Nâng mức bảo hiểm tiển gửi lên 125 triệu đồng: Bảo vệ người gửi tiền tốt hơn

Thứ Hai, 10/08/2020, 08:56
Từ mức 75 triệu đồng bảo hiểm tiền gửi (BHTG) thực hiện từ năm 2017, mới đây, dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về hạn mức trả tiền BHTG vừa được đưa ra lấy ý kiến góp ý đã nâng lên thêm 50 triệu đồng nữa. Mức nâng này được kỳ vọng sẽ giúp bảo vệ người gửi tiền tốt hơn.

Bảo hiểm tiền gửi (BHTG) Việt Nam hoạt động với tôn chỉ bảo vệ người gửi tiền, đặc biệt là người gửi tiền quy mô nhỏ và góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng.

Được biết, những năm đầu chính sách BHTG được triển khai tại Việt Nam, hạn mức BHTG (bao gồm cả gốc lẫn lãi) của một cá nhân tối đa là 30 triệu đồng, thực hiện từ năm 1999. Đến năm 2005, hạn mức này được điều chỉnh lên 50 triệu đồng và được duy trì tới 12 năm, đến ngày 5/8/2017, số tiền bảo hiểm được trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm theo quy định của Luật BHTG (gồm cả gốc và lãi) của một cá nhân tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi tối đa là 75 triệu đồng.

Nâng hạn mức bảo hiểm tiền gửi để hợp với chuẩn thông lệ quốc tế.

Và mới đây, theo dự thảo quyết định, số tiền bảo hiểm được trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm theo quy định của Luật BHTG của một cá nhân tại một tổ chức tham gia BHTG tối đa là 125 triệu đồng. Tại Khoản 1 Điều 24 Luật BHTG quy định: “Hạn mức trả tiền bảo hiểm là số tiền tối đa mà tổ chức BHTG trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm của một người tại một tổ chức tham gia BHTG khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm”.

Đồng thời, theo quy định tại Khoản 2 Điều 24 Luật BHTG, Thủ tướng Chính phủ quy định hạn mức trả tiền bảo hiểm theo đề nghị của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong từng thời kỳ. Như vậy, sau ba năm, dự kiến hạn mức BHTG tiếp tục được điều chỉnh tăng thêm 50 triệu đồng so với hiện hành.

Nhận định về mức tăng này, các chuyên gia cho rằng hiện tại, mức chi trả BHTG đang được áp dụng ở mức 75 triệu đồng, từ năm 2017 đến nay là quá thấp. Từ thực tế bất cập này, cộng thêm xét năng lực tài chính của BHTG Việt Nam hiện nay, NHNN đã trình Chính phủ nâng mức bảo hiểm để người dân an tâm gửi tiền.

Cụ thể, theo thông lệ quốc tế và thực tế Việt Nam, hạn mức BHTG 75 triệu đồng hiện nay không còn phù hợp với 3 yêu cầu xây dựng hạn mức BHTG phù hợp cho mỗi quốc gia nêu tại Bộ nguyên tắc cơ bản phát triển hệ thống BHTG hiệu quả (2014) và hướng dẫn của Hiệp hội BHTG quốc tế (IADI).

Theo đó, IADI khuyến nghị, hạn mức và phạm vi bảo hiểm cần có giới hạn để giảm thiểu rủi ro rút tiền ngân hàng và duy trì kỷ luật thị trường, đảm bảo phần lớn người gửi tiền ở các ngân hàng được bảo vệ (chiếm tỷ lệ từ 90 - 95% người gửi tiền) nhưng có một tỷ lệ nhất định giá trị tiền gửi không được bảo vệ. Hiện nay, tỷ lệ người gửi tiền bảo hiểm toàn bộ/tổng số người gửi tiền được bảo hiểm ở Việt Nam đang là 87,72%, thấp hơn so với mức khuyến nghị 90 - 95% của IADI.

Đại diện cơ quan quản lý, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho hay, theo tính toán của NHNN, nếu nâng hạn mức BHTG lên mức 125 triệu đồng, tương đương 2 lần GDP bình quân đầu người thì quỹ dự phòng nghiệp vụ của BHTG Việt Nam có đủ khả năng để đảm bảo chi trả tiền gửi cho 100% Quỹ tín dụng nhân dân.

Theo số liệu của BHTG Việt Nam, tính đến 30/6/2020, tổng tài sản của BHTG Việt Nam đạt mức hơn 64 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 18% so với thời điểm 31/12/2019. Quy mô quỹ dự phòng nghiệp vụ của BHTG Việt Nam cũng đạt mức hơn 58 nghìn tỷ đồng, tăng gần 22% so với cùng kỳ năm 2019.

Tuy nhiên, trong năm 2019, cơ quan này không phải chi trả bất kỳ khoản BHTG nào. BHTG Việt Nam cũng cho biết, số tiền tạm thời nhàn rỗi hiện đang được cơ quan này đầu tư, đảm bảo nguyên tắc an toàn và phát triển vốn.

Từ nay đến cuối năm 2020, BHTG Việt Nam cho biết sẽ tập trung vào việc nghiên cứu và chủ động đề xuất sửa đổi Luật BHTG, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động của BHTG Việt Nam phù hợp với thực tế và thông lệ quốc tế, nâng cao năng lực để BHTG Việt Nam có thể tham gia sâu hơn, hiệu quả hơn vào quá trình xử lý tổ chức tín dụng yếu kém. Đồng thời, sẽ tích cực tham gia vào quá trình xử lý các  tổ chức tín dụng  theo chỉ đạo của NHNN. Phối hợp chặt chẽ với NHNN trước, trong và sau quá trình kiểm soát đặc biệt nhằm đảm bảo quyền lợi của ngưởi gửi tiền.

“Với triển vọng tăng trưởng tích cực trong trung hạn của Việt Nam và sự gia tăng đáng kể về năng lực tài chính cũng như các nguồn hỗ trợ của BHTG Việt Nam, việc điều chỉnh tăng hạn mức BHTG là hoàn toàn khả thi và cần thiết để bảo vệ tốt hơn cho người gửi tiền theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế, góp phần củng cố niềm tin của người dân đối với hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam và tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng hoạt động an toàn, hiệu quả” - Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhận định.

Hà An
.
.
.