Ngân hàng cũng là cực chẳng đã

Thứ Hai, 19/09/2016, 10:14
“Chỉ ở mức cực chẳng đã, ngân hàng mới phải dùng biện pháp như vậy để đi xử lý nợ xấu đối với các đối tượng khách hàng chây ì, không chịu trả nợ đúng hạn” - chuyên gia Tài chính – Ngân hàng Cấn Văn Lực bình luận về câu chuyện thu giữ tài sản bảo đảm (TSBĐ) đang nóng bỏng thời gian qua nhận định.


“Quốc gia nào cũng có”

Theo chuyên gia Tài chính- Ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, việc dùng các biện pháp theo quy định pháp luật để buộc khách hàng trả nợ không phải chỉ ngân hàng ở Việt Nam mới tiến hành mà trên thế giới cũng dùng biện pháp này, bắt nguồn từ nguyên nhân khách hàng chây ì, trốn nợ.

Tại Việt Nam quy định của pháp luật về việc thu giữ để xử lý tài sản bảo đảm đã có nhiều văn bản rất rõ ràng. Ngân hàng được quyền lựa chọn biện pháp, hoặc kiện ra tòa hoặc thu giữ tài sản bảo đảm nhưng phải thông báo trước cho người giữ tài sản, chính quyền địa phương về việc áp dụng biện pháp thu giữ tài sản bảo đảm về căn cứ, lý do, thời gian thực hiện việc thu giữ, quyền và nghĩa vụ của các bên.

Chuyên gia Tài chính - Ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu.

Theo đó, Ngân hàng được quyền thực hiện các biện pháp: trực tiếp hoặc ủy quyền cho người khác tiến hành việc thu giữ tài sản bảo đảm; được thu thập, phân tích, đối chiếu các thông tin liên quan đến tài sản bảo đảm; được yêu cầu chủ sở hữu và ngưởi giữ tài sản bảo đảm cung cấp thông tin, thực hiện việc bảo quản, bàn giao, thu giữ tài sản bảo đảm;

Được đề nghị chính quyền địa phương, cơ quan công an và các tổ chức, cá nhân liên quan hỗ trợ, giúp đỡ để thực hiện việc thu giữ tài sản bảo đảm; được yết thị thông báo tại nơi có tài sản bảo đảm; được thông báo cho các tổ chức, cá nhân hữu quan và đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng về việc thu giữ tài sản; được sử dụng các biện pháp để di chuyển tài sản bảo đảm đến nơi khác; được niêm phong để áp đặt quyền quản lý, trông giữ, bảo vệ tài sản bảo đảm;...

Tuy nhiên, thực tế, ở Việt Nam, nhiều trường hợp  ngân hàng thực hiện quyền thu giữ tài sản theo pháp luật đang bị hiểu lầm là tổ chức tín dụng lạm “quyền cưỡng chế của cơ quan Nhà nước”, vi phạm luật, nên dư luận không ủng hộ hoặc chống đối quyết liệt.

Với tâm lý cho rằng khách hàng bị yếm thế, dư luận thay vì đánh giá vấn đề bằng quy định pháp luật, lại tạo ra cảm xúc “cảm thông”  hoàn cảnh khó khăn của khách hàng, làm mờ đi thực tế là họ đến cả nợ gốc cũng không trả trong nhiều năm, nhưng tài sản thế chấp thì vẫn khai thác sử dụng - một chuyên gia pháp lý chia sẻ.

“Cũng là cực chẳng đã”

Chia sẻ thực tế này, chuyên gia Cấn Văn Lực cho rằng đúng là việc thu nợ của ngân hàng phải được nhìn nhận hết sức thận trọng. Cực chẳng đã ngân hàng mới phải dùng biện pháp đến nhà khách hàng thu giữ tài sản bảo đảm, bảo vệ tài sản và bán tài sản để thu nợ.

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực.

Quả thật, 10 “ông” ngân hàng đi thu nợ thì cả 10 ông đều đồng thanh tương ứng như ý kiến chuyên gia Cấn Văn Lực bởi phải áp dụng các biện pháp cưỡng chế nhằm thu giữ tài sản bảo đảm đúng là “cực chẳng đã”, là “bước cuối cùng” sau nhiều lần đàm phán không thành công.

Thực tế, những vụ thu nợ đình đám gần đây đều cho thấy “lịch sử” giao dịch của khách nợ đều có vấn đề, các ngân hàng áp dụng mọi biện pháp để thu nợ nhưng khách hàng chây ì, không chịu trả nợ đúng hạn, thậm chí nhân viên thu hồi nợ còn bị khách nợ chống đối, đuổi đánh, đe dọa hoặc bắt vạ.

“Nhân viên thu hồi nợ của ngân hàng chúng tôi từng bị khách hành hung, nhiều người sợ không dám nhận nhiệm vụ nếu không được cung cấp trang thiết bị và công cụ hỗ trợ. Chính vì vậy, để đảm bảo an toàn tính mạng và sức khỏe cho nhân viên, chúng tôi phải xin phép cơ quan chức năng được trang bị công cụ hỗ trợ. Thế nhưng dư luận và khách hàng lại “ác cảm” xem như một nhóm xã hội đen”, đại diện một ngân hàng chia sẻ.

Các chuyên gia đều cho rằng “bộ khung” cho hoạt động thu giữ tài sản bảo đảm hiện nay đang quá chật. Ảnh minh họa.

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng việc thu nợ hay xiết nợ của các ngân hàng dù cái lý thuộc về ngân hàng song vẫn cần lưu ý khi thực hiện để việc thu hồi nợ đảm bảo tính nguyên tắc, phương pháp hợp lý đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật. Mặt khác, dư luận xã hội cũng cần công bằng, không thiên lệch về phía khách nợ hay ngân hàng - bên được quyền thu giữ tài sản bảo đảm.

Ở góc độ pháp lý, các ngân hàng cũng như các chuyên gia đều cho rằng “bộ khung” cho hoạt động thu giữ tài sản bảo đảm hiện nay đang quá chật, cần những sửa đổi phù hợp với thực tiễn tạo điều kiện đẩy nhanh thu giữ TSBĐ theo luật pháp, giải quyết tình trạng nợ xấu ngân hàng tồn đọng làm giảm sút nguồn lực của xã hội, cùng rất nhiều hậu quả khác cho nền kinh tế.

Ngân Thương
.
.
.