Những rủi ro từ “làn sóng” dịch chuyển đầu tư

Thứ Bảy, 13/07/2019, 08:32
Với nhiều ưu đãi thuế từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) mang lại và đặc biệt là cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung Quốc vẫn còn căng thẳng, Việt Nam hiện đang là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư.

Theo các chuyên gia, việc thu hút đầu tư nước ngoài tăng mạnh là điều đáng mừng, tuy nhiên bên cạnh đó cũng tiềm ẩn không ít rủi ro. Vì vậy, việc thu hút đầu tư cần phải thận trọng, để tránh “bẫy” Việt Nam trở thành nơi trung chuyển hàng của doanh nghiệp (DN) nước ngoài, và có tác động tiêu cực đến hàng hóa trong nước xuất khẩu...

FDI tăng mạnh mừng hay lo?

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 5 tháng đầu năm, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam (FDI) đạt 16,74 tỷ USD, tăng gần 70% so với cùng kỳ 2018. Đáng lưu ý là nguồn vốn đến từ Trung Quốc tăng mạnh, đạt 2 tỷ USD, trong đó riêng phần đăng ký cấp mới là 1,56 tỷ USD (tăng 450% so với 280 triệu USD cùng kỳ 2018). Tính đến hết tháng 5, Trung Quốc vươn lên dẫn đầu vốn FDI đăng ký mới tại Việt Nam.

Sở dĩ nguồn vốn đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam tăng mạnh là do cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc kéo dài và hiện vẫn chưa có hồi kết. Khi gặp khó ở thị trường Mỹ, các DN Trung Quốc đã chuyển hướng xuất khẩu sang các thị trường khác, trong đó có Việt Nam. 

Mới đây nhất, tại Triển lãm máy công cụ, cơ khí chính xác và gia công kim loại (diễn ra từ ngày 2 đến 5-7, tại TP HCM), Hội Xúc tiến thương mại Đài Loan (Trung Quốc) đã đưa nhiều DN Đài Loan sang tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Việt Nam. 

Theo Hội Xúc tiến thương mại Đài Loan, Việt Nam hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ 7 của Đài Loan về các loại máy công cụ. Năm 2018, tổng xuất khẩu máy công cụ Đài Loan sang Việt Nam lên đến 121,9 triệu USD, cao hơn năm 2017 là 15 triệu USD. 

Trong xu thế công nghiệp 4.0, các DN Đài Loan có chuỗi cung ứng từ linh kiện chủ chốt, mô-đun tự động hóa, đến hệ thống tích hợp, từ đó cung cấp các giải pháp về tự động hóa, rô-bốt, cảm ứng và điều khiển. 

Với lợi thế công nghệ, Đài Loan cung cấp các giải pháp về bảo trì phòng vệ, kiểm soát từ xa, chẩn đoán thiết bị... Việc ứng dụng công nghệ thông minh vào trong sản xuất là nền tảng để tạo ra năng lực cạnh tranh khác biệt của những ngành công nghiệp trị giá ngàn tỉ USD, bao gồm hàng không, máy móc, kim khí, viễn thông, năng lượng, thực phẩm, dệt may… 

Do rào cản thương mại từ một số thị trường xuất khẩu EU, Mỹ áp dụng lên hàng dệt may nhập khẩu từ Trung Quốc, nhiều DN Trung Quốc đã dịch chuyển đầu tư vào Việt Nam, nhằm tận dụng các lợi thế từ các FTA mang lại cho Việt Nam. Ước tính, Việt Nam sẽ đón làn sóng đầu tư dệt may từ Trung Quốc lên đến 7 tỷ USD. 

Với ngành da giày, ông Nguyễn Văn Khánh, Phó Chủ tịch Hội Da giày TP HCM nhìn nhận: “Tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc, đơn hàng từ Mỹ vào Việt Nam gia tăng, nhiều khách hàng trước đây nhập hàng Trung Quốc nay cũng chuyển hướng tìm kiếm nguồn cung tại Việt Nam”. 

TS Trần Du Lịch, Phó Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) nhận định: “Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc có thể gọi là cơ hội cho hàng hóa các nước, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, rủi ro với các DN Việt Nam là không nhỏ, nếu DN Việt Nam không đủ nội lực và tỉnh táo”. 

Theo phân tích của TS Trần Du Lịch, mặc dù cơ cấu sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam và Trung Quốc vào Mỹ khá tương đồng, nhưng không đồng nghĩa với việc hàng hóa Việt Nam có thể thay thế hàng Trung Quốc ở thị trường Mỹ. Bởi, DN Trung Quốc sản xuất với quy mô, số lượng lớn và chi phí rất cạnh tranh. 

Khi bị áp thuế tại thị trường Mỹ, các DN Trung Quốc sẽ chuyển hướng xuất khẩu sang các thị trường khác, trong đó có Việt Nam. Khi đó, DN Việt Nam sẽ chịu sự cạnh tranh trực tiếp từ các DN Trung Quốc ở thị trường xuất khẩu và cả thị trường nội địa. Các chuyên gia cho rằng, thu hút FDI tăng mạnh, kéo theo xuất khẩu cũng sẽ tăng theo. Nhưng, phần gia tăng đó là của DN khu vực FDI chứ không phải của DN Việt Nam. 

Ông Nguyễn Thành Hưng, Phó Chủ tịch Hội xuất nhập khẩu Đồng Nai dẫn chứng, đồ gỗ, nội thất là thế mạnh của nhiều DN Việt Nam, nhưng tác động của cuộc chiến tranh Mỹ - Trung Quốc, đơn hàng của DN Việt Nam vào Mỹ ngày càng giảm sút, trong khi đơn hàng lại rơi vào tay DN FDI mới đầu tư vào Việt Nam.

Thép là một trong những mặt hàng bị áp thuế phòng vệ thương mại nhiều nhất tại thị trường xuất khẩu.

Đối mặt những rủi ro

Mới đây, Mỹ tuyên bố áp mức thuế “khủng” lên tới 456% đối với các sản phẩm thép nhập khẩu từ Việt Nam. Nguyên nhân, do Việt Nam sử dụng nguyên liệu thép cán nóng nhập khẩu từ Đài Loan và Hàn Quốc, trong khi Mỹ áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với thép của Đài Loan và Hàn Quốc. Đây là “cú sốc” của ngành thép trong nước, mặc dù nguy cơ này đã được cảnh báo từ trước. 

Giải thích việc này, ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho rằng: "Ta nhập khẩu thép cán nóng từ các nước và có quá trình biến đổi. Trước đây, Mỹ chấp nhận quá trình biến đổi này, nhưng giờ họ cho rằng quá trình biến đổi đó là không đáng kể nên áp thuế". Dự báo, sau mặt hàng thép, sẽ có một số mặt hàng khác như gỗ, nhôm, dệt may... có nguy cơ bị áp thuế “khủng” tại thị trường Mỹ, nếu các cơ quan quản lý và DN không thận trọng. 

“DN Việt Nam phụ thuộc nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc nên nhiều khả năng DN Trung Quốc sẽ tìm cách đưa hàng vào Việt Nam để đánh tráo xuất xứ rồi xuất khẩu qua Mỹ. Chính vì vậy, vấn đề hiện nay là phải cảnh báo các DN Việt Nam sự nguy hiểm nếu tiếp tay cho hoạt động chuyển tải hàng hóa của Trung Quốc có thể gây thiệt hại nặng nề về sau cho cả ngành hàng và cả nền kinh tế” TS Trần Du Lịch cảnh báo.

Theo các chuyên gia, việc dịch chuyển nhà đầu tư nước ngoài từ Trung Quốc sang Việt Nam đã tạo rất nhiều áp lực cho DN trong nước. Khi các DN Trung Quốc đổ dồn vào Việt Nam sẽ khiến các DN nhỏ của Việt Nam đuối sức, thậm chí từ bỏ thị trường. Ngoài ra, cũng không loại trừ sự dịch chuyển các nhà máy sản xuất từ Trung Quốc sử dụng công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường vào Việt Nam, nên cần có sự kiểm soát chặt chẽ các nhà đầu tư. 

Cũng cần lưu ý, các nước nhập khẩu thường đưa vào “tầm ngắm” những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng vọt trong thời gian ngắn. Những mặt hàng có nguyên liệu nhập khẩu từ các nước đang bị điều tra các biện pháp phòng vệ thương mại. Vì vậy, các cơ quan quản lý và DN Việt Nam phải hết sức thận trọng trong việc xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu.

Nhằm hạn chế mức thấp nhất những rủi ro tại thị trường xuất khẩu, Bộ Công Thương khuyến nghị DN về việc các cơ quan điều tra của nước nhập khẩu có thể thay đổi quy định, đưa ra các yêu cầu khắt khe hơn trong các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại. Vì vậy, DN cần nghiên cứu, để có chiến lược kinh doanh phù hợp. 

Thúy Hà
.
.
.