Người lao động tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề

Chủ Nhật, 21/02/2021, 09:34
Dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp khiến nhiều lĩnh vực như vận tải, du lịch, dịch vụ vẫn phải loay hoay tìm phương án vượt qua khó khăn.

Tuy vậy, đối với nhiều lĩnh vực khác, ngay sau Tết, các doanh nghiệp đã hoạt động trở lại cùng với những tín hiệu tích cực như một số doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, cơ khí, điện tử… tại các khu công nghiệp vẫn đang có nhu cầu tuyển dụng lao động. 

Theo các chuyên gia lao động, đây là thời điểm cần đẩy mạnh công tác dự báo nhu cầu nhân lực để đảm bảo việc làm cho người lao động, cũng như tăng tính kết nối giữa doanh nghiệp và người lao động. 

Bức tranh nhiều màu xám

Ngay trước Tết, đợt dịch COVID-19 lần thứ 3 bùng phát đang có nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến các mặt của đời sống xã hội. Thị trường lao động cũng không ngoại lệ. Theo thông lệ hàng năm, cứ sau Tết, thị trường lao động sẽ sôi động do nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp tăng mạnh. 

Vậy nhưng, năm nay làn sóng dịch bệnh đang khiến cho thị trường lao động ảm đạm. Theo báo cáo của Liên đoàn Lao động TP Hà Nội, hiện đã có hơn 4.700 doanh nghiệp đã hoạt động trở lại với 94,5% người lao động trở lại làm việc. 

Theo đánh giá của Liên đoàn Lao động TP Hà Nội, tỉ lệ công nhân lao động trở lại làm việc sau Tết năm nay thấp hơn so với Tết Canh Tý 2020 (trên 98%). Nguyên nhân do tình hình dịch COVID-19 trong dịp Tết và sau Tết diễn biến phức tạp, nên người lao động cân nhắc thời điểm trở lại Hà Nội làm việc. Cơ hội tìm việc làm hiện nay khó khăn nên tâm lý công nhân không "nhảy" việc, chỉ lùi thời gian trở lại công ty. 

"Thị trường lao động dần ổn định vào đầu tháng 3. Tuy nhiên, doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực du lịch, dịch vụ, vận tải hành khách sẽ tiếp tục gặp khó khăn do tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Thời gian người lao động quay trở lại hoạt động sẽ muộn hơn", ông Tạ Văn Dưỡng, Trưởng ban chính sách pháp luật - Liên đoàn Lao động TP Hà Nội thông tin. T

uy vậy, theo ông Dưỡng, bức tranh thị trường lao động không chỉ toàn “gam màu xám” bởi các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), cơ khí… đang hoạt động tại các khu công nghiệp - chế xuất trên địa bàn không bị ảnh hưởng lớn do họ là các công ty xuyên quốc gia. 

Chỉ có các doanh nghiệp gia công da giày, dệt may sẽ gặp nhiều thách thức do đơn hàng từ nước ngoài thường "gối đầu" cuối năm ngoái đến gần Tết năm sau hoặc 6 tháng đầu năm 2021. Nhiều quốc gia trên thế giới bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nên "dè chừng" đặt đơn hàng mới.

Theo ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, từ đầu năm 2020 đến nay, ảnh hưởng trực tiếp từ dịch COVID-19 với những giai đoạn như tháng 2 đến tháng 5, sau đó khôi phục tháng 6, tháng 7, cuối tháng 7 cũng bị ảnh hưởng dịch COVID-19, vừa khôi phục được vài tháng thì lại bước vào giai đoạn dịch đầu năm 2021. 

Số liệu cũng như đánh giá nhìn nhận từ cơ quan chức năng cho thấy, người lao động phải đối mặt với nguy cơ mất việc, giãn việc. Người lao động làm công ăn lương, điều quan tâm nhất là luôn có việc làm ổn định, tạo ra thu nhập để duy trì cuộc sống bản thân và gia đình, người thân. 

“Hiện nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, “sức khoẻ” của doanh nghiệp không được ổn định, nếu không nói là yếu, rõ ràng với tâm lý chung, người lao động phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ. Thời gian qua, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tiếp cận với rất nhiều đối tượng lao động. Căn cứ vào mỗi nhóm đối tượng, chúng tôi vẫn tiếp tục có những hỗ trợ, có định hướng để làm sao hỗ trợ người lao động tìm kiếm việc làm mới, để người lao động có thể đảm bảo được cuộc sống”, ông Thành cho biết.

Làn sóng dịch lần 3 đang tiếp tục ảnh hưởng nặng nề tới người lao động.

Tập trung công tác dự báo thị trường lao động

Theo TS Nguyễn Thị Lan Hương, Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động xã hội, cuộc khủng hoảng này chắc chắn sẽ còn lâu dài và đặt ra thách thức, sau đi qua khủng hoảng, những biến động của thị trường lao động được rất nhiều chuyên gia dự báo là không quay về như cũ. Số người thất nghiệp, số người bị mất việc làm sẽ phải tìm việc làm mới và làm thế nào để việc kết nối giữa nhu cầu việc làm của một nền kinh tế là thách thức rất lớn đối với chính sách và kết nối lao động. 

“Tôi nghĩ rằng, cần có những chính sách có thể tận dụng các lao động đang gặp khó khăn để chuyển đổi việc làm, nắm bắt nhu cầu người lao động. Đặc biệt, kết nối giữa các việc làm hiện hành với các việc làm mới được dự đoán sẽ phát triển rất nhanh khi kết thúc cuộc khủng hoảng. Đây là lúc cần phải làm tốt công tác dự báo”, TS Nguyễn Thị Lan Hương đánh giá.

Tập trung vào công tác dự báo thị trường lao động là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cũng được Cục Việc làm (Bộ LĐ - TBXH) đặt ra trong năm 2021. Đại diện Cục Việc làm cho biết, sẽ theo dõi, nắm bắt, đánh giá tác động của dịch COVID-19 để tiếp tục đề xuất, tham mưu cho Bộ, Chính phủ các chính sách phù hợp; tăng cường các hoạt động giao dịch việc làm, kết nối cung - cầu cung cầu lao động và giải quyết bảo hiểm thất nghiệp. 

Cục trưởng Cục Việc làm Vũ Trọng Bình cho biết, bước sang quý IV/2020, thị trường lao động Việt Nam bắt đầu phục hồi, nhiều lĩnh vực cho thấy tín hiệu tốt, các ngành nghề, lĩnh vực bị đứt chuỗi, bị ngừng việc đã trở lại thị trường. 

Do đó, năm 2021, Cục Việc làm sẽ chủ động nghiên cứu, đề xuất các giải pháp hỗ trợ về tạo việc làm cho thanh niên lập nghiệp, khởi sự doanh nghiệp, chuyển dịch việc làm khu vực nông thôn, hỗ trợ tạo việc làm cho nhóm lao động yếu thế, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tuyển dụng và sử dụng lao động của doanh nghiệp…

Phan Hoạt
.
.
.