Nỗi lo muôn thuở mang tên tiền lẻ, ATM trong dịp Tết

Thứ Năm, 04/02/2016, 08:55
Càng sát Tết, nhu cầu đổi tiền lẻ, tiền mới càng “nóng” hơn bao giờ hết, đặc biệt, khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố không in mới tiền lẻ mệnh giá nhỏ dưới 5.000 đồng, thị trường càng đắt đỏ. Cùng với đó, tình trạng ATM lỗi, hết tiền làm phiền khách hàng cũng gia tăng.


Đổi tiền lẻ: Từ công khai đến bí mật

Với chủ trương không in mới tiền lẻ mệnh giá nhỏ, năm nay, tình trạng khan hiếm tiền lẻ mới đã khiến cho các dịch vụ đổi tiền trở nên đắt đỏ hơn. Trưởng phòng giao dịch của một ngân hàng thương mại cho biết, tiền lẻ không thiếu nhưng tiền lẻ mới thì rất ít.

Ngay cả bản thân chị là người đứng đầu một phòng giao dịch mà tiền cũng chỉ được chỉ tiêu 200 triệu tiền mới, còn nhân viên thì chỉ được trên dưới chục triệu. Số tiền này co kéo lắm cũng chỉ đủ đổi giúp cho một vài anh em họ hàng thân thiết, còn với khách hàng VIP, hay các quan hệ khác thì rất khó khăn. Bởi vậy, từ rất sớm, cứ thấy đồng tiền lẻ nào tuy đã qua sử dụng nhưng còn mới là chị và nhân viên lại rủ nhau gom lại “dùng tạm” để mừng tuổi.

Nỗi ám ảnh mang tên ATM.

Không đổi được theo đường chính thống, nhiều khách hàng đã tìm đến các điểm đổi tiền lẻ ở các đền, chùa. Trong 2 ngày 2 và 3-2, dạo một vòng quanh những “địa chỉ đen” về đổi tiền lẻ, nhóm PV chúng tôi ghi nhận tình trạng đổi tiền tại các chùa chiền đã có phần vắng vẻ.

Tuy nhiên, thực tế, tại các cổng đền, chùa, phủ ở Hà Nội, dịch vụ đổi tiền lẻ đã được chuyển từ dịch vụ công khai sang dịch vụ bán công khai hoặc bí mật. Số tiền lẻ được một số người giấu bên dưới những sạp hàng vàng mã, hương hoa, khách cần đổi bao nhiêu cũng có. Giá đổi còn tùy thuộc vào mệnh giá, tiền mệnh giá càng thấp, mới thì phí đổi càng cao. Theo đó, trung bình cứ đổi 100 ngàn đồng mệnh giá 1.000 đồng thì khách nhận lại 80 ngàn đồng tiền lẻ mới, đổi tiền lẻ mệnh giá 500 đồng thì chỉ được nhận lại 70 ngàn đồng.

Tại chùa Quán Sứ, dù nhìn quanh không thấy biển hay sạp nào đổi tiền nhưng chỉ cần khách hàng tìm kiếm, ngay lập tức những chủ hàng bán vàng mã ở cổng đã chèo kéo khách một cách công khai với số lượng bao nhiêu cũng có. Tại chùa Hà, việc đổi tiền cũng diễn ra tương tự.

Các chủ hàng chỉ cần “trông mặt mà bắt hình dong” khách nên dù không bày biện quảng cáo, nhưng chỉ cần khách có nhu cầu sẽ lập tức được đáp ứng. Điều này cũng được ghi nhận tại đền Bà Chúa kho - khi hàng dãy hàng quán vắng các khay tiền lẻ nhưng việc đổi tiền vẫn diễn ra bên dưới các sạp hàng. Riêng tại Phủ Tây Hồ, việc đổi tiền không công khai nhưng cũng không bị giấu giếm, vì dù không có tiền lẻ để bày lên bàn, nhưng một vài hàng, biển đổi tiền vẫn chưa được tháo dỡ.

Không “kín kẽ” như các điểm đổi tiền lẻ nói trên, hiện nay, nhiều trang mạng công khai quảng cáo dịch vụ đổi tiền lẻ dịp Tết Bính Thân 2016. Tại các website như: photien, doitienmoi, doitien.net... đã tung ra nhiều quảng cáo hấp dẫn để thu hút khách hàng. Tuy nhiên, giá đổi ở các website này cao ngất ngưởng so với bên ngoài: phí đổi loại tiền 200, 500 đồng lên tới 80%. Có nghĩa là khách bỏ ra 100 ngàn đồng sẽ chỉ nhận lại 20.000 đồng tiền 200 đồng hoặc 500 đồng. Ngược lại, với các loại mệnh giá cao hơn từ 1.000 đến 5.000 đồng mức phí giảm dần theo từng mệnh giá…

Vẫn lo ngay ngáy ATM

Một “vấn nạn” nữa trong những ngày giáp Tết ám ảnh khách hàng, đặc biệt là các công nhân ở khu chế xuất, khu công nghiệp là đi rút tiền ở ATM. Bình thường, “sức khỏe” của những chiếc máy này vốn đã chẳng mấy tốt, đến càng gần Tết, nguy cơ những chiếc máy này “ốm” càng cao hơn. Mà không chỉ tại các khu công nghiệp “vùng sâu vùng xa”, ngay cả những chiếc ATM ở giữa Thủ đô cũng “nghỉ Tết” sớm khiến nhiều người bức xúc.

Chị Hoa, nhân viên kế toán nhà ở Định Công cho biết ngày 1-2, chị “dính” tới 3 chiếc máy bị lỗi, hết tiền ở khu vực Linh Đàm, từ cây ATM của hệ thống ngân hàng chính cho đến ngân hàng liên kết đều không rút được tiền: máy thì báo lỗi hệ thống, máy thì báo hết tiền, máy thì báo bảo trì, bảo dưỡng…

Thực trạng này dường như năm nào cũng diễn ra, dù phía ngân hàng cũng tìm mọi giải pháp tháo gỡ. Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cũng thừa nhận hàng năm vào dịp Tết Nguyên đán, các cây rút tiền ATM thường trở nên quá tải vì lượng khách hàng sử dụng quá đông. Hơn nữa, theo số liệu thống kê hàng năm, số thẻ tín dụng tăng lên cao nhưng thói quen sử dụng tiền mặt của người dân vẫn còn phổ biến - tới 80% giao dịch của khách hàng thao tác trên các cây ATM chủ yếu là rút tiền. Đặc biệt, sát Tết Nguyên đán là thời điểm người lao động được nhận lương và thưởng Tết nên ai cũng muốn nhanh chóng rút tiền để chi tiêu, gây áp lực rất lớn.

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp vì muốn giữ chân công nhân, không muốn công nhân về sớm nên sát ngày Tết mới trả lương, thưởng, dồn vào một thời điểm dẫn đến tình trạng xếp hàng, chờ đợi. NHNN đã đưa ra các giải pháp tháo gỡ bằng cách tổ chức các hình thức thanh toán, chi trả linh hoạt, như: hướng dẫn khách hàng đến trực tiếp các chi nhánh, phòng giao dịch gần nhất để rút tiền mặt; thống nhất với các đơn vị, doanh nghiệp có kế hoạch trả lương, thưởng trực tiếp tại đơn vị, doanh nghiệp...

Từ phía ngân hàng thương mại, ông Nguyễn Quang Lý, Giám đốc Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Bắc Giang cho biết đã sử dụng 2 biện pháp để xử lý quá tải tại ATM. Thứ nhất là với những doanh nghiệp có số lượng công nhân lớn chi trả thưởng nhiều, Vietcombank sẽ làm việc với lãnh đạo công ty, hỗ trợ bằng cách đưa nhân sự cũng như xe chuyên dụng đến chi trả tiền mặt tại chỗ tại doanh nghiệp cho công nhân để giảm áp lực tại các máy ATM trên địa bàn tỉnh. Thứ hai, Vietcombank sẽ tăng lượng tiền, bộ phận kỹ thuật cũng như bộ phận máy ATM để đảm bảo hệ thống ATM chạy thông suốt phục vụ khách hàng…

Thúy – Hiệp
.
.
.