Nhộn nhịp hàng xuất nhập khẩu “tỷ đô” đầu năm 2018

Chủ Nhật, 28/01/2018, 07:10
Hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) đầu năm 2018 đang có sự khởi đầu sắc nét với kết quả tăng trưởng cao 2 con số, đóng góp quan trọng vào đó là 4 nhóm hàng XNK lớn với trị giá kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên chỉ sau 15 ngày đầu năm.


Nhiều cơ hội xuất khẩu

Theo thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, cả nước có tới 3 nhóm hàng đạt trị giá kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên, tăng thêm 2 nhóm so với cùng kỳ năm 2017. 2 nhóm hàng mới sớm đạt con số “tỷ đô” là: Dệt may đạt gần 1,108 tỷ USD; máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện với trị giá kim ngạch đạt 1,071 tỷ USD. Nhóm hàng “tỷ USD” còn lại là điện thoại và linh kiện vẫn vững vàng ở vị trí dẫn đầu với trị giá kim ngạch đạt 2,11 tỷ USD. Ở chiều nhập khẩu, có 2 nhóm hàng nhập khẩu “tỷ USD” là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 1,866 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 1,382 tỷ USD.

Với sự tăng trưởng mạnh của nhóm hàng máy tính, vị trí dẫn đầu trong hoạt động nhập khẩu đã có sự đảo chiều giữa 2 nhóm hàng. Đáng chú ý, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đều góp mặt trong nhóm hàng “tỷ đô” ở cả xuất khẩu và nhập khẩu.

Bộ Công Thương tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý minh bạch, công khai tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận thị trường, đẩy mạnh sản xuất. Ảnh minh họa

Với trị giá kim ngạch đạt 7,537 tỷ USD, các nhóm hàng “tỷ đô” chiếm đến 40% tổng trị giá kim ngạch XNK cả nước trong nửa tháng đầu năm.

Dấu ấn kim ngạch XNK năm 2017 đã tạo tiền đề về thị trường và dự báo tăng trưởng khả quan trong năm 2018.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, năm 2017, ngành Dệt may Việt Nam xuất khẩu được hơn 31 tỷ USD nhưng trong đó có khoảng 64% là của các doanh nghiệp (DN) FDI, đây là một thách thức đối với các DN dệt may trong nước.

Năm 2018, ngành Dệt may Việt Nam được dự báo sẽ có nhiều yếu tố thuận lợi khi FTA Việt Nam - EU, Hiệp định CPTPP dự kiến được ký kết, sẽ là đòn bẩy quan trọng trong hoạt động xúc tiến thương mại, tạo điều kiện thuận lợi mở rộng thị trường. Do đó, toàn ngành đặt mục tiêu XK 33,5 tỷ USD trong năm 2018.

Ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Vinatex cũng cho rằng, để đạt được mức tăng trưởng 10%, toàn ngành phải dồn sức để thay đổi công nghệ, bắt nhịp trong đầu tư, làm chủ được các sản phẩm đưa ra thị trường thế giới nhằm tạo ra một nền công nghiệp dệt may phát triển ổn định, bền vững và hiệu quả. Riêng đối với Vinatex sẽ phải thực hiện đồng bộ các giải pháp về vai trò của người đại diện, thị trường, đầu tư, lao động và quản trị rủi ro.

Nâng cao năng suất lao động

Trong khi đó, Chủ tịch Hiệp hội Da-Giày-Túi xách Việt Nam (Lefaso) Nguyễn Đức Thuấn cho rằng, năm 2017, XK toàn ngành đạt gần 18 tỷ USD. Mục tiêu đặt ra trong năm 2018 so với năm 2017 là XK đạt từ 19,5 – 20 tỷ USD, tăng 10%; sản xuất công nghiệp da giày tăng 5%; tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm da giày đạt 55%.

XK giày dép tiếp tục đứng thứ 4 và túi cặp đứng thứ 10 trong TOP 10 mặt hàng XK chủ lực của Việt Nam. Trong năm 2018 cũng như tương lai xa hơn, các DN trong ngành da giày, túi xách sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh khá gay gắt của các DN cùng ngành trên thế giới.

Hiện nay, thế giới đều tính năng suất lao động theo giờ. Theo cách tính này, năng suất của các DN Việt Nam khoảng 0,6-0,7 đôi/giờ, còn các DN áp dụng công nghệ, máy móc tiên tiến vào sản xuất đã đạt 1,2 đôi/giờ.

Nếu áp dụng những phương pháp quản lý cũng như ứng dụng công nghệ để giải quyết bài toán về năng suất lao động, dự báo tăng trưởng ngành da giày có thể sẽ tăng 1,5-2 lần so với hiện tại.

Quá trình này sẽ giúp DN thay thế một phần lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như kiểm soát tốt độ đồng đều của sản phẩm. Mặc dù việc đầu tư sẽ khá tốn kém, song để đảm bảo phát triển dài hạn, bền vững, các DN cũng cần nghiêm túc nhìn nhận và đầu tư phù hợp.

Đại diện cho các hiệp hội và cộng đồng DN chế biến gỗ, ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh HAWA, đã chỉ ra những cơ hội của ngành gỗ đến năm 2020.

Theo đó, trong vài năm gần đây, các khu vực sản xuất đồ gỗ đều không tăng, trừ châu Á – Thái Bình Dương, nên áp lực cạnh tranh toàn cầu không tăng. Trong khi đó, nhu cầu thị trường đồ nội thất trên thế giới vẫn tăng trưởng.

Đây là cơ hội rất lớn cho ngành gỗ Việt Nam. Trong năm 2018, ngành gỗ đặt mục tiêu tăng kim ngạch xuất khẩu lâm sản lên 9 tỷ USD, trong đó kim ngạch gỗ và sản phẩm gỗ đạt từ 8,5 – 8,7 tỷ USD.

Để thực hiện được mục tiêu này, ông Khanh cho rằng các DN cần tập trung đổi mới công nghệ để nâng cao năng suất, ổn định chất lượng. Đồng thời nâng cao giá trị gia tăng bằng thiết kế mới.

Đặc biệt, các DN cần thực hiện cam kết “nói không với gỗ bất hợp pháp” để đưa ngành chế biến gỗ trở thành ngành sản xuất bền vững bằng nguyên liệu gỗ hợp pháp.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh  cho biết, năm 2018, tình hình kinh tế thế giới sẽ tiếp tục phục hồi, mở ra nhiều cơ hội cho XK. Để đạt mục tiêu tăng trưởng XK 10%, Bộ Công Thương tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý hoạt động XNK; đẩy mạnh cải cách hành chính và hiện đại hóa thủ tục hành chính (TTHC); đưa các TTHC có tác động nhiều tới DN vào xử lý theo hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4...

Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện các giải pháp về tổ chức sản xuất, quy hoạch đối với các mặt hàng nông, thủy sản gắn với thị trường, nhằm tạo nguồn hàng có chất lượng để phục vụ XK.

Chuyển dịch cơ cấu hàng hóa XK, tập trung vào các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, chế biến sâu, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến. Tập trung rà soát các dự án, đặc biệt là các dự án sản xuất hàng XK, kịp thời tháo gỡ khó khăn để sớm đưa các dự án vào vận hành, tạo nguồn hàng cho XK. Đồng thời, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý minh bạch, công khai để DN thuận lợi nhất trong tiếp cận thị trường, đẩy mạnh sản xuất, đạt mục tiêu XNK đã đề ra.

Lưu Hiệp
.
.
.