Nhiều lợi ích từ việc hạn chế dùng tiền mặt

Thứ Năm, 05/03/2020, 09:26
Tiền giấy được khuyến cáo là “ổ vi khuẩn” tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh COVID-19, nên thanh toán bằng tiền mặt đang được hạn chế trong giao dịch hằng ngày. Bởi vậy, bên cạnh nhiều tác động tiêu cực, dịch bệnh lây lan được cho là cơ hội để hạn chế thanh toán bằng tiền mặt của nền kinh tế.

Kể từ khi dịch bệnh bắt đầu hoành hành, bà Xuân (Đống Đa - Hà Nội) dường như “thoáng tay” hơn trong khi đi chợ. Thay vì mua vài nghìn gia vị như hành lá, ớt hay chanh, bà thường mua trọn 10.000 đồng để đỡ phải lấy lại tiền lẻ.

“Vẫn biết tiền vốn bẩn và là ổ vi khuẩn, nhưng tôi vẫn trả tiền mặt theo thói quen lụt thì chết cả làng, mình hệ miễn dịch tốt nên không sợ. Nhưng từ ngày có dịch COVID-19, tôi ngại cầm những đồng tiền cũ. Ngay cả ở nhà có trẻ con, tiền cũng được giấu kỹ hơn, không cho các cháu chạm vào vì sợ bẩn. Đi chợ truyền thống bằng tiền mặt chưa bỏ được, nhưng hầu hết tôi đều mua  hàng chỗ quen biết, để thay vì trả tiền rồi lấy lại tiền phụ, nhiều hôm mua thịt, tôi gửi tiền thừa cho người bán hàng, hôm sau mua tiếp, cẩn thận thì hơn”, bà Xuân cho biết.

Giao dịch qua kênh di động tăng 225% về giá trị và 196% về số lượng.

Cũng vì tư tưởng “cẩn tắc vô áy náy”, nhiều người tiêu dùng, đặc biệt là người trẻ đang đẩy mạnh mua bán online. Những trang web chợ quê, mua sắm trực tuyến hay như Lazada, Sendo được nhiều người giao dịch hơn. Tại các siêu thị, theo quan sát của chúng tôi, tỷ lệ khách quẹt thẻ cao hơn so với trước khi có dịch. Khoảng 90% doanh thu tiền điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam được nộp qua ngân hàng.

Hơn 30 bệnh viện đã kết nối thanh toán, trong đó một số bệnh viện đã đạt 35% số lượng thanh toán không dùng tiền mặt.

Còn theo đại diện ZaloPay, lượng giao dịch qua ZaloPay tăng đáng kể so với thời điểm trước khi dịch bệnh bùng phát. Tính riêng số lượng giao dịch chuyển tiền qua khung trò chuyện Zalo, trung bình mỗi ngày tăng hơn 30 lần. Hiện, đơn vị này cũng đang tiếp tục đưa ra khuyến cáo người dân hạn chế sử dụng tiền mặt để tránh nguy cơ lây lan mầm bệnh qua đường tiếp xúc bằng tay.

Tương tự, Grab vừa triển khai một số biện pháp chủ động phòng chống dịch COVID-19 khuyến khích khách hàng hạn chế sử dụng tiền mặt, tăng cường sử dụng ví điện tử, thanh toán online... Ví điện tử MoMo cũng đưa ra khuyến cáo người dùng hạn chế sử dụng tiền mặt, ưu tiên chọn lựa các phương thức, kênh thanh toán điện tử để hạn chế tối đa những nguy cơ tiếp xúc với mầm bệnh…

Đặc biệt, để khuyến khích khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt, Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) miễn giảm phí thanh toán dịch vụ công và chuyển tiền liên ngân hàng giá trị nhỏ từ 25/2 đến 31/12/2020. Giảm 72% phí chuyển mạch các giao dịch chuyển tiền nhanh liên ngân hàng 24/7 đối với các giao dịch có giá trị nhỏ từ 500.000 đồng trở xuống, mức giảm từ 1.800 đồng/giao dịch xuống còn 500 đồng/giao dịch.

Bà Nguyễn Tú Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị NAPAS cho biết: “Chúng tôi tin rằng chương trình miễn giảm phí dịch vụ chuyển mạch trong năm 2020 của NAPAS có thể góp phần hỗ trợ hiệu quả cho hệ thống ngân hàng, doanh nghiệp và đặc biệt là người dân trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp”.

Còn theo các chuyên gia, việc chuyển sang giao dịch trực tuyến thực sự là một sự dịch chuyển về tư duy vì từ trước tới nay, tư tưởng, tiền trong túi mới là tiền của mình đã cố hữu trong nhận thức của người dân, nên chủ trương không dùng tiền mặt của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) rất riết ráo nhưng tính hiệu quả vẫn bị hạn chế.

Chuyên gia kinh tế - TS Cấn Văn Lực khi phân tích về những tác động của dịch bệnh tới việc kinh doanh của ngân hàng đã chỉ ra 3 tác động, trong đó có tác động tích cực là thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Đây là cơ hội để người dân thay đổi tập quán, thói quen, còn phía các nhà băng cũng cần nghiên cứu để cải tiến những hạn chế về cơ sở hạ tầng, nâng cao niềm tin của người tiêu dùng, thu hút giao dịch trực tuyến.

Theo ông Phạm Tiến Dũng - Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN), thanh toán điện tử và thanh toán di động đã tăng rất mạnh trong năm 2019, trong đó thanh toán nội địa qua thẻ ngân hàng tăng 42,5% về số lượng và 35,4% về giá trị so với năm trước đó. Giao dịch qua kênh di động tăng 225% về giá trị và 196% về số lượng.

Với thanh toán dịch vụ công, hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng đã được kết nối với toàn bộ 63 kho bạc nhà nước địa phương đáp ứng được nhu cầu chi tiêu ngân sách của người dân và doanh nghiệp một cách nhanh chóng và kịp thời.

Đặc biệt, khoảng 99% doanh nghiệp kết nối với ví điện tử, 27 ngân hàng và 10 tổ chức trung gian thanh toán phối hợp thu tiền điện. Trong năm 2020, theo ông Dũng, NHNN sẽ tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý theo hướng tạo điều kiện thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế, hoàn thành các đề án thanh toán không dùng tiền mặt...

Lãi suất sẽ giảm trong thời gian tới?

Gói hỗ trợ tín dụng ưu đãi lãi suất lên tới 285.000 tỷ đồng sắp được tung ra để hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) bị thiệt hại do dịch bệnh COVID-19 gây ra, đồng thời xu hướng lãi suất huy động đang có chiều hướng được nhiều ngân hàng kéo giảm được cho là sẽ có tác động tới mặt bằng lãi suất trong thời gian tới.

Số liệu công bố từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết: Trong tuần vừa qua, lãi suất bình quân liên ngân hàng so với trước đó đã giảm ở hầu hết các kỳ hạn. Cụ thể, lãi suất bình quân các kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 1 tháng giảm lần lượt là 0,21%/năm, 0,14%/năm và 0,29 xuống mức 1,96%/năm, 2,26%/năm và 2,72%/năm. 

Tương tự, trên thị trường tài chính, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các nhóm ngân hàng đều có xu hướng giảm nhẹ trong tháng 2. 

Cụ thể, lãi suất của nhóm 4 ngân hàng thương mại Nhà nước giảm trung bình 0,1%, nhóm ngân hàng thương mại có vốn trên 5.000 tỷ đồng giảm 0,07%, nhóm ngân hàng thương mại có vốn dưới 5.000 tỷ đồng giảm 0,01%.

Trong báo cáo phân tích của mình, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng trong tháng 2, kinh tế vĩ mô Việt Nam chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi diễn biến của dịch cúm COVID-19. Do hoạt động kinh doanh và nhu cầu tiêu dùng giảm xuống nên nhu cầu vay vốn, tín dụng cũng giảm khiến nhu cầu huy động của ngân hàng không còn lớn và lãi suất có xu hướng giảm trong tháng 2.

Trong thời gian tới, nếu diễn biến dịch bệnh COVID-19 vẫn chưa được kiểm soát thì có thể tiếp tục khiến hoạt động sản xuất, dịch vụ tiếp tục bị ảnh hưởng tiêu cực. 

Trước diễn biến trên, NHNN đã yêu cầu các ngân hàng hỗ trợ lãi suất cho vay cũng như khoanh nợ, giãn nợ đối với những DN bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Trên cơ sở đó, lãi suất huy động có thể tiếp tục xu hướng giảm nhẹ trong thời gian tới - BVSC nhận định.

Trong khi đó, thông tin từ phía NHNN cho biết các tổ chức tín dụng đang xây dựng chương trình hỗ trợ, gói tín dụng để tiếp tục đầu tư cho các DN bị ảnh hưởng bởi COVID-19 với tổng giá trị là 285.000 tỷ đồng trên toàn hệ thống - cao hơn so với con số 250.000 tỷ đồng được đề cập tại hội nghị bàn các giải pháp hỗ trợ DN trong dịch COVID-19 diễn ra ngày 2/3. 

Mức lãi suất sẽ tùy thuộc vào tình hình cụ thể của khách hàng và đơn vị bị ảnh hưởng để căn cứ, không có mức cố định. Bình quân, các tổ chức tín dụng sẽ giảm 0,5-1% so với mặt bằng lãi suất trên thị trường và không dùng nguồn ngân sách. 

Trong một diễn biến khác, để hỗ trợ cho các DN tháo gỡ khó khăn vì dịch bệnh, tính tới ngày 3/3, đã có gần 30 ngân hàng thực hiện miễn, giảm phí chuyển tiền liên ngân hàng. Động thái này được cho là nhằm chia sẻ trách nhiệm với cộng đồng và khách hàng, góp phần đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt.

Hà An
.
.
.