Ngoại lệ nào cho trần lãi suất 20%/năm?

Thứ Năm, 22/09/2016, 08:34
Rất nhiều chuyên gia cũng cho rằng, việc quy định một mức lãi suất cố định tối đa trong Bộ luật Dân sự với mức 20%/năm nhằm hạn chế tình trạng tín dụng đen, cho vay nặng lãi.

Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015 (chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2017) quy định: “Lãi suất do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20% của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác”.

Trao đổi về vấn đề này, TS Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết: Hiện có nhiều ý kiến cho rằng quy định nêu ra trong Bộ luật Dân sự sửa đổi là chưa rõ ràng, do đó, NHNN cần đưa ra ý kiến rõ ràng về vấn đề này. 

“Luật không thể diễn tả hết mọi vấn đề được, các quy định nêu ra trong Bộ luật Dân sự 2015 mới ở mặt chủ trương, để triển khai thực hiện vào cuộc sống thì cần thiết phải có một thông tư hướng dẫn”, TS Cao Sỹ Kiêm nói.

Lãi suất ngân hàng cần được điều hành linh hoạt. (Ảnh minh họa)

Ông Cao Sỹ Kiêm cũng cho rằng, điều khoản "trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác" nêu kèm theo quy định về mức trần lãi suất trong Bộ luật Dân sự sửa đổi được hiểu là các tổ chức tín dụng (TCTD) sẽ không chịu sự điều chỉnh bởi Bộ luật Dân sự, mà vẫn hoạt động theo luật chuyên ngành, bao gồm Luật Các tổ chức tín dụng và Luật Ngân hàng Nhà nước. 

Căn cứ theo một số điều khoản tại các luật này thì TCTD được tự do thỏa thuận về lãi suất, trừ những trường hợp đặc biệt, cấp bách NHNN sẽ có những chỉ đạo mang tính tức thời để điều chỉnh thị trường theo quy định về Luật Ngân hàng Nhà nước. 

“Lãi suất cho vay của TCTD hoàn toàn có thể vượt hơn mức lãi suất 20% và có đối tượng cụ thể. Lãi suất cao là xu hướng tất yếu khi nền kinh tế đang thiếu vốn hoạt động cần có nguồn vốn đáp ứng những đối tượng phù hợp, dựa trên nguyên tắc khách hàng và ngân hàng tự thỏa thuận”, TS. Cao Sỹ Kiêm phân tích.

Đồng tình với quan điểm này, rất nhiều chuyên gia cũng cho rằng, việc quy định một mức lãi suất cố định tối đa trong Bộ luật Dân sự với mức 20%/năm nhằm hạn chế tình trạng tín dụng đen, cho vay nặng lãi. 

Còn nếu đem áp với TCTD sẽ có thể dẫn tới nhiều hệ lụy tiêu cực cho toàn hệ thống tài chính ngân hàng, thậm chí là “bóp chết” các TCTD – nhân tố chính góp phần tạo nên một nền kinh tế.

Nêu quan điểm của mình, TS. Trần Du Lịch cho rằng: “Dưới góc độ pháp luật, nếu tổ chức tín dụng với các động cơ bóp chẹt, ép buộc người vay trong một số tình thế để trục lợi thì mới định ra giải pháp xử lý, không thể nào chỉ vì chống tín dụng đen mà lại đặt ra một cái trần lãi suất chung để bóp méo thị trường”.

Ông cũng đồng thời nhấn mạnh: “Tổ chức tín dụng không cho vay nặng lãi, vì tất cả đều phải minh bạch, hoạt động trong khuôn khổ pháp luật. Vậy tại sao chúng ta lại ra một điều luật trái với quy luật thị trường, để rồi trói buộc cả một hệ thống tín dụng?”.

Ở một khía cạnh khác, TS. Đinh Thế Hiển, Chuyên gia kinh tế cho rằng, việc lãi suất cao hay thấp không có sự khác biệt theo góc độ TCTD mà thực chất là theo mức độ rủi ro của việc thu hồi vốn, bởi đây mới chính là bản chất kinh tế của thị trường vốn.

H.N.
.
.
.