “Vận chuyển sản phẩm động vật không bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ” tại chợ đầu mối Bình Điền, quận 8, TP HCM.

Khi tiến hành kiểm tra các xe hàng vào chợ đầu mối Bình Điền, cơ quan chức năng phát hiện trong 2 xe hàng nhập vào sạp Hồng Há H1-185 có 3 con heo đã qua cạo mổ, thịt nhạt màu, mở sa màu hồng, hạch lâm ba sung huyết, không bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm.

Cũng tại chợ Bình Điền, Đoàn kiểm tra phát hiện một cá nhân đang vận chuyển 2.353kg thịt heo nhập vào chợ có biểu hiện thịt sậm màu, hệ thống hạch lâm ba sung huyết, thịt dính nhiều lông dơ bẩn, có mùi heo nọc, chủ phương tiện không xuất trình được chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của số thịt trên.

Người tiêu dùng chọn mua thịt heo ở siêu thị vì sợ thịt heo “bẩn” trà trộn vào chợ truyền thống.

Vụ việc chưa xử lý xong thì 2 ngày sau, Đoàn kiểm tra phát hiện 1/8 con heo đang nhập vào sạp Út Lượm H1-181 (chợ Bình Điền) thịt nhạt màu, mặt cắt cơ rỉ nhiều dịch, hạch lâm ba sung huyết.

Tại Chợ đầu mối Hóc Môn, đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra phát hiện 2 trường hợp kinh doanh thịt heo bị ôi thiu, không có dấu kiểm soát giết mổ. Tổng trọng lượng thịt bị vi phạm là 55kg thịt heo có biểu hiện: hạch lâm ba xung huyết, xuất huyết nặng, cơ tái trắng nhạt màu, dùng tay ấn vào cơ không còn độ đàn hồi, mỡ đỏ hồng, quày thịt có mùi hôi, biến đổi màu sắc, mùi vị không bảo đảm an toàn thực phẩm trong kinh doanh và không có dấu kiểm soát giết mổ của cơ quan thú y.

Mỗi trường hợp vi phạm đều bị cơ quan chức năng xử phạt từ 1,9 triệu đến hơn 15 triệu đồng và buộc tiêu hủy số thực phẩm bẩn vi phạm.

Từ các trường hợp bị phát hiện, nhiều người tiêu dùng e ngại thịt heo “bẩn” nên chọn mua ở các siêu thị, cửa hàng tiện ích. Tuy nhiên, do giá thịt tại các điểm này thường đắt hơn bên ngoài nên những gia đình thuộc thành phần lao động nghèo vẫn chọn mua thịt ở các chợ nhỏ lẻ. Mặt khác do thói quen đi “chợ chồm hổm” mua bán nhanh gọn nên nhiều người tiêu dùng vẫn chọn mua các sạp bán thịt ở lề đường. Qua quan sát của chúng tôi ở các chợ nhỏ lẻ nhiều nơi trên địa bàn TP HCM, nhiều sạp bán thịt không có dấu kiểm dịch vẫn bày bán công khai.

Trong khi đó, cơ quan chức năng khi kiểm tra thịt bẩn cũng chủ yếu tập trung vào các chợ đầu mối như Bình Điền, Hóc Môn và các chợ có quy mô lớn khác chứ chưa đến các chợ nhỏ lẻ. Đặc biệt hơn, trong thời gian cận Tết chúng tôi còn phát hiện nhiều người trải bạt bày bán heo trên lề đường với lời quảng cáo “heo nhà nuôi đảm bảo thịt sạch” và thu hút khá nhiều người mua.

“Thịt heo luôn là món ăn chính trong mỗi bữa cơm của nhiều gia đình nhất là vào những ngày Tết. Với tình trạng giá heo tăng và số lượng người mua nhiều trong những ngày cận Tết nên thịt heo bẩn rất dễ trà trộn vào các chợ. Do vậy mà người dân mong rằng cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra thịt heo bẩn ở các chợ truyền thống để người tiêu dùng an tâm hơn” - chị Thảo, ngụ quận Thủ Đức đưa ra đề nghị.

Ngân Phương
.
.
.