Nhập nhằng chất lượng, gian lận xuất xứ bánh trung thu

Thứ Tư, 21/08/2019, 08:25
Thị trường bánh trung thu (BTT) năm nay khởi động sớm hơn mọi năm, trên nhiều tuyến đường đã bày bán các loại BTT của nhiều thương hiệu, nhưng chủ yếu vẫn là khách mua sỉ đặt hàng cho các công ty, còn bán lẻ chưa nhiều. 

Thị trường BTT năm nay có sự cạnh tranh mạnh mẽ của BTT các thương hiệu, BTT handmade (nhà làm) và BTT nhập lậu...

Điểm mới trên thị trường BTT năm nay, đó là các thương hiệu chạy đua với xu hướng mới để tạo ra các dòng sản phẩm giàu dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe người tiêu dùng (NTD). Như nguyên liệu làm BTT có nguồn gốc tự nhiên; nhân bánh sử dụng nhiều loại trái cây, mứt trái cây và các loại hạt, các loại đậu; đường tinh luyện truyền thống được thay thế bằng đường ăn kiêng; mỡ động vật thay thế bằng dầu thực vật chiết xuất từ các loại hạt; hóa chất tạo màu được thay bằng màu tự nhiên...

Năm nay, BTT làm từ nguyên liệu rau củ quả “lên ngôi” như dòng BTT trái cây, socola, nhân bánh được làm 100% từ mứt trái cây, socola nguyên chất, BTT làm từ cà rốt, dâu tằm, dưa lưới, vỏ bưởi, hồng dẻo Đà Lạt…

Riêng dòng bánh cao cấp có nhân đông trùng hạ thảo, sâm ngọc linh, tổ yến, cua sốt kiểu Singapore...  Giá các loại BTT dao động từ 39.000 - 480.000 đồng/cái, từ dòng phổ thông đến cao cấp. Các dòng bánh chay, bánh ăn kiêng cũng đa dạng hơn mọi năm, sử dụng 100% nguyên liệu thực vật tự nhiên cao cấp, thay thế 70% đường tinh luyện bằng đường Maltitol và Isomalt.

Theo đánh giá của đại diện Công ty CP Bibica, các loại nguyên liệu làm BTT năm nay tăng giá khoảng 5% so với năm ngoái. Mùa trung thu năm nay, Bibica đưa ra thị trường hơn 600 tấn BTT các loại, tăng khoảng 10% so cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, Bibica không tăng giá phần lớn các loại BTT để NTD bình dân cũng có thể mua được; Đại diện Mondelez Kinh Đô cũng cho biết, đã đưa ra thị trường 83 chủng loại sản phẩm với đa dạng hương vị từ truyền thống đến hiện đại, có giá khuyến nghị từ 40.000 - 480.000đ/bánh, và 470.000-4.000.000đ/hộp Trăng Vàng thượng hạng. 

Ngoài kênh bán hàng truyền thống với hàng ngàn điểm bán trên toàn quốc, hầu hết các đơn vị sản xuất BTT đều đẩy mạnh bán hàng tại các trang mua sắm trực tuyến như: Tiki.vn,Shopee.vn, Lazada.com; sendo.com.

Thị trường bánh trung thu đã bắt đầu vào mùa.

Trong khi các thương hiệu lớn chỉ mới trưng bày, giới thiệu sản phấm... thì các cơ sở nhỏ, sản xuất thủ công, đã nhanh nhạy hơn trong việc sản xuất để đón đầu mùa vụ. Đặc biệt là BTT “nhà làm” đã phát triển nhanh chóng và rất hút khách, các loại BTT này được làm từ các cá nhân, hộ gia đình nhỏ lẻ, rao bán rầm rộ trên các trang mạng xã hội.

Các loại BTT này chào bán rất đa dạng màu sắc và người bán cho biết, các màu sắc tự nhiên được chiết xuất từ các loại bột rau củ quả. Tất cả các loại BTT đều không sử dụng hương liệu, chất bảo quản, đường hóa học, chất chống mốc, chất tạo màu... Tùy kích cỡ 100-300gr và 1-3 trứng, giá BTT dao động từ 45.000-70.000 đồng/bánh.

Chị Kim Ngân, ngụ quận 7, TP Hồ Chí Minh, là khách hàng ruột của sản phẩm BTT “nhà làm” cho biết, chị thích đặt BTT nhà làm là vì người sản xuất làm theo yêu cầu của khách hàng, giao 2-3 ngày sau và hàng luôn được tươi mới. Chính vì vậy, ngoài đặt hàng để dùng, chị cũng “thiết kế” những mẫu độc, lạ, đặt sản xuất để làm quà biếu được bạn bè rất ưa chuộng, trong khi BTT các thương hiệu mẫu mã đơn điệu mà giá cao hơn 30-40% so với BTT nhà làm.

PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) TP Hồ Chí Minh cảnh báo: “BTT nhà làm muốn bán ra thị trường thì phải đảm bảo các quy định về điều kiện vệ sinh ATTP, phải truy xuất được nguồn gốc BTT để chịu trách nhiệm với NTD và thậm chí nơi bán phải đóng thuế. Nếu bán mà chưa đăng ký, công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm theo quy định là vi phạm pháp luật. Cơ quan chức năng kiểm tra, phát hiện vi phạm sẽ xử lý theo quy định”.

Trong khi, việc quản lý các cơ sở sản xuất kinh doanh BTT trên mạng Internet trong thời gian qua cơ quan chức năng gần như chưa kiểm soát được. Những ngày gần đây, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) cũng đã phát hiện số lượng lớn BTT nhập lậu từ Trung Quốc vào thị trường nội địa.

Mới đây nhất, lực lượng QLTT tỉnh Lạng Sơn kiểm tra xe ôtô khách do ông Nguyễn Thành Công (SN 1974, ngụ tỉnh Hà Nam) điều khiển, phát hiện trong xe có 300 cái BTT ngọt nhân trứng nhãn hiệu Zhishiliuxinsu (loại 55g/cái) và 820 cái bánh dẻo nhãn hiệu Mashu (loại 100g/cái) đều do Trung Quốc sản xuất không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc; Công an TP Hà Nội phối hợp QLTT Hà Nội cũng thu giữ tại một điểm tập kết hàng hơn 1.000 sản phẩm kẹo, BTT nhập lậu từ Trung Quốc.

Trong đó, có nhiều loại BTT đang gây sốt trên thị trường như bánh trứng, bánh nướng, bánh khoai môn, sữa chua, mochi. Đáng chú ý, các loại BTT nhập lậu đều không rõ chất lượng, thành phần, nguyên liệu, nguồn gốc sản phẩm... nên tiềm ẩn nhiều nguy hại cho người sử dụng.

Ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT cho biết, đã chỉ đạo các Cục QLTT các tỉnh khu vực biên giới và các địa phương dọc theo tuyến vận chuyển từ biên giới vào nội địa có phương án kiểm tra đột xuất, để ngăn chặn và xử lý trường hợp vi phạm về vận chuyển, kinh doanh các loại nhân BTT làm sẵn, BTT giá rẻ, BTT nghi ngờ nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm ATTP. Bên cạnh đó cũng chú ý kiểm tra các loại BTT được sản xuất theo phương thức cổ truyền, BTT tự làm không công bố chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Để kiểm tra, kiểm soát thị trường BTT, Tổng cục QLTT đã có công văn yêu cầu Cục QLTT các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường trước, trong và sau Tết Trung thu, để kịp thời ngăn chặn các hành vi nhập lậu, không rõ xuất xứ, không đảm bảo chất lượng ATTP. Đặc biệt, lưu ý kiểm tra các cơ sở sản xuất BTT quy mô lớn, đầu mối cung cấp, địa điểm tập kết nguồn hàng.

Thúy Hà
.
.
.