Ngày càng nhiều người Việt “ưu tiên dùng hàng Việt”

Thứ Ba, 25/08/2020, 08:23
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, hàng Việt tại các hệ thống siêu thị trong nước luôn luôn đạt ở tỉ lệ từ 90% trở lên.

Tỷ lệ hàng Việt tại các chợ, cửa hàng tiện lợi chiếm từ 60% trở lên. Trong khi đó, 67% số người được khảo sát xác định sẽ ưu tiên dùng hàng Việt Nam và 36% đã dừng thói quen mua hàng có nguồn gốc từ nước ngoài. Đây là thành công của cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong dịch COVID-19.

Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, trong hệ thống siêu thị của một số doanh nghiệp (DN) trong nước, hàng hoá sản xuất trong nước chiếm tỷ trọng lớn từ 80 - 90%. Cụ thể, Co.opmart (90-93%), Satra (90-95%), Vissan (95%), Vinmart (90%), BRG Retail (90%), hệ thống siêu thị Bách hóa Xanh (95%)... 

Bên cạnh đó, tỷ lệ hàng Việt tại các siêu thị nước ngoài chiếm từ 60-96%. Cụ thể, Lotte (82% theo doanh thu và 84% theo số lượng mặt hàng), Big C (96% theo doanh thu), Aeon (80% theo mã hàng), Mega Market (95% theo mã hàng)... 

Đối với kênh bán lẻ truyền thống, tỷ lệ hàng Việt tại các chợ, cửa hàng tiện lợi chiếm tỷ lệ từ 60% trở lên. Theo báo cáo của các địa phương, tỷ lệ hàng Việt tại các hệ thống phân phối bán lẻ hiện đại vẫn chiếm tỷ trọng cao (70-90%). Đây là con số ấn tượng đối với hàng Việt.

Theo kết quả điều tra dư luận xã hội năm 2019 của Viện Nghiên cứu dư luận xã hội (Ban Tuyên giáo Trung ương), 67% người tiêu dùng xác định sẽ ưu tiên lựa chọn hàng Việt Nam và 52% người được hỏi cho biết luôn luôn khuyên người thân, bạn bè nên sử dụng hàng Việt Nam. Đặc biệt, 36% người tiêu dùng trước đây có thói quen thường mua hàng có nguồn gốc từ nước ngoài đã dừng mua, thay vào đó là mua hàng Việt Nam. 

Kết quả điều tra năm 2019 là 67% người tiêu dùng xác định sẽ ưu tiên lựa chọn hàng Việt Nam, năm 2010 là 59% và 2014 là 63%). Điều này cho thấy nhận thức, thái độ của người dân khi mua sắm hàng hóa đã có sự chuyển biến thay đổi đáng kể, tỷ lệ người dùng hàng Việt có xu hướng tăng dần.

Hàng Việt dần khẳng định chất lượng và vị thế của mình đối với người tiêu dùng.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, Việt Nam đã thiết lập được hệ thống phân phối hàng hóa xuyên suốt từ trung ương đến các địa bàn vùng sâu, xa. Thông qua chương trình phát triển thị trường nội địa gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, hàng hóa tại Việt Nam được tiêu thụ mạnh mẽ hơn, góp phần cho các DN sản xuất tại Việt Nam tiêu thụ được hàng hóa, qua đó có thể nâng cao năng lực cạnh tranh, đặc biệt đặt trong bối cảnh DN phải đối đầu với hàng hóa của các nước đang phát triển có mặt tại Việt Nam hiện nay.

Hàng Việt dần khẳng định chất lượng và vị thế của mình đối với người tiêu dùng. Tuy nhiên, ông Trần Duy Đông cũng cho rằng, hàng Việt đang phải chịu sự cạnh tranh gay gắt với hàng hóa ngoại nhập về chất lượng, giá cả, mẫu mã… đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, tham gia nhiều FTA.

Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) khẳng định, thị trường nội địa rất có tiềm năng, nhất là khi cuộc sống của người dân trong nước ngày càng được nâng cao. 

Để giúp hàng dệt may Việt Nam ngày càng cạnh tranh tốt hơn trên “sân nhà”, ngoài nỗ lực tự thân của DN, rất cần đẩy mạnh hơn nữa các cơ chế chính sách liên quan đến thúc đẩy thị trường nội địa. Hiện, thị trường nội địa chỉ chiếm 15% năng lực sản xuất của DN dệt may. DN dệt may đang đi bằng cả “2 chân”, nội địa và xuất khẩu. 

Ngành đã có nhiều giải pháp để thúc đẩy việc tăng cường chiếm lĩnh thị trường nội địa. Ví dụ như tập trung nâng cao chất lượng; xây dựng thương hiệu mẫu mã phong phú với giá cả phù hợp túi tiền người dân; hàng năm tổ chức hội chợ quảng cáo để làm thay đổi hành vi nhận thức người dân…

Theo một số chuyên gia, ngoài áp lực hàng ngoại thì tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ; hàng hóa không đảm bảo an toàn thực phẩm còn xuất hiện nhiều trên thị trường, chưa được kiểm soát, tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các DN trong nước gây hoang mang, lo lắng, làm mất niềm tin của người tiêu dùng đối với hàng hóa Việt Nam. 

Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP HCM cho rằng, áp lực cạnh tranh sẽ giúp cho các DN, hàng hóa trong nước vươn lên để tăng sức cạnh tranh. Khi đó, người tiêu dùng được hưởng lợi “kép” từ cả hai phía. 

Đã đến lúc các ngành sản xuất trong nước cơ cấu lại thị trường, ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực… để tăng sức cạnh tranh ở thị trường trong nước, đồng thời đảm bảo có thể đủ sức thâm nhập vào thị trường 500 triệu dân của EU.

Lưu Hiệp
.
.
.