Nhiều tiềm năng xuất khẩu hàng hóa sang Trung Đông – Châu Phi

Thứ Năm, 05/07/2018, 12:08
Mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa Việt Nam với các nước Trung Đông, Châu Phi là nền tảng quan trọng để thúc đẩy và phát triển hơn nữa sự các mối quan hệ hợp tác trong lĩnh vực thương mại, công nghiệp và đầu tư.

Sáng 5-7, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao đã tổ chức Hội thảo "Ngoại giao với hoạt động xuất khẩu nông, thủy sản sang khu vực Trung Đông - Châu Phi" nhằm mục đích góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu nông, thủy sản Việt Nam trong nỗ lực mở rộng thị trường xuất khẩu sang khu vực Trung Đông - Châu Phi.

Hội thảo có sự góp mặt của đại diện Bộ Ngoại giao, Bộ Công thương, các địa phương của Việt Nam cùng nhiều Đại sứ, đại diện ngoại giao các nước Trung Đông và châu Phi tại Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Hồng Nam phát biểu khai mạc hội thảo.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Vũ Hồng Nam, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết, Trung Đông - Châu Phi là một khu vực rộng lớn với rất nhiều tiềm năng chưa được doanh nghiệp Việt Nam khai thác. Trong bối cảnh xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường truyền thống đang gặp khó khăn, Bộ Ngoại giao muốn đồng hành với các doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ của chính phủ là mở rộng thị trường xuất khẩu sang Trung Đông - châu Phi.

Ông Đỗ Quốc Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á – Châu Phi, Bộ Công thương cho biết Việt Nam luôn coi trọng việc thúc đẩy thương mại với các nước Trung Đông, Châu Phi. Nhiều hiệp định, thỏa thuận thương mại giữa hai bên đã được ký kết, tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động hợp tác kinh tế thương mại cho doanh nghiệp hai bên.

 Hội thảo nhằm mục đích góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu nông, thủy sản Việt Nam trong nỗ lực mở rộng thị trường xuất khẩu sang khu vực Trung Đông - Châu Phi.

Theo đại diện Bộ Công thương, trong trao đổi thương mại giữa Việt Nam và khu vực Trung Đông – châu Phi, nông - thủy sản luôn được coi là nhóm ngành quan trọng và có kim ngạch tăng trưởng nhanh. Năm 2017, xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Trung Đông đạt hơn 824 triệu USD, sang châu Phi đạt 131,2 triệu USD; xuất khẩu thủy sản sang Trung Đông đạt 254 triệu USD và châu Phi là 95,2 triệu USD.

Tuy nhiên, ông Hưng cho rằng tiềm năng cho thị trường này còn rất lớn, bởi khu vực Trung Đông và châu Phi gồm 70 quốc gia với dân số 1,6 tỷ người, có nhu cầu rất lớn về nhập khẩu hàng hóa, đặc biệt là hàng nông sản và thủy sản do điều kiện tự nhiên tại các khu vực này khá khắc nghiệt, không có điều kiện nuôi - trồng đủ đáp ứng nhu cầu trong nước. Trong năm 2017, các nước này đã nhập khẩu tới 81 tỷ USD nông sản thực phẩm. Tới năm 2025, con số này có thể tăng lên tới mức 180 tỷ USD.

“Mặc dù cách xa nhau về mặt địa lý, nhưng mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân các nước Trung Đông, châu Phi là nền tảng quan trọng để thúc đẩy và phát triển hơn nữa sự các mối quan hệ hợp tác trong lĩnh vực thương mại, công nghiệp và đầu tư”, ông Hưng nhận định.

Tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Trung Đông - Châu Phi là rất lớn bởi khu vực này có nhu cầu cao về nhập khẩu hàng hóa, đặc biệt là nông - thủy sản.

Ông Trần Văn Công, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cho rằng, các mặt hàng cụ thể mà Việt Nam có thể xuất khẩu sang các nước Trung Đông và châu Phi là gạo, chè, cà phê, hạt tiêu, cao su tự nhiên, trái cây (đặc biệt là chuối, dứa, chanh).

Tuy nhiên, ông Công nhận định, bên cạnh những tiềm năng và thuận lợi, việc thúc đẩy hơn nữa hợp tác trong lĩnh vực xuất khẩu hàng hóa sang Trung Đông – châu Phi cũng có một số khó khăn như năng lực tài chính có hạn của các nhà nhập khẩu châu Phi, sự thiếu thốn về thông tin thị trường, khác biệt văn hóa với các nước bạn và sự cạnh tranh tới từ các nước châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan…

Tại hội thảo, đại diện các cơ quan chức năng của Việt Nam cùng các nhà ngoại giao tới từ Trung Đông và châu Phi cũng đã thảo luận và giải đáp nhiều thắc mắc của doanh nghiệp, qua đó tìm ra những giải pháp, chỉ ra những tiềm năng cũng như phương hướng xử lý những khó khăn tại trong vấn đề xuất khẩu sang thị trường châu Phi – Trung Đông.


C. Trung - T. Minh
.
.
.